Sai phạm nghiêm trọng trong khai thác khoáng sản tại Yên Bái:

Bài 1: Bán mỏ như trò đùa

Từ một dự án cấp phép khai thác mỏ đá để phục vụ công trình đường sắt quốc gia, nhưng khi được giao thực hiện đơn vị đã "biến báo” và bán mỏ cho tư nhân khai thác nhằm trục lợi.

Đây không chỉ là điển hình của việc để thất thoát tài nguyên không tái tạo, mà còn gây ra nhiều hệ lụy khôn lường nếu xử lý không nghiêm …
 
Mỏ đá Lâm Giang đang trong quá trình khai thác
Mỏ đá Lâm Giang đang trong quá trình khai thác

"Đi đêm” giữa … thanh thiên bạch nhật

Căn cứ vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng giai đoạn 2007 – 2015, ngày 6-5-2011, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Yên Lào (gọi tắt là Công ty Yên Lào), được phép triển khai dự án: đầu tư xây dựng công trình khai thác lộ thiên mỏ đá Lâm Giang tại thôn 1, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Mục đích của dự án là đầu tư khai thác, chế biến, kinh doanh đá xây dựng các loại nhằm cung cấp nguyên liệu cho việc xây dựng, duy tu tuyến đường sắt đoạn Yên Bái – Lào Cai. Theo giấy chứng nhận đầu tư này, Công ty Yên Lào sẽ được phép khai thác 25.000m3 sản phẩm/ năm (trong đó đá dăm 5.000m3, đá hộc 20.000m3), trên diện tích 5,2 ha, trong thời gian 30 năm kể từ ngày cấp phép.

Tuy nhiên, khi có được những "bảo bối” trong tay,  công ty Yên Lào lại không tha thiết thực hiện khai thác mỏ đá theo giấy phép để phục vụ công trình phúc lợi xã hội. Cụ thể, ngày 9-10-2012, ông Nguyễn Chí Thịnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Yên Lào đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty cổ phần xây dựng công trình Minh Việt với nội dung bán sản phẩm đá xây dựng để thi công dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Đây cũng chính là những loại đá hộc, đá 4x6 cm và đá tổng hợp (sub balat) hiện đang được khai thác tại mỏ đá Lâm Giang, dưới hình thức nổ mìn.  

Rõ ràng, một dự án phục vụ xã hội, cụ thể là tuyến đường sắt huyết mạch của quốc gia, đã được giám đốc Thịnh "hô biến” thành một hợp đồng kinh tế của riêng công ty Yên Lào. Cú "bắt tay đi đêm” này của Công ty Yên Lào và Công ty Minh Việt thực chất là chuyện "rẽ ngang” và qua mặt các cấp, các ngành chức năng để hưởng lợi bất minh. Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra là chẳng lẽ việc "bán mỏ” của Công ty Yên Lào lại "bí mật” được như… buôn ma túy?

Ngoài ra, theo quy hoạch và cấp phép, dự án mà tỉnh Yên Bái giao cho Công ty Yên Lào có thời hạn thực hiện là 30 năm. Nhưng vì đã bán cho Công ty Minh Việt chỉ có thời hạn 2 năm, nên không cần diễn đạt nhiều thì ai cũng hiểu phía Công ty Yên Lào sẽ "chạy đua hết tốc lực” để khai thác càng nhiều, càng nhanh càng tốt. Và chắc chắn, sự "dục tốc” ấy sẽ khiến sự hủy hoại môi trường ngày càng nghiêm trọng. Kéo theo đó là hàng loạt những hệ lụy khác về hạ tầng giao thông, về mất mát tài nguyên không tái tạo …

Cá nhân hưởng lợi, nhà nước thất thu

Theo hợp đồng ký với Công ty Minh Việt, giá bán đá hộc được quy định là 91.000 đồng/m3, đá 4x6cm được bán với giá 135.000 đồng/m3, đá tổng hợp (sub balat) có giá 145.000 đồng/ m3. Tuy nhiên, theo giá bán được niêm yết tại mỏ đá Lâm Giang được quy định lại cao hơn nhiều so với giá bán cho đối tác Minh Việt. Cụ thể, giá bán lần lượt là 110.000 đồng/m3, 175.000 đồng/m3, 193.000 đồng/m3. Nếu nhân số tiền trên với khối lượng 1 triệu m3, số tiền nhà nước thất thu thuế sẽ rất lớn. Đó là chưa kể đến, mỗi một m3 đá khai thác, Công ty Yên Lào sẽ được nhận 5.000 đồng từ Công ty Minh Việt, được đo theo khối lượng phương tiện vận tải. Đây thực chất chính là khoản "trả công” cho việc đã "biến” một dự án công thành dự án tư, mà người hưởng lợi chính là những người đặt bút ký.

Làm việc với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Đình Khính - Giám đốc xí nghiệp mỏ đá Lâm Giang (đơn vị trực tiếp khai thác đá của Công ty Yên Lào) cho biết: Do được phép của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam bằng văn bản số 97/ ĐS-CSHT do Phó Tổng giám đốc Trần Phúc Tiến ký ngày 14-1-2013, nên Công ty Yên Lào có quyền "đầu tư khai thác, chế biến và kinh doanh đá xây dựng các loại, cung cấp cho việc xây dựng, bảo trì, sửa chữa, kết cấu cơ sở hạ tầng đường sắt và cho nhu cầu thị trường trong khu vực”. Chính vì vậy, khi lượng đá phục vụ tuyến đường sắt còn dư thừa, Công ty Yên Lào được phép bán ra ngoài. Song, sự biện minh ấy càng cho thấy Công ty Yên Lào đã và đang cố tình phạm luật. Chỉ riêng ngày tháng của văn bản số 97 đã "lệch” hơn 3 tháng so với hợp đồng đã ký với Công ty Minh Việt và phải chăng, chỉ khi UBND tỉnh Yên Bái nhận đơn thư tố giác ngày 25-12, Công ty Yên Lào mới tìm cách "chữa cháy”, bởi mấy chữ "nhu cầu thị trường trong khu vực” rất vụng về?

Về việc này, đại diện UBND tỉnh Yên Bái khẳng định, việc cấp phép đầu tư cho Công ty Yên Lào là hoàn toàn đúng luật. Song việc "mang dự án đi bán” của Công ty Yên Lào là phạm luật. Không có chuyện "Nhà nước cấp gạch để xây dựng ngôi nhà công ích, sau đó doanh nghiệp lại mang gạch đó đi xây nhà tư nhân để bán trục lợi”- một lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.
 
Theo Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm