Sai phạm tại Công ty Xây dựng công trình Giao thông I:
Bài 3: “Giám đốc sử dụng con dấu sau khi bị cách chức là vi phạm nghiêm trọng”
(Dân trí) - Liên quan đến những sai phạm kéo dài ở Công ty CPXDCT Giao thông I, luật sư Lê Văn Thiệp nhận định việc không tổ chức Đại hội cổ đông thường niên và sử dụng con dấu khi đã bị cách chức của ông Nguyễn Mạnh Quỳnh là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Để làm rõ những dấu hiệu vi phạm tồn tại kéo dài ở Công ty CPXDCT Giao thông I, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu (Đoàn LSTP Hà Nội) về vụ việc này. Luật sư Lê Văn Thiệp nhận định: “Việc Công ty không tiến hành tổ chức ĐHCĐ thường niên theo quy định tại khoản 1 và 2, Điều 97 - Luật Doanh nghiệp đã xâm hại nghiêm trọng các quyền của các cổ đông công ty, cũng như gây thiệt hại lớn về vật chất đối với các cổ đông nói riêng và người lao động trong công ty.
Theo quy định của pháp luật, người đại diện theo pháp luật của công ty phải được ĐHCĐ, HĐQT bầu hợp lệ trong nhiệm kỳ. Trong trường hợp cụ thể, tại Công ty CPXDCT Giao thông I thì Nghị quyết của ĐHCĐ đã bị Tòa án có thẩm quyền tuyên hủy, do vậy các nội dung trong Nghị quyết này đều không có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, HĐQT của Công ty đã triệu tập họp hợp lệ, đã cách chức Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty.
Việc không định giá tài sản, xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa đã vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 19 - Nghị định 187/2004/NĐ - CP của Chính phủ ngày 26/11/2004, quy định về việc xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản cũng như vi phạm quy định tại Điều 30 - Luật Doanh nghiệp. Công ty CPXDCT Giao thông I đã không định giá tài sản là 39 lô đất biệt thự tại Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) là vi phạm nghiêm trọng Nghị định 187/2004 NĐ - CP, vì ngoài những tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) của Công ty thuê của nhà nước thì không tính vào giá trị doanh nghiệp, còn đối với diện tích đất Nhà nước đã giao cho doanh nghiệp xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá. Giá trị QSDĐ tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá thực hiện theo quy định tại tiết b, khoản 1, Điều 19 - Nghị định 187/2004/ NĐ - CP. Ở trường hợp này thì 39 lô đất nêu trên đã được Công ty trúng thầu trước khi cổ phần hóa.
Tại điểm đ, khoản 2, Điều 104 - Luật Doanh nghiệp thì việc bán tài sản có giá trị lớn hơn 50% giá trị tài sản của doanh nghiệp quy định: “Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty”. Như vậy, nếu căn cứ vào số vốn Điều lệ của Công ty thì chỉ có 11.000.000.000đ (11 tỷ đồng), trong khi giá trị thị trường đã giao dịch của 39 lô đất này lên đến hàng trăm tỷ đồng, gấp nhiều lần giá trị tài sản của doanh nghiệp trong báo cáo tài chính của Công ty là trái pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông công ty được pháp luật bảo vệ. Các giao dịch dân sự liên quan đến 39 lô đất này đều vô hiệu theo quy định của pháp luật hiện hành. Các hành vi nêu trên của Giám đốc công ty vi phạm Điều 5 - Luật Doanh nghiệp đối với quyền của các cổ đông, cũng như thực hiện các hành vi bị cấm theo Điều 11 - Luật Doanh nghiệp.
Nếu việc mua bán 28 lô đất biệt thự với giá dưới 10 triệu đồng/m2 (giá kê khai để nộp thuế), trong khi giá trị thực tế lớn hơn 3 lần giá trị nộp thuế (29,5 Triệu/m2) được điều tra, xác minh, làm rõ là đúng thì đây sẽ là vụ án hình sự về tội trốn thuế với giá trị trốn thuế lên đến nhiều tỷ đồng. Nếu giá trị giao dịch thực tế của nhũng lô đất này không được nộp vào tài khoản của công ty mà lại nộp vào các tài khoản của những cá nhân khác thì đây là dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 278 BLHS với khung hình phạt cao nhất, vì số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cũng cần được điều tra làm rõ trong vụ việc này.
Theo quan điểm của tôi, những hành vi coi thường pháp luật, tự ý thực hiện các giao dịch gây thiệt hại cho doanh nghiệp, cho các cổ đông của Công ty CPXDCT Giao thông I của Tổng Giám đốc công ty cần phải bị điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật...”.
Liên quan đến vụ việc này, sau khi nhận được đơn kêu cứu của các cổ đông và người lao động đang làm việc tại Công ty CPXDCT Giao thông I, ngày 16/4/2014, PV Dân trí và một số cơ quan báo chí khác đã có Giấy giới thiệu đến trụ sở Công ty đặt tại số 3 Hòa Mã (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đặt lịch làm việc. Những ngày sau đó, PV nhiều lần liên lạc vào số điện thoại cá nhân của ông Nguyễn Mạnh Quỳnh liên hệ làm việc, nhằm làm rõ nội dung các cổ đông và người lao động nêu trong đơn. Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay, PV vẫn chưa nhận được hồi âm nào từ phía Công ty CPXDCT Giao thông I, cũng như ông Quỳnh nguyên Chủ tịch HĐQT - kiêm Giám đốc Công ty.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương