Bài 37 Vụ án 194 phố Huế: Sự im lặng đáng sợ

(Dân trí) - Vụ án của gia đình 194 phố Huế xảy ra ngay giữa trung tâm thủ đô ngàn năm văn hiến. Thế nhưng, mặc cho dư luận hết sức phẫn nộ, hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung vẫn chưa được đưa ra xét xử kịp thời.

Cáo trạng truy tố bị can Trịnh Ngọc Chung của VKSNDTC
Cáo trạng truy tố bị can Trịnh Ngọc Chung của VKSNDTC
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII của nước CHXHCNVN vẫn đang diễn ra một cách hết sức tích cực, khẩn trương. Nhiều vấn đề nổi cộm của xã hội đã được đưa ra chất vấn một cách công khai, dân chủ, trong đó có vụ án oan nổi cộm: Nguyễn Thanh Chấn. Dư luận rất tin tưởng trong một ngày gần nhất ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ được đền bù thỏa đáng về những tháng ngày oan khuất, danh dự uy tín từ đó được phục hồi, đồng thời thanh lọc kịp thời những cán bộ đã trực tiếp gây ra oan nghiệt cho ông Chấn, đảm bảo công bằng xã hội cho tất cả các tầng lớp nhân dân.

Mừng cho ông Chấn có được kết quả tốt đẹp, nhưng lại thấy lo cho những vụ án oan còn chưa được “khai sáng”. Thậm chí, như vụ án 194 phố Huế, sự thật đã quá hiển hiện, nhưng không biết vì lý do gì mà các cơ quan tố tụng lại không thể xét xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung? Phải chăng, gia đình 194 phố Huế cũng phải đợi đến 10 năm mới được trở về nhà?

10 năm, khoảng thời gian quá dài để thay đổi vận mệnh của cả một đời người, thậm chí làm tan nát gia đình, hư hại cả một thế hệ tương lai. Nếu như trong 10 năm dài đằng đẵng ấy, ông Chấn chẳng may bạo bệnh, vợ con vì dị nghị của xã hội mà thay chồng, đổi cha thì liệu có câu chuyện đoàn viên cảm động ngày hôm nay? Còn gia đình 194 phố Huế, liệu có may mắn giữ được “nếp nhà” nếu phải chờ đợi đến cả chục năm? Chưa kể, bị cáo “đối đầu” gây ra “nghiệp chướng” với gia đình 194 phố Huế - Trịnh Ngọc Chung - đã từng nắm giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng, và thế lực ngầm phía sau ông Chung có thể là người có quyền lực vô cùng lớn!
 
Cáo trạng truy tố bị can Trịnh Ngọc Chung của VKSNDTC
Sau khi Dân trí đăng tải trên 36 bài báo phản ánh các dấu hiệu sai phạm trong vụ án 194 phố Huế, tòa soạn đã nhận được sự ủng hộ, khuyến khích của đông đảo bạn đọc.

Đã hơn 2 năm kể từ ngày Trịnh Ngọc Chung nhân danh “Nhà nước” cưỡng chế trái pháp luật ngôi nhà 194 phố Huế khiến cho gia đình 194 lâm vào thảm cảnh khốn cùng, tan đàn xẻ nghé, mỗi người lang bạt một nơi. Vụ án đã thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan ngôn luận và được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thủ đô với mong muốn pháp luật được xử lý công bằng, nghiêm minh đối với kẻ phạm tội dù đó là bất kỳ ai. Tuy nhiên, vụ án vẫn bị kéo dài quá lâu, gây hoang mang trong lòng dư luận.

Là một lãnh đạo của Cơ quan Thi hành án, Trịnh Ngọc Chung đã cho cưỡng chế Thi hành một tài sản mà không cần căn cứ vào bất cứ một bản án có hiệu lực pháp luật nào theo quy định tại Điều 70 Luật Thi hành án năm 2008. Bất chấp bản án 143/2007/QĐST-KDTM của TAND thành phố Hà Nội đã bị hủy, bất chấp quá trình kê biên có nhiều sai phạm, Trịnh Ngọc Chung đã cố tình làm giả hồ sơ để hợp thức hóa thủ tục bán đấu giá ngôi nhà 194. Điều này cho thấy thái độ đứng trên luật của Trịnh Ngọc Chung, lợi dụng quyền lực công để thực hiện đến cùng hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, thống nhất ngay từ ban đầu nhằm cưỡng chế bằng được ngôi nhà 194 đã được Cơ quan điều tra làm sáng tỏ.

Câu chuyện của ông Chấn, dù sao cũng xảy ra tại Bắc Giang, nhưng vụ án của gia đình 194 phố Huế lại xảy ra ngay giữa trung tâm thủ đô ngàn năm văn hiến. Thế nhưng, mặc cho dư luận hết sức phẫn nộ, hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung vẫn chưa được đưa ra xét xử kịp thời. Có một vị lãnh đạo đã cho rằng: ê kíp thực hiện vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang có vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ. Lẽ nào, ê kíp thực hiện vụ án Trịnh Ngọc Chung ngay giữa Hà Nội cũng có “vấn đề”?

Có điều, hình như những “vấn đề” đó thường có hại cho dân. Và, dù thấy “có vấn đề” nhưng để sửa chữa nó lại là một “vấn đề” nan giải không kém. Trịnh Ngọc Chung còn được “bao che” “ưu ái” thì còn dấy lên nhiều hồ nghi về hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, làm mất lòng tin của công dân tới Cơ quan Nhà nước gây nên hậu quả rất nghiêm trọng về an ninh trật tự, chính trị trong xã hội. 

Rất mong, từ kinh nghiệm vụ án Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tiến hành tố tụng hãy dốc sức, dốc lòng vì lẽ phải, vì nhân dân mà sớm đưa vụ án ra xét xử đúng người, đúng tội đối với bị cáo Trịnh Ngọc Chung, cũng như giải quyết triệt để hậu quả do hành vi của bị cáo gây ra, khôi phục nguyên trạng ngôi nhà cho gia đình 194 phố Huế.
 
Như vậy, sau hơn 36 bài báo trên Dân trí lật tẩy nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của vụ thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế đến nay đã có kết quả của vụ việc. Đây là một trong những vụ án được đông đảo bạn đọc Dân trí quan tâm và gây bức xúc dư luận tại Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua.
 
“Điều 296 Bộ luật hình sự: Tội ra quyết định trái pháp luật
 
 1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm