Bắc Giang: “Cần làm rõ trắng đen vụ người phụ nữ hơn 10 năm ròng đi kêu oan”
(Dân trí) - “Bà Nguyễn Thị Ca - người hơn 10 năm ròng đi kêu oan, sau khi chấp hành xong bản án hình phạt tù giam, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần lập tức vào cuộc xem xét lại toàn bộ nội dung để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”, luật sư Vi Văn Diện bày tỏ.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Cty Luật Thiên Minh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Tại thời điểm năm 1999, các cơ quan tiến hành tố tụng đã chưa áp dụng mọi biện pháp hợp pháp, cần thiết để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội.
“Trong vụ án này việc xác định bà Nguyễn Thị Ca đã phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là thiếu cơ sở vì hồ sơ tài liệu liên quan không thể hiện rõ hành vi, động cơ, và mục đích của người phụ nữ này là nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Ngô Thị Vy, tôi cho rằng các giao dịch dân sự của bà Nguyễn Thị Ca, ông Phạm Ngọc Khang với vợ chồng Thân Thị Đáng, Giáp Văn Chuyền là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm đó, việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều được lập thành văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương” - luật sư Diện khẳng định.
Luật sư cũng phân tích thêm, trên thực tế thì các bên đã tự nguyện thỏa thuận, đã bàn giao đất trên thực địa và bà Ca đã đầu tư xây dựng trên đất thành các ki ốt mà không gặp phải bất cứ sự xung đột, mâu thuẫn nào từ phía chính quyền địa phương cũng như các bên liên quan, đặc biệt là chủ đất cũ.
“Ngoài ra việc giao nhận tiền mua bán, chuyển nhượng cũng được thực hiện công khai có sự chứng kiến của người làm chứng. Giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất này giữa bà Nguyễn Thị Ca và bà Ngô Thị Vy cũng đã được thực hiện công khai, minh bạch, bà Ca và bà Vy còn yêu cầu gia đình chủ đất cũ là Giáp Văn Chuyền, Thân Thị Đáng và bà Thơm mẹ của ông Chuyền cùng ký và biên bản giao đất thì không thể áp đặt việc bà Ca đã lừa dối bà Vy và chiếm đoạt tiền của bà Vy được.
Các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang thời điểm đó cho rằng việc giao dịch giữa bà Ca và vợ chồng Đáng Chuyền là giả tạo nhưng không có cơ sở chứng minh, chỉ dựa vào lời khai của chủ đất cũ và một số người liên quan thì thực sự chưa thuyết phục, bởi lẽ khi đó quan hệ giữa các bên mua, bán không còn tốt đẹp nữa nên bên bán có thể có những lời khai gian dối nhằm mục đích bội ước, ngoài ra không có tài liệu chứng minh việc “giữ hộ” đất từ phía bên bán đất cung cấp.
Trong một loạt các giao dịch của Thân Thị Đáng, Giáp Văn Chuyền về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên một thửa đất cho nhiều người, xét về thời điểm chuyển nhượng thì giao dịch với bà Nguyễn Thị Ca và ông Phạm Ngọc Khang là giao dịch phát sinh đầu tiên tôi cho rằng đã hợp pháp và phải được công nhận đảm bảo quyền về tài sản cho họ còn đối với các giao dịch mua bán, chuyển nhượng sau đó phải bị hủy bỏ, vô hiệu”, luật sư Diện nhận định.
Cáo trạng vụ án mà bà Ca cho rằng mình bị truy tố oan sai.
Theo luật sư Diện, Tòa án tỉnh Bắc Giang lại cho rằng giao dịch này là giả tạo, giả sử nếu có chứng minh được giao dịch giả tạo thì cũng chỉ cần xem xét xử lý, giải quyết tranh chấp hợp đồng vô hiệu chứ giao dịch này không có dấu hiệu của tội phạm hình sự, bởi mục đích chiếm đoạt của bà Ca đối với bà Ngô Thị Vy là không có.
“Tuy nhiên, Tòa án tỉnh tỉnh Bắc Giang đã tuyên một bản án hình sự đối với bà Nguyễn Thị Ca về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và buộc bà này phải đi tù 2 năm trời, liệu có hay không Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã hình sự hóa giao dịch dân sự trong vụ án này?.
Lẽ ra hành vi cần phải xem xét phải chính là hành vi mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên cùng một thửa đất cho nhiều người vào nhiều thời điểm khác nhau của Thân Thị Đáng và Giáp Văn Chuyền.
Các dấu hiệu, căn cứ bà Nguyễn Thị Ca bị oan sai đã thể hiện rất rõ bởi bản chất vụ án, hành vi, động cơ và mục đích của người phụ nữ này chưa được làm sáng tỏ, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang năm 1999 đã không xem xét, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện có dấu hiệu của việc áp đặt, phiến diện cảm tính nên tiềm ẩn nhiều khả năng oan sai cho người vô tội.
Với các tình tiết, chứng cứ, tài liệu có trong vụ án mà nội dung kết luận điều tra, cáo trạng cũng như bản án số 180/HSST ngày 06/9/1999 của Tòa án tỉnh Bắc Giang đã Quyết định việc bị cáo Nguyễn Thị Ca phải chịu mức hình phạt 2 năm tù giam với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân” xét thấy không bảo đảm tính khách quan, toàn diện, có dấu hiệu sai lệch về bản chất, hình sự hóa quan hệ dân sự có dấu hiệu oan sai khiến bà Nguyễn Thị Ca phải đi kêu oan ròng suốt hơn 10 năm qua mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết thoả đáng.
Để giải quyết trắng đen việc này, tôi cho rằng các cơ quan có thẩm quyền như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ công an cần vào cuộc nhanh chóng để xác minh, điều tra, xem xét lại toàn bộ quá trình điều tra, lập hồ sơ vụ án, thu thập, đánh giá chứng cứ đã thực sự đầy đủ, khách quan bao gồm các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để xác định đúng sự thật khách quan nhất của vụ án” - luật sư nêu quan điểm.
Luật sư Vi Văn Diện cũng cho rằng, sau khi trắng đen đã rõ thì việc cần thiết là phải có kết luận đúng đắn việc tuân thủ pháp luật bảo đảm quyền lợi cho công dân, khi đã xác định có oan, sai thì phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm minh và xem xét trách nhiệm hoàn trả theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đối với người mắc sai phạm; xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây nên oan, sai theo đúng quy định của pháp luật.
Anh Thế