Sai phạm nghiêm trọng trong khai thác khoáng sản tại Yên Bái
Bài 2: Chính quyền không biết?
Để ràng buộc hợp đồng với công ty Yên Lào, phía đối tác Minh Việt đã đưa ra con số 10 tỷ đồng tiền phạt, coi đó là thước đo của giá trị khai thác đá tại mỏ đá Lâm Giang.
Điều này cũng đồng nghĩa, tài nguyên không tái tạo tại đây sẽ bị khai thác vô độ, trước sự thờ ơ của các cấp chính quyền.
Nhộn nhịp khai thác mỏ đá Lâm Giang
Tiền hậu bất nhất
Theo diễn giải của Giám đốc xí nghiệp mỏ đá Lâm Giang - Nguyễn Đình Khính với phóng viên Đại Đoàn Kết, hợp đồng ký với Công ty Minh Việt ngày 9-10-2012 đã được thay thế bằng hợp đồng số 3112/ HĐKT ngày 31-12-2012, trong đó quy định lại mức phạt hợp đồng là 1 tỷ đồng chứ không phải 10 tỷ đồng như trước đó. Ngoài ra, số lượng đá khai thác sẽ giảm hơn nhiều so với 1 triệu m3 đã đề ra. Việc có hợp đồng mới này là do công ty Yên Lào nhận thấy "không thể đáp ứng được” nhu cầu bên mua, và giám đốc Nguyễn Chí Thịnh đã phải đi tới quyết định thay đổi như vậy.
Có lẽ, chính từ đơn thư tố giác tới UBND tỉnh Yên Bái ngày 25-12 đã khiến cho hai công ty vội vàng đi tới sự thay đổi hợp đồng. Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào, thì việc "bán mỏ như đùa” ấy cũng là câu chuyện không thể lén lút, bí mật được. Cụ thể, trong bản hợp đồng mới, tuy đã "ẩn” đi con số liệu 1 triệu m3, nhưng thời gian hợp đồng vẫn ghi rõ sẽ phụ thuộc vào tiến độ thi công của công trình đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Theo đánh giá của một chuyên gia có kinh nghiệm của ngành cầu đường, với nhu cầu xây dựng cấp thiết của tuyến đường, số đá cần thiết sẽ không thể dưới 1 triệu m3?
Có mặt tại mỏ đá Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, chúng tôi đã chứng kiến một không khí nhộn nhịp chạy đua công suất theo thời gian của công nhân xí nghiệp. Cũng tại đây, chúng tôi đã chứng kiến xe chở vật liệu của Công ty Minh Việt vào ra mỏ như đan cửi. Điều này, hoàn toàn trái với khẳng định của lãnh đạo mỏ đá Lâm Giang, "chưa hề có giao dịch giữa hai công ty kể từ khi hợp đồng được ký kết”. Vì sao có sự thiếu minh bạch trong thông tin? Phải chăng cú "bắt tay đi đêm” của hai đối tác cần phải được bảo mật khi lợi nhuận không thuộc về nhà nước.
Để khẳng định thêm, chúng tôi đã tìm hiểu qua một số công nhân tại mỏ đá Lâm Giang, thì được biết, để giảm chi phí vận chuyển cho dự án đang quản lý, phía Công ty Minh Việt đã tổ chức xây dựng bến phà để vận chuyển đá qua sông Hồng, khiến quãng đường 17km, sẽ chỉ còn là tuyến phà qua sông.
Với sự thực hiện bài bản như vậy, 10 tỷ đồng thành 1 tỷ đồng, hợp đồng có thể chỉ là cách để bịt mắt thiên hạ.
Chính quyền không biết?
Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với các cấp lãnh đạo của UBND tỉnh Yên Bái và câu trả lời vẫn là không biết, chỉ khi nhận được đơn thư tố giác. Điều rất ngạc nhiên, là ngay trong biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái do Phó Giám đốc Phạm Văn Đoàn làm trưởng đoàn ngày 21-12- 2012, tức sau gần 3 tháng so với bản hợp đồng ban đầu, cũng không hề có một dòng chữ nào với sự xuất hiện của đối tác Minh Việt. Một mỏ đang vận hành ngày đêm phải chăng đã bị "tàng hình” trước mắt đoàn kiểm tra của Sở. Đó là chưa kể đến vai trò của UBND huyện Văn Yên trong câu chuyện "rẽ ngang” của Công ty Yên Lào. Sự thất thoát tài nguyên không tái tạo mỗi lúc một nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ đốc thúc kiểm tra sự việc tại mỏ đá Lâm Giang. Theo đó, Công ty Yên Lào sẽ chịu trách nhiệm, nếu như vi phạm luật đầu tư. Thậm chí, Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh Yên Bái thu hồi giấy phép đầu tư của công ty Yên Lào, nếu như khai thác mỏ đá không đúng theo quy định về công suất cũng như thời gian khai thác, để ảnh hưởng tới môi trường. Dư luận đang mong chờ kết luận từ phía các cấp, các ngành chức năng và hữu quan ở tỉnh Yên Bái.
Theo Đại Đoàn Kết