Bắc Ninh: Tòa án, chính quyền "vênh" quan điểm, người dân "nín thở" chờ phán quyết

(Dân trí) - Mặc dù UBND huyện Tiên Du đã có công văn gửi TAND huyện Tiên Du chính thức khẳng định việc cấp sổ đỏ cho người dân là đúng các quy định pháp luật, thế nhưng, TAND huyện Tiên Du vẫn tuyên yêu cầu người dân phải trả hơn 100 triệu đồng cho những người hàng xóm dù sổ đỏ đã được cấp hợp pháp hàng chục năm nay. TAND tỉnh Bắc Ninh đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Như báo Dân trí đã phản ánh về nội dung đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Lê Xuân Thuỷ, trú tại thôn Móng Làng, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh về vụ việc: Mặc dù UBND huyện Tiên Du đã có công văn gửi TAND huyện Tiên Du chính thức khẳng định việc cấp sổ đỏ cho gia đình ông Thủy là đúng các quy định pháp luật, thế nhưng, TAND huyện Tiên Du vẫn tuyên yêu cầu ông Thủy phải trả hơn 100 triệu đồng cho những người hàng xóm dù sổ đỏ đã được cấp hợp pháp hàng chục năm nay.

Không đồng ý với bản án của TAND huyện Tiên Du, ông Thủy đã làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Bắc Ninh. 

Tại phiên tòa Phúc thẩm do ông Nguyễn Văn Tính - Chánh tòa Dân sự Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử ngày 07 tháng 06 năm 2019, ông Lê Xuân Thủy cùng các Luật sư đã trình bày cụ thể các chứng cứ, căn cứ thực tế, pháp lý cũng những lập luận hợp lý hợp tình nêu trên để Hội đồng xét xử xem xét đưa ra một Bản án công tâm khách quan đúng pháp luật, khắc phục được những vi phạm, thiếu sót của Tòa án nhân dân huyện Tiên Du.

Phiên tòa phúc thẩm ngày 07 tháng 06 năm 2019 do những diễn biến, chứng cứ mới được trình bày tại tòa cùng sự phức tạp của vụ án, Hội đồng xét xử tuyên bố Nghị án kéo dài, Bản án sẽ được tuyên vào 8h ngày 11 tháng 06 năm 2019.

Bắc Ninh: Tòa án, chính quyền vênh quan điểm, người dân nín thở chờ phán quyết - 1
Bắc Ninh: Tòa án, chính quyền vênh quan điểm, người dân nín thở chờ phán quyết - 2
Bắc Ninh: Tòa án, chính quyền vênh quan điểm, người dân nín thở chờ phán quyết - 3

TAND tỉnh Bắc Ninh từng tuyên huỷ bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng của TAND huyện Tiên Du.

Theo Luật sư Quách Thành Lực- Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:  Trong một vụ án tranh chấp ngõ đi, để xác định ai là người có hành vi lấn chiếm thì cần phải dựa trên những tài liệu chứng cứ quan trọng như: Bản đồ địa chính của các thửa đất được UBND các cấp lập, quản lý qua từng thời kỳ; So sánh biến động hình thể thửa đất của từng thửa đất; Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất; ranh giới tự nhiên, nhân tạo được xác lập, được tôn trọng duy trì; ý kiến của cơ quan quản lý đất đai trực tiếp.

Vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn ông Lê Văn Lung và bị đơn ông Lê Xuân Thủy đối với ngõ đi giáp ba thửa đất tại thôn Móng Làng, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh xác định ai lấn chiếm đoạn ngõ đi dài khoảng 31m, Tòa án nhất thiết phải xem xét, đánh giá các chứng cứ như đã nêu trên mới có thể đảm bảo có một Bản án công tâm, khách quan, đúng thực tế, đúng pháp luật.

Về nguồn gốc thửa đất, theo tìm hiểu của PV Dân trí, ông Thắng cho con trai là ông Đằng (bố ông Thủy) một thửa đất và cho ông Lăng (bố ông Lung, Lịch) hai thửa đất.

Đến khoảng năm 1983, ông Đằng cho ông Lê Xuân Thủy thửa đất số 542, diện tích khoảng 863m tại Bản đồ năm 1960, hiện tại theo bản đồ Bản đồ năm 1996 thuộc thửa số 22. Ông Lăng cho ông Lung thửa 546 diện tích khoảng 257m tại Bản đồ năm 1960, hiện tại  Bản đồ năm 1996 thuộc thửa 47 và cho ông Lịch thửa 545 diện tích khoảng 243 m tại Bản đồ năm 1960, hiện tại  Bản đồ năm 1996 thuộc thửa 46.

Cả ba thửa đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1996. Đến năm 2010, ông Lung cho rằng phần ngõ đi chung dài khoảng 31m giáp nhà ông Lung và ông Thủy hiện nằm trong đất ông Thủy và được cấp giấy chứng nhận nên khởi kiện đòi phần ngõ đi chung đó. Ông Thủy khẳng định phần ngõ đi đó nằm trên phần đất của chính ông Lung.

Trong hồ sơ vụ án thể hiện Bản đồ địa chính của ba thửa đất được UBND huyện xác lập, quản lý qua từng thời kỳ

Bản đồ địa chính được lập năm 1960 (Bản đồ Hà Bắc cũ) thể hiện giữa ba thửa đất có một ngõ hình chữ “T” (trong ảnh chụp được tô màu hồng, thửa đất ông Lung được tô màu da cam; thửa đất ông Thủy màu xanh dương, thửa đất ông Lịch màu xanh lá mạ).

Theo hình thể ba thửa đất nhận thấy: Thửa đất nhà ông Lung, ông Lịch ngang bằng nhau và cùng được giới hạn bởi phần dưới của vị trí ngã ba ngõ chữ “T”; thửa đất của ông Thủy có một góc “thẹo thừa” nằm đối diện và giới hạn cả thửa đất phần trên của vị trí ngã ba ngõ chữ “T”. Đây là tài liệu địa chính sớm nhất, có giá trị pháp lý xác định có ngõ, hình thể thửa đất chính xác của cả ba thửa đất.

Bắc Ninh: Tòa án, chính quyền vênh quan điểm, người dân nín thở chờ phán quyết - 4

Bản đồ địa chính được lập năm 1960 thể hiện rõ phần ngõ đi chung (được tô màu hồng).

Bản đồ địa chính năm 1996, Bản đồ hiện trạng năm 2012 có trong hồ sơ vụ án thể hiện biến động hình thể thửa đất của hai thửa đất ông Lung, ông Lịch. Thửa đất ông Lịch (nay thuộc thửa 46) tại vị trí ngã ba ngõ chữ “T” đã kéo dài vượt giới hạn bởi phần dưới của vị trí ngã ba ngõ chữ “T” (Phần đất được tô màu xanh lá mạ); thửa đất ông Lung (nay thuộc thửa 47) tại vị trí ngã ba ngõ chữ “T” đã kéo dài vượt giới hạn bởi phần dưới của vị trí ngã ba ngõ chữ “T” (Phần đất được tô màu da cam) cả hai thửa đất này đều được mở rộng theo hướng lấn hết toàn bộ phần ngõ chữ “T”. Biến động này của hai thửa đất đã chiếm hết khiến không còn phần ngõ chữ “T” như thể hiện tại Bản đồ năm 1960.

Còn hình thể thửa đất số 22 của ông Thủy giữ nguyên không có thay đổi so với Bản đồ năm 1960.

Bắc Ninh: Tòa án, chính quyền vênh quan điểm, người dân nín thở chờ phán quyết - 5

Bản đồ địa chính năm 1996 . So sánh sự biến động hình thể của thửa đất giữa 2 tờ bản đồ có thể thấy rõ: nhận định phần ngõ đi nằm trong phần đất ông Thủy của Bản án số 14/2018/DS-ST của Tòa án nhân dân huyện Tiên Du là sai lầm nghiêm trọng.

Với sự biến động hình thể của thửa đất, được đối chiếu giữa Bản đồ địa chính lập năm 1960 với bản đồ địa chính năm 1996, bản đồ hiện trạng năm 2012 hoàn toàn có thể nhận thấy phần ngõ có độ dài khoảng 31m, nằm giáp thửa đất ông Lung, ông Thủy có chiều từ hướng Đông sang hướng Tây đã nằm trong phần đất của ông Lung và ông Lịch. Như vậy nhận định phần ngõ đi nằm trong phần đất ông Thủy của Bản án số 14/2018/DS-ST của Tòa án nhân dân huyện Tiên Du là sai lầm nghiêm trọng.

Ranh giới nhân tạo được xác lập, được tôn trọng duy trì

Năm 1986, ông Thủy xây một bức tường có chiều dài 6,8m, cao khoảng 1,2m trên ranh giới phần đất nhà mình để ngăn phần ngõ đi (Hiện nay bức tường vẫn còn để ngăn cách phần đất nhà ông Lung và ông Thủy). Tại phiên tòa cùng các lời khai khác ông Lung khẳng định năm 1987 xây ngôi nhà ngói ba gian, nhà 2 tầng 1 gian giáp bức tường của ông Thủy, đến năm 1996 thì không sử dụng ngõ đi chung giữa hai nhà.

Bắc Ninh: Tòa án, chính quyền vênh quan điểm, người dân nín thở chờ phán quyết - 6

Bức tường gia đình ông Thủy xây từ năm 1986 (hiện vẫn còn) là mốc giới ngăn cách giữa đất gia đình và ngõ đi chung. Mốc giới này được ba gia đình đồng thuận, tôn trọng từ năm 1986 đến nay. Đây là chứng cứ quan trọng  có giá trị khẳng định ai lấn chiếm phần ngõ đi chung. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm lại chưa xem xét vật chứng này, không tiến hành giám định độ tuổi mạch vữa, năm xây dựng tường rào để khẳng định năm xây dựng của nó.

Như vậy có thể thấy bức tường ông Thủy xây năm 1996, ngôi nhà ông Thủy xây năm 1987 chính là ranh giới nhân tạo đã được hai người sử dụng thửa đất chủ động tạo lập duy trì tôn trọng suốt nhiều năm không hề có tranh chấp.

Như vậy cả hai bên đã tự tạo lên ranh giới giữa hai thửa đất để sử dụng ổn định không hề có tranh chấp suốt từ năm 1987 đến khoảng năm 2010. Việc ông Lung đến năm 2010 sau khoảng gần 30 năm sử dụng ổn định mới có ý kiến thắc mắc về ngõ đi chung bị chiếm dụng là hoàn toàn thiếu hợp lý, hợp tình.

Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất và ý kiến của cơ quan quản lý đất đai trực tiếp

Cả ba thửa đất đã được UBND huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1996. Cả ba hộ đều tôn trọng ranh giới sử dụng đất được ghi nhận trên giấy tờ việc quản lý do cơ quan Nhà nước từ đó đến năm 2010.

Theo khoản 16 điều 3 Luật đất đai năm 2013 ghi nhận “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”.

Có thể thấy rằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài liệu pháp lý cao nhất, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo một trình tự pháp lý chặt trẽ, chuẩn mực khẳng định tính chính xác các thông số, quyền của người sử dụng đất đối với thửa đất đang sử dụng.

Ranh giới thửa đất tồn tại gần 30 năm, được các bên duy trì, bảo vệ tôn trọng, được UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không thể có căn cứ để bất cứ chủ thể nào phủ nhận sự chính xác của ranh giới đó.

UBND huyện Tiên Du, Phòng tài nguyên môi trường huyện Tiên Du tại Tại Công văn số 57/CV-TNMT “V/v phúc đáp công văn số 1644/2013/CV-TA của Tòa án nhân dân huyện Tiên Du”; Công Văn 1469/TNMT “V/v ý kiến về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của Phòng tài nguyên môi trường huyện Tiên Du, UBND huyện Tiên Du đều khẳng định việc cấp giấy chứng nhận cho thửa đất ông Thủy là đúng hiện trạng, đúng tài liệu địa chính phù hợp với quá trình kiểm tra thực tế.

Tuy nhiên tại Bản án Sơ thẩm lần hai, Bản án số 14/2018/DSST ngày 19/11/2018 “ V/v tranh chấp quyền sử dụng đất” của Tòa án nhân dân huyện Tiên Du đưa ra phán quyết chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn ông Lê Văn Lung khi xác định phần ngõ đi nằm trong phần đất của ông Thủy.

"Đây là một phán quyết sai lầm nghiêm trọng, đi ngược lại giá trị đúng đắn mà các chứng cứ trong hồ sơ vụ án thể hiện", luật sư Lực nhận định.

Dư luận nhân dân địa phương, cũng như người dân quan tâm, tin tưởng hoạt động Tư pháp của Tòa án trong cả nước và chờ đợi Bản án Công tâm, khách quan đảm bảo “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” của Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

Anh Thế - Ngọc Hân