Quảng Trị:
Bài 2: Lộ diện công trình hàng chục tỷ, xây rồi “đắp chiếu”!
(Dân trí) - Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Quảng Trị nhiều năm liên tiếp bị lỗ, nhưng đơn vị này lại không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với nguồn vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng chưa phát huy hiệu quả.
Xây khu trại chăn nuôi quy mô “hoành tráng” rồi… phơi nắng?
Theo số liệu tổng hợp các công trình xây dựng cơ bản của Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Quảng Trị thì chỉ trong giai đoạn 2010 đến hết 2014 đã có gần chục công trình được triển khai xây dựng, với số vốn đầu tư hơn 33 tỷ đồng. Điều đáng nói, việc đầu tư mang tính dàn trải như trên đã bộc lộ sự lãng phí lớn, trong khi đó hiệu quả mang lại không mấy khả thi.
Điển hình của việc đầu tư kém hiệu quả này là Dự án trại chăn nuôi lợn nái ngoại ông, bà Đông Hà. Công trình này đã được UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định phê duyệt đầu tư vào tháng 7/2011, với tổng mức đầu tư ban đầu là 21,3 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là đáp ứng nhu cầu cung cấp giống lợn có năng suất chất lượng cho sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển chăn nuôi của tỉnh. Đến năm 2012, dự án được điều chỉnh chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I vốn Trung ương hỗ trợ 90% từ chương trình giống cây trồng vật nuôi, giống thủy sản, giống lâm nghiệp, khoảng 11 tỷ đồng. 10% còn lại từ các nguồn hợp pháp khác của Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Trị khoảng 1,2 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2013-2015. Giai đoạn II thực hiện sau 2015, với số vốn 9,1 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.
Có mặt tại khu trại này, chúng tôi nhận thấy Trại chăn nuôi lợn nái được xây dựng với quy mô hiện đại, hoành tráng, có 4 dãy nhà san sát nhau, gồm dãy nhà nuôi lợn chuẩn bị đẻ, dãy nhà dành cho lợn hậu bị và 2 dãy dành cho lợn thịt. Các dãy nhà đều được đóng kín cửa, phía trong là hệ thống chuồng ngăn, máng ăn, đèn điện...
Tuy nhiên, từ ngày công trình được bàn giao (giai đoạn I), khu trại được đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 11 tỷ đồng, Trung tâm chưa hề nuôi gia súc. Cả khu trại chăn nuôi được đầu tư với quy mô hiện đại như vậy nhưng luôn trong tình trạng khóa chặt cửa.
Trong quá trình nắm bắt thông tin, chúng tôi nhận thấy cạnh công trình trại chăn nuôi lợn, còn có công trình đập dâng khu trại giống bò có tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng. Thế nhưng, từ lúc xây dựng công trình chưa được sử dụng vào mục đích gì. Ngoài ra, các công trình chuồng bò chất lượng cao, nâng cấp sân phơi... cũng bộc lộ dấu hiệu của sự lãng phí.
Lãnh đạo Trung tâm nói gì?
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng mở rộng trại chăn nuôi lợn, được biết hiện nay tại Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi đã có khu trại chăn nuôi 50 con lợn nái. Tuy nhiên, những năm qua việc chăn nuôi ở đây lại kém hiệu quả, luôn bị lỗ. Trại chăn nuôi này hiện có 4 nhân viên làm việc.
Vấn đề đặt ra ở đây là chỉ với quy mô trại nuôi 50 con lợn nhưng không đem lại hiệu quả thì việc xây dựng khu trại đến 500 con liệu có nằm trong khả năng của Trung tâm? Ông Nguyễn Văn Trí, giám đốc trung tâm này cũng thừa nhận thực tế là hoạt động chăn nuôi ở đây liên tục bị lỗ. Tuy nhiên, ông Trí lại cho rằng việc đầu tư như vậy là “mang tính chiến lược lâu dài”, “khi đi vào hoạt động sẽ thuê kỹ sư làm việc, hạch toán độc lập như các tỉnh bạn, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tốt, sinh lãi cao”.
Giải thích về việc công trình chưa hoạt động, ông Trí nói: “Ban đầu Trại chăn nuôi được phê duyệt đầu tư hơn 21 tỷ, nhưng sau được cắt giảm xuống còn 11 tỷ đồng nên buộc phải rút bớt một số hạng mục. Quy mô chuồng trại lúc đầu là nuôi 500 con được giảm xuống khoảng 250-300 con. Hiện công trình chưa có hệ thống bioga để xử lý phân thải, chưa có nhà khử trùng và hệ thống điện 3 pha. Chính vì thiếu kinh phí đầu tư nên công trình chưa thể đưa vào sử dụng do yếu tố đảm bảo môi trường. Trung tâm đã kiến nghị lên trên và cũng đã có phương án phân bổ thêm vốn. Dự kiến đến 2017, khi có vốn sẽ triển khai hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Cần khoảng 4-5 tỷ đồng nữa mới hoàn thành xong”.
Trong khi nguồn nhân lực chưa được đáp ứng đầy đủ so với yêu cầu, kinh nghiệm còn hạn chế nhưng Trung tâm vẫn đặt ra những mục tiêu được đánh giá là vượt trên khả năng thực tế. Bên cạnh đó là việc đầu tư cơ sở vật chất ồ ạt nhưng chưa biết có mang lại hiệu quả thực tế hay không? Bằng chứng rõ nhất là việc bỏ ra số tiền lớn đến 11 tỷ đồng để xây chuồng trại nhưng lại để “phơi nắng, phơi sương”, không biết lúc nào mới hoàn thành buộc dư luận phải đặt nghi ngờ về tính khả thi của công trình này.
Đăng Đức