Bắc Giang: Người phụ nữ hơn 10 năm ròng đi kêu oan sau khi chấp hành xong án tù
(Dân trí) - Ngay sau khi chấp hành xong hình phạt 2 năm tù giam tại bản án số 180/HSST ngày 6/9/1999 do TAND tỉnh Bắc Giang về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”, bà Nguyễn Thị Ca đã làm đơn kêu oan khẩn cấp, nhưng cho đến nay sự việc vẫn chưa được sáng tỏ.
Trong đơn kêu oan khẩn cấp do bà Nguyễn Thị Ca, sinh năm 1960, thường trú tại xã Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang gửi đến báo Dân trí trình bày: “Tôi là người đã bị Toà án nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Giang kết án tại Bản án số 180/HSST ngày 06/09/1999 về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân” theo khoản 1 Điều 157 BLHS 1985 với hình phạt 2 năm tù giam. Tôi cho rằng TAND tỉnh Bắc Giang đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, đánh giá chứng cứ một cách suy diễn, chủ quan, kết án oan sai đối với tôi”.
Cáo trạng vụ án mà bà Ca cho rằng mình bị truy tố oan sai.
Nội dung kêu cứu của bà Ca cho rằng: Khoảng năm 1990, bà Ca và anh Phạm Ngọc Khang quen biết và chung sống với nhau như vợ chồng tại xóm Sau, xã Dĩnh Kế, thị xã Bắc Giang, tỉnh Hà Bắc cũ; anh Khang thời gian này công tác tại Công an tỉnh Hà Bắc. Vợ chồng anh Giáp Văn Chuyền và chị Thân Thị Đáng là hàng xóm láng giềng của gia đình bà Ca.
Do gặp kinh tế khó khăn nên vợ chồng anh Chuyền, chị Đáng thường xuyên đến nhà bà Ca để hỏi vay tiền. Theo đó, bà Ca và anh Khang đã nhiều lần cho vay, tính cả nợ cũ và nợ mới là 270.000.000 đồng (Hai trăm bảy mươi triệu đồng).
Để làm tin, bà Ca và anh Khang yêu cầu vợ chồng Đáng Chuyền phải viết giấy vay tiền rõ ràng, có cả sự xác nhận của chính quyền địa phương về những cam kêt của 2 bên tại thời điểm đó.
Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, vợ chồng Đáng, Chuyền và bà Nguyễn Thị Thơm đều khai và thừa nhận đã bán thửa đất trên cho bà Ca và anh Khang. Việc mua bán nhà đất cho anh Vinh, chị Độ chỉ nhằm mục đích gán nợ do Đáng đã thua nợ tiền đánh đề của Vinh, Độ.
Giấy xác nhận giao dịch dân sự giữa bà Ca và những người liên quan.
Bà Ca và anh Khang là người đang sử dụng hợp pháp tại thửa đất 116 đường Giáp Hải, xã Dĩnh Kế, thị xã Bắc Giang, tuy nhiên trong quá trình giải quyết tranh chấp thửa đất trên, TAND tỉnh Hà Bắc không hề mời bà Ca, anh Khanh lên làm việc để giải quyết quyền lợi của họ liên quan đến vụ án.
“Quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm của TAND thị xã Bắc Giang và TAND tỉnh Hà Bắc (cũ) đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi, vì vậy, tôi và anh Khang đã có đơn khiếu nại gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngày 30/11/1995, ông Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Hà Bắc cũ có công văn gửi đội thi hành án với nội dung: Dừng thi hành án để TAND Tối cao kháng nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm” - bà Hà kể lại.
Ngày 10/4/1996, Chánh án TAND Tối cao ra Quyết định kháng nghị số 106 kháng nghị đối với Bản án phúc thẩm số 96 ngày 03/9/1996 của TAND tỉnh Hà Bắc cũ về việc tranh chấp hợp đồng mua bán đất giữa nguyên đơn là anh Vinh, chị Độ và bị đơn là vợ chồng Đáng, Chuyền, tạm đình chỉ thi hành án đối với Bản án phúc thẩm số 96 ngày 03/9/1996 của TAND tỉnh Hà Bắc cũ, giao hồ sơ cho Tòa án dân sự TAND Tối cao xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.
Ngày 01/6/1996, Viện KSNDTC có kết luận số 168 với nội dung: thống nhất với nhận định và kháng nghị 106 ngày 10/4/1996 của TANDTC về việc kháng nghị giám đốc thẩm Bản án phúc thẩm dân sự số 96 ngày 3/9/1996 của TAND tỉnh Hà Bắc cũ.
Ngày 18/9/1996, tòa án dân sự TANDTC xét xử giám đốc thẩm và ra Bản án số 274 hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm ngày 27/4/1995 và ngày 3/10/1995 của tòa án sơ thẩm và phúc thẩm TAND tỉnh Hà Bắc, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Hà Bắc xét xử theo thủ tục chung.
Bà Ca thắc mắc: “Không hiểu vì lý do gì khi ngày 30/11/1995 ông Chánh án TAND tỉnh Hà Bắc cũ có công văn gửi đội thi hành án thị xã Bắc Giang với nội dung: Dừng thi hành án, TANDTC kháng nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm."
Nhân chứng cho bà Ca nguyên là nguyên Phó chủ tịch UBND xã Dĩnh Kế.
Ngày 10/4/1996 Chánh án TANDTC ra Quyết định kháng nghị số 106 tạm đình chỉ thi hành án đối với Bản án phúc thẩm số 96 ngày 3/9/1996 của TAND tỉnh Hà Bắc cũ thì Đội thi hành án dân sự thị xã Bắc Giang đã bất chấp pháp luật, bất chấp chỉ đạo mà tổ chức việc cưỡng chế thi hành án, dùng máy ủi san bằng phá sạch những ki ốt mà tôi đã xây, gây thiệt hại cho tôi 40.000.000 đồng tiền nguyên vật liệu mà tôi đã bỏ ra xây dựng”.
Ngày 10/12/1996, bà Ca nhận giấy triệu tập của TAND tỉnh Hà Bắc cũ yêu cầu có mặt tại phiên tòa để giải quyết tranh chấp đất giữa tôi và vợ chồng Đáng, Chuyền.
Tại phiên tòa phần thẩm vấn các đương sự thì chị Thân Thị Đáng lại “quay ngoắt” khai rằng gia đình chị không bán đất cho bà Ca và anh Khang, việc mua bán đất chỉ là giả vờ. Thửa đất chị Đáng đã bán cho bà Ca chỉ là nhờ bà Ca giữ hộ…
Khi vụ án dân sự chưa được làm rõ thì Quốc hội có Quyết định chia tỉnh Hà Bắc cũ thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, hồ sơ vụ án dân sự được giao cho TAND tỉnh Bắc Giang xét xử.
“Tuy nhiên khi vụ án dân sự chưa được giải quyết, tôi đang là người bị thiệt hại trong vụ án dân sự thì ngày 7/4/1998 Công an tỉnh Bắc Giang đã bất chấp pháp luật, hình sự hóa tranh chấp dân sự về việc “chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa tôi và vợ chồng Đáng, Chuyền” đã ra quyết định khởi tố tôi về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân” theo Điều 157 BLHS 1985”, đơn kêu oan của bà Ca cho biết.
Ngày 26/5/1999, VKSND tỉnh Bắc Giang có cáo trạng số 236/KSĐT-TA truy tố bà Ca với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”. Sau đó, TAND tỉnh đã kết án 2 năm tù giam đối với bà Ca.
Đã hơn 10 năm trôi qua, kể từ ngày được tự do, bà Ca đã làm đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để mong được xem xét và giải quyết làm sáng tỏ nội dung kêu oan.
Mới đây nhất, đơn kêu oan của bà Ca được gửi đến nhiều cơ quan chức năng liên quan. Báo Dân trí kính chuyển nội dung kêu oan của công dân đến TAND Tối cao và VKSND Tối cao tại Hà Nội xem xét, giải quyết nội dung đơn theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.
Anh Thế