Bác sĩ kê đơn khó đọc - Nỗi khổ này không của riêng ai

Tình trạng các bác sĩ viết đơn thuốc không đọc được là khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước. Không hiểu do nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?

 

 Bạn đọc: Việt Hồng

 

Tôi cũng gặp tình huống tương tự như bạn Hiếu trong bài viết  "Khổ vì thây thuốc cho đơn không đọc được" ở bênh viện Trưng Vương TPHCM. Tôi đã đi khám ở bênh viện Da liễu, bác sĩ ở đó cho đơn thuốc. Vì tôi đi khám trong giờ làm việc nên sau khi khám xong, không có thời gian để chờ mua thuốc ở bệnh viện. Tuy nhiên, sau đó tôi cầm đơn của bác sĩ đi tới 5 tiệm thuốc tây khác nhau  mà các nhân viên cửa hàng đều bó tay, không thể đọc nổi. Rốt cuộc, tôi đành quay lại nhà thuốc của bệnh viện để mua thuốc theo đơn. Và thật “kỳ diệu”, họ đọc được đơn thuốc của bác sĩ. Một vấn đề đặt ra ở đây là các dược sĩ ở nhà thuốc bênh viện quen chữ bác sĩ ? Hay cả hai bên “thông đồng” với nhau? Câu trả lời tôi xin để cho bạn đọc tự luận.

Bạn đọc: Lan Nguyên

 

Chào bạn, nghe bạn kể khổ, thì thật thông cảm, nhưng mình gặp thường xuyên như thế vì mình cũng hay đưa mẹ đi khám bệnh, đến mức đã quá quen với chuyện đó nên không còn khả năng phàn nàn. Tuy nhiên, mình có kinh nghiệm là cứ ra nhà thuốc của bệnh viện mua, đành chịu đắt một chút, nhưng đỡ tốn công và mất thời gian. Gần đây mình có đưa mẹ đi khám ở trung tâm trên đường Hoà Hảo, mình nhận được toa thuốc bằng máy vi tính, nhưng cũng để “chắc ăn” mình cũng mua trong bệnh viện luôn để khỏi mất công chạy lòng vòng ngoài đường, và câu chuyện làm việc tắc trách như thế thì “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

 

Bạn đọc: Trần Phương Thảo

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn 

Theo tôi thiêt nghĩ, tình trạng phổ biến ghi đơn thuốc rất khó đọc hoặc không đọc được của BS có thể do các nguyên nhân sau:

 

Thứ nhất: Tôi tin rằng các bác sĩ được nhà trường đào tạo khá bài bản vì thời gian học dài nhất trong các trường đại học, tuy nhiên rất nhiều BS chưa đủ trình độ tiếng Anh, chỉ biết nhìn mặt chữ (đọc vần) mà viết tên thuốc nhiều khi còn sai. Việc kê các tên thuốc chủ yếu bằng tiếng Anh, nên ghi loằng ngoằng, thiếu nét, rất khó đọc; trong khi các nhân viên bán thuốc cũng không giỏi giang tiếng Anh gì, cho nên không đọc được, thậm chí còn có thể bán nhầm thuốc.

 

Nhưng sự hạn chế về trình độ tiếng Anh không phải là nguyên nhân chính, mà trước hết là thái độ phục vụ và lương tâm người Thầy thuốc. Nếu có trách nhiệm đầy đủ, người Thầy thuốc sẽ ghi đơn thuốc rõ ràng mặc dù chữ có thể xấu.

 

Thứ hai: Một số BS cố tình viết như vậy để gây khó dễ cho bệnh nhân, vì họ vẫn bán thuốc tại nhà hoặc giới thiệu đi các cửa hàng thuốc mà bác sỹ "chiếu cố" đến, đương nhiên là “có đi có lại”. Đây là một hình thức trục lợi cá nhân.

 

Một nguyên nhân nữa là, chuyên môn của bác sỹ yếu, không dám viết rõ ràng, vì sợ thuốc kê không đúng bệnh. Không ít trường hợp lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, đã gây ra hậu quả đáng tiếc. Trường hợp này không nhiều nhưng đã xảy ra.

 

Trên đây là một vài ý kiến nho nhỏ của tôi, rất mong được trao đổi ý kiến cùng bạn đọc Dân trí.

 

Bạn đọc: Vân Anh

 

Đọc bài viết “Khổ vì Thầy thuốc cho đơn không đọc được”, tôi cảm thấy rất bức xúc trước cách viết đơn thuốc của BS cũng như thái độ cửa quyền, thiếu ý thức phục vụ bệnh nhân của Bệnh viện Trưng Vương TPHCM. Tôi xin được kể thêm một câu chuyện ngắn của bản thân có liên quan đến Bác sĩ và Bệnh viện như sau :

 

Tôi cư trú ở An Giang, gần đây có đi khám bệnh tại BV Chợ Rẫy TPHCM và được một cô Bác sĩ khám cho. Vị BS này rất “kiệm lời”, hầu như chỉ nghe tôi kể bệnh tình của mình, chứ BS “hiếm” khi trả lời hoặc là tư vấn cho người bệnh biết nên làm gì, nên ăn uống như thế nào để giữ gìn sức khoẻ, rồi đến lúc BS kê toa thuốc và lúc này thật “bất ngờ”,  BS căn dặn rất kỹ lưỡng là: “em phải nhớ là lại quầy thuốc đằng này mua nghe, đừng đi ra ngoài mua thuốc, nếu quầy thuốc không có loại này thì trở lại đây Cô kê lại thuốc khác” (quầy thuốc cách phòng khám khoảng vài chục mét gì đó). Câu nói đó được BS căn dặn đến 3 lần.

Trước những lời căn dặn quá kỹ lưỡng về nơi mua thuốc làm tôi nghi ngờ về sự “tốt bụng” của vị BS này; lẽ ra thay cho lời căn dặn rất kỹ đó là nên tư vấn cho tôi hiểu về bệnh trạng và cách khắc phục căn bệnh như thế nào mới đúng chứ. Nhưng tôi cũng không hỏi lại là tại sao nhất thiết phải mua tại quầy thuốc của BV, chẳng lẽ mấy nhà thuốc lớn bên ngoài không có bán hay sao?


May mà tôi có bà Dì mở tiệm bán thuốc Tây, trước khi tôi đi khám, Dì có dặn là lấy toa thuốc về nhà để Dì đưa cho chứ mua thuốc trong BV giá đắt hơn bên ngoài. Và tôi về An Giang nhờ Dì chứ không đi mua thuốc trong quầy thuốc của BV.

Nhưng tôi có may mắn là dù đơn thuốc có khó đọc nhưng Dì tôi luận ra được, chứ nếu không đọc được thì chẳng nhẽ lại phải cất công đi từ An Giang lên BV Chợ Rẫy TPHCM đó một lần nữa chỉ để “xin” lại toa thuốc với nét chữ rõ hơn đẹp hơn của nữ BS đó hay sao?

Tôi từng nghe nói (không biết có thật không ?) Bác sĩ thường “hợp đồng” với các quầy bán thuốc để nhận hoa hồng gì gì đó mỗi khi có toa thuốc nào lại mua thì quầy thuốc đó sẽ chi lại bao nhiêu phần trăm tiền hoa hồng trên mỗi toa thuốc cho Bác sĩ đứng tên kê toa, nên các vị Bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân là phải lại ngay nhà thuốc XYZ để mua chứ không nên mua các nhà thuốc ngoài sự chỉ dẫn của Bác sĩ.

Tôi thấy rằng trong xã hội tiến bộ như ngày hôm nay, đặc biệt là đối với nghề Y ngoài trách nhiệm trong công việc như người bình thường  thì lương tâm  của Bác sĩ cần được đề cao hơn hết, không thể làm việc tắc trách, cẩu thả vì đối tượng phục vụ là sinh mạng con người. Nếu không cẩn thận trong việc ghi đơn thuốc, người bệnh không mua được thuốc ở những quầy bên ngoài mà chỉ mua được ở quầy thuốc trong bệnh viện đã quen đọc chữ viết của BS thì gây khó khăn cho bệnh nhân quá.


Tôi sẽ in và photo ra nhiều bản bài viết “Khổ vì thầy thuốc cho đơn không đọc được” để cho nhiều người  đọc được bài viết này, tôi không biết mình làm vậy có thể thay đổi được điều gì hay không, nhưng hy vọng sẽ có nhiều người nữa lên tiếng để ngành y tế biết được thực trạng này mà có biện pháp kịp thời chấn chỉnh tác phong nghề nghiệp cũng như đánh thức lương tri của những người làm nghề đuợc coi là “Lương y như từ mẫu” này.

LTS Dân trí - Một câu chuyện nhỏ về chữ viết khó đọc (đến nỗi nhiều khi không đọc được) của Bác sĩ mà làm cho dư luận phải quan tâm và bức xúc; rất nhiều bạn đọc gửi ý kiến bày tỏ nỗi lòng của mình cho Diễn đàn Dân trí.

 

Thì ra “một chuyện nhỏ” mà đã từng làm khổ nhiều người và có ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của người Thầy thuốc cũng như bệnh viện. Nhiều bạn đọc bất bình về tình trạng đó và đặt ra những câu hỏi  nghi ngờ về những điều khuất tất không xứng đáng với lương tâm và đức độ người Thầy thuốc.

 

Trước một sự việc nhỏ thôi nhưng làm ảnh hưởng tới nhiều người bệnh, tạo ra dư luận không tốt đối với một nghề được tôn vinh là “Lương y như từ mẫu” thì điều này rất đáng để các cấp quản lý ngành y tế lưu tâm và có biện pháp khắc phục bằng được.