Hà Nội:
Bài 2: Có dấu hiệu xét xử oan sai
(Dân trí) – Bản án số 40/2007/DSST, ngày 16/7/2007 của TAND TP. Hà Nội đã áp dụng đúng luật, xét xử công bằng, khách quan đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân lại bị các phiên tòa sau bác bỏ vì sao?
Bản án số 17/2008/DSPT, ngày 14/1/2008 của Tòa án phúc thẩm tại Hà Nội- Tòa án Nhân dân tối cao: Có sự nhận định sơ sài, phiến diện, hình thức; có dấu hiệu sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá, nhận định vụ án và áp dụng pháp luật trong việc giải quyết vụ án làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Vinh.
Bản án số 04/2009/ DSST, ngày 13+15/01 /2009 của TAND TP. Hà Nội thì lại “áp dụng Điều 127, 128, 137 Bộ luật dân sự, áp dụng điểm b khoản 2.2 Điều 2 Mục II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ngày 10/8/2004; áp dụng thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 16/7/1996 xử chấp nhận một phần yêu cầu của Nguyên đơn.
Vì vậy, gia đình ông Vinh kiến nghị bản án này là có cơ sở bởi vì lý do như sau:
Nếu áp dụng điểm b khoản 2.2. Điều 2 Mục II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ngày 10/8/2004, nêu rõ: “Nếu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thực hiện thì tòa án công nhận hợp đồng trong các trường hợp sau đây: b.1. Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…” thì Tòa án không thể xử chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn được.
Điều đó được khẳng định khi gia đình ông Vinh có giấy tờ mua bán, đã quản lý sử dụng ổn định không có tranh chấp trong suốt 24 năm; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước và đã được UBND huyện Từ Liêm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Một điều trái khoáy khác là, Bản án số 04/2009/ DSST, ngày 13+15/01 /2009 của TAND TP. Hà Nội “áp dụng thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 16/7/1996” để làm căn cứ xét xử vụ án trên. Nhưng thực tế không chỉ gia đình ông Vinh, mà ngay đến các luật sư cũng không hiểu TAND TP. Hà Nội áp dụng Thông tư này ở đâu ra và do cơ quan nào ban hành. Bởi vì bản án không ghi là do cơ quan nào ban hành?
Tại bản án số 113/2009/DSPT, ngày 03/8/2009 của tòa phúc thẩm tại Hà Nội- Tòa án nhân dân tối cao: “Không chấp nhận kháng cáo của gia đình ông Vinh, xử y án sơ thẩm” có dấu hiệu gây oan sai cho gia đình ông Vinh. Cụ thể là có dấu hiệu sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật: Bởi vì thời hiệu khởi kiện đã hết.
Đáng lẽ ra, Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Áp dụng các điều, khoản, điểm, mục: Điều 645 Bộ luật dân sự; Điều 56 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự; Điểm a Khoản 1 điều 168, Khoản 2 Điều 192, Khoản 4 Điều 275, 278 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 1.1. Điều 1 Mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ngày 10/8/2004.
Cụ thể: “Đối với giao dich dân sự được xác lập trước ngày 1/7/1996 (ngày bộ luật dân sự có hiệu lực) mà các văn bản pháp luật trước đây có quy định về thời hiệu (thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ quân sự và thời hiệu khởi kiện) thì phải áp dụng các quy định về thời hiệu của các văn bản pháp luật đó để xác định thời hiệu còn hay hết, không phân biệt giao dịch dân sự đó được thực hiện xong trước ngày 1/7/1996 hay từ ngày 1/7/1996”
Mục 4 Phần II Thông tư liên ngành số 03/TTLT, ngày 10/8/1996 của TAND Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật theo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật dân sự nêu rõ:
“Đối với các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất xác lập trước ngày 15/10/1993 thì theo tinh thần quy định của Hiến pháp năm 1980 (đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân ), áp dụng các quy định của Luật đất đai năm 1987 và thông tư liên nghành số 04/TTLT ngày 3/5/1990 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục quản lý ruộng đất (nay làTổng cục địa chính) “hướng dẫn giải quyết tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất” để giải quyết. Khi thụ lý các tranh chấp này cần chú ý là hết ngày 15/10/1996 các đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp phát sinh trước ngày 15/10/1993 nữa”.