Bài 80:

“Ba mũi giáp công” 2 năm, 80 bài báo đi tìm chân lý cho cụ bà 75 tuổi!

(Dân trí) - Gần 2 năm, xấp xỉ 80 bài báo, hàng triệu bạn đọc và cả chục ngàn comment. Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TN&MT trực tiếp yêu cầu, chỉ đạo, kỳ án áp thuế oan hơn 5,7 tỷ đồng đối với gia đình cụ bà 75 tuổi đã được làm sáng tỏ, công lý được thực thi, quyền lợi chính đáng của người dân đã “châu về Hợp Phố”.

“Làm sáng tỏ đến cùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân”

Một buổi chiều cuối tháng 6/2015, Ban Bạn đọc báo Dân trí và báo Khuyến học & Dân trí nhận được đơn cầu cứu của cụ Đàm Thị Lích (75 tuổi, ngụ số 93 Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) trình bày về việc cụ bị áp mức thuế hơn 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất của gia đình.

Phải chăng có “mưu đồ” trắng trợn?

Sau khi tham vấn ý kiến luật sư, làm việc trực tiếp với phóng viên điều tra, nhận thấy đây là một vụ việc có dấu hiệu oan khuất trong khi nạn nhân là một người dân “thấp cổ, bé họng” với những lời kêu cứu tưởng như đã tuyệt vọng, Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn đã chỉ đạo làm sáng tỏ đến cùng sự việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Đây là lý do chính để vụ việc có thể kéo dài đến gần 2 năm với gần 80 bài báo.


Tấm phiếu áp thuế 5,7 tỷ đồng khiến cụ bà 75 tuổi tuyệt vọng.

Tấm phiếu áp thuế 5,7 tỷ đồng khiến cụ bà 75 tuổi tuyệt vọng.

Để bạn đọc tiện theo dõi, có lẽ cũng nên nhắc lại đôi nét về sự việc. Cách đây khoảng nửa thế kỉ, gia đình cụ bà Đàm Thị Lích (Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng) đã đổ mồ hôi, công sức khai phá mảnh đất hoang hóa rộng gần 4.000 m2 (3.925m2). Sau ngày đất nước thống nhất (1975), gia đình bà vẫn tiếp tục canh tác trên mảnh đất này đến năm 1986 thì góp vào hợp tác xã nông nghiệp, gia đình bà được cấp 750m2 (sau do mở rộng đường, còn lại 610m2).

Ngày 18/12/1993, UBND huyện Đức Trọng ban hành quyết định số 419/QĐ - UB công nhận lô đất thổ cư có diện tích 610m2 của gia đình cụ Lích.

Song, không hiểu tại sao khi gia đình cụ Lích tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ để xin cấp quyền sử dụng đối với lô đất thổ cư 610m2 thì chính UBND huyện Đức Trọng lại ra quyết định không cấp toàn bộ 610m2 đất thổ cư cho gia đình cụ Lích mà chia thành hai lô, một lô 253,9m2 đất thổ cư (nhưng yêu cầu nộp tiền thuế sử dụng đất 5,7 tỉ đồng) và 310m2 còn lại là đất nông nghiệp.

Câu hỏi là tại sao lại có sự vô lý này? Đằng sau đó, có hay không những “mưu đồ” đen tối? Và quan trọng hơn, làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân lương thiện?

Hành trình đi tìm chân lý và sự “vô tư” với “giật mình” của dân

Để trả lời những câu hỏi trên, ngay hôm sau, chúng tôi đã vượt quãng đường hơn 300km từ TP.HCM ngược lên huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Theo địa chỉ, tìm đến nhà cụ Đàm Thị Lích, hình ảnh đầu tiên mà đến giờ chúng tôi vẫn không thể quên được là cảnh một cụ bà lom khom, tóc bạc, vẻ mặt khắc khổ ngồi trên ghế cũ với đống hồ sơ, đơn cầu cứu nhàu nhĩ và tờ thông báo nộp thuế lên đến hơn 5,7 tỷ đồng.

Rất nhiều lần cụ Lích uất nghẹn khi kể về những ngày tháng đổ mồ hôi, nước mắt khai phá mảnh đất hoang hóa này để rồi giờ đây, nếu không có 5,7 tỉ đồng (và chắc chắn không bởi dẫu trong mơ, cụ cũng không đào đâu ra ngần ấy tiền) thì cụ trở thành kẻ vô gia cư, ra vệ đường để ở.


PV Dân trí đồng hành cùng cụ Đàm Thị Lích suốt gần 2 năm trong quá trình đi tìm công lý.

PV Dân trí đồng hành cùng cụ Đàm Thị Lích suốt gần 2 năm trong quá trình đi tìm công lý.

Từ những tài liệu, chứng cứ và những gì mà gia đình cụ Đàm Thị Lích cung cấp, chúng tôi đề nghị làm việc trực tiếp với UBND huyện Đức Trọng để có sự đối chiếu và tìm một câu trả lời thỏa đáng cho sự việc.

Sau khi PV Dân trí đưa ra câu hỏi liên quan trực tiếp vụ áp mức thuế 5,7 tỷ đồng với một bà cụ 75 tuổi nghèo khổ khiến nhiều người “giật mình”, ông Phan Anh Tuấn, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Trọng cho rằng, Phòng Tài nguyên chỉ lập hồ sơ, chuyển phiếu thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính.

Trong khi đó, đại diện Chi Cục thuế huyện Đức Trọng “vô tư” cho biết chỉ làm theo quy định, còn việc người dân có “giật mình” hay không vì phải đóng hơn 5,7 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất cho 253m2 đất cũng đành chịu!

Và bài báo đầu tiên về kỳ án áp thuế oan khuất này đã được Ban biên tập Báo Dân trí duyệt xuất bản vào ngay sáng thứ hai ngày 20/7/2015, bắt đầu chuỗi hành trình gian truân đi tìm công lý suốt gần 2 năm.

“Ba mũi giáp công”: Nhà báo, luật sư và dư luận

Ngay lập tức, bài báo được sự quan tâm sâu sắc của đông đảo bạn đọc. Hàng trăm ngàn view (lượt truy cập) và thư điện tử (comment) cùng hàng chục cú điện thoại gọi về tòa sạn bày tỏ sự bất bình…

Cách trả lời vô trách nhiệm của đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi Cục thuế huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) trước nỗi khổ đau của người dân càng khiến chúng tôi càng quyết tâm đi đến cùng sự thật. Những đêm dài dằng dặc 7 tiếng đồng hồ nằm trên xe khách mỗi lần ngược lên vùng đất Đức Trọng ấy là bao nỗi niềm trăn trở của chúng tôi về số phận của một bà cụ ở cái tuổi “gần đất xa trời ấy” mà bao năm rồi, cụ chưa có một giấc ngủ yên lành, chưa có được một ngày thanh thản…

Những thông tin từ các bài báo tiếp theo được đăng tải tiếp tục nhận được sự quan tâm của bạn đọc, gây chấn động dư luận. Hàng vạn ý kiến bình luận của hàng triệu bạn đọc Dân trí thể hiện sự phẫn nộ về vụ việc này và mong muốn sự thật được đưa ra ánh sáng khiến chúng tôi như được “tiếp lửa” để bước trên con đường đồng hành cùng bà cụ nghèo khổ.

Để khẳng định sự chính xác trên cơ sở luật pháp đồng thời đưa ra những cơ sở pháp lý và chứng minh những bằng chứng đã bị UBND huyện Đức Trọng cố tình “lãng quên”, chúng tôi đã tìm đến luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM nhờ hỗ trợ. Bằng những phân tích sắc sảo và kinh nghiệm hành nghề lâu năm của mình, luật sư Lễ tiếp tục chỉ ngay ra những điểm bất hợp lý và những sai phạm của UBND huyện Đức Trọng.

Từ đó, “trường án điều tra” của Báo Dân trí ngoài việc phản ánh sự việc đã lần lượt đưa ra những cơ sở pháp lý, bằng chứng chứng minh quyền lợi của người dân rất sắc bén và quyết liệt. Những bài báo đăng ý kiến của luật sư Lễ được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt còn bởi khả năng phân tích chính xác và thuyết phục.

Có thể nói, chúng tôi đã “xung trận” bằng ba mũi giáp công: Nhà báo, luật sư và dư luận.

Lãnh đạo… bận họp và sự “vào cuộc” của Chính phủ

Công bằng mà nói, sau khi Báo Dân trí vào cuộc, hàng loạt cơ quan, ban ngành huyện Đức Trọng và cả UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn. Nhưng điều đáng buồn và cam go hơn là ngay cả các cấp chính quyền của tỉnh Lâm Đồng cũng đồng thuận với huyện Đức Trọng, nhất quyết yêu cầu cụ bà 75 tuổi phải nộp thuế 5,7 tỷ đồng. UBND tỉnh Lâm Đồng còn ban hành các kết luận thúc ép UBND huyện Đức Trọng phải thu đủ và thu nhanh bằng được số tiền này.

Quyết tâm đi đến cùng sự việc để tìm lại công lý cho cụ bà 75 tuổi, TBT Phạm Huy Hoàn lại một lần nữa nhắc lại quan điểm “làm đến cùng sự việc”. Không chùn bước, báo Dân trí liên tiếp đăng tải hàng chục kỳ báo điều tra đưa sự việc ra trước công luận, mọi thông tin, phân tích trong bài viết đều khách quan, rõ ràng mà bất cứ bạn đọc, người dân nào nhìn vào cũng thấy sự bất thường và vô lý ở vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất này.

Song, người xưa có câu: “Lời nói phải có thể lọt lỗ tai “đần” nhưng không lọt lỗ tai người điếc”. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, tiếc thay những ông “quan huyện” ở Đức Trọng lại không nghe ra. Đây cũng là giai đoạn, chúng tôi gặp nhiều khó khăn nhất khi chính quyền huyện Đức Trọng “đá bóng” trách nhiệm và né tránh phóng viên bằng “điệp khúc…bận họp”.

“Ba mũi giáp công” 2 năm, 80 bài báo đi tìm chân lý cho cụ bà 75 tuổi! - 3


Cuộc hành trình đi tìm chân lý cho cụ bà Đàm Thị Lích trên báo điện tử Dân trí và Khuyến học Dân trí đã kết thúc có hậu như cổ tích.

Cuộc hành trình đi tìm chân lý cho cụ bà Đàm Thị Lích trên báo điện tử Dân trí và Khuyến học Dân trí đã kết thúc có hậu như cổ tích.

Không ít lần chúng tôi vượt hơn 300km trong đêm để kịp nắm bắt thông tin giải quyết từ cơ quan chức năng huyện Đức Trọng và tỉnh Lâm Đồng nhưng khi đến nơi thì lại phải trắng tay đi về. Cái vòng luẩn quẩn, đùn đẩy trách nhiệm, né tránh của những người có liên quan như muốn làm cho nhóm nhà báo chúng tôi nản chí mà bỏ cuộc.

Song, như thường lệ, vào những lúc khó khăn nhất, tập thể báo Dân trí phát huy sức mạnh “tổng lực”. Các bài bình luận trên BLOG Dân trí có tiếng vang nhất định đối với các vị lãnh đạo. Và thật vui khi nỗi oan khuất của người dân qua sự đấu tranh miệt mài, quyết liệt của nhóm phóng viên Dân trí đã được lãnh đạo Trung ương nhìn thấu. Ngày 13/5/2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trực tiếp đưa ra những chỉ đạo khẩn về vụ việc này:

Đó là thứ nhất, giao Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngay ngày 14/5 phải trực tiếp vào phối hợp, làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Đức Trọng kiểm tra ngay vấn đề Báo Điện tử Dân trí nêu.

Thứ hai, khi làm việc với địa phương, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải kiểm tra, làm việc đảm bảo giải quyết vấn đề trên tinh thần bảo vệ lợi ích của người dân. Vận dụng đúng, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước để giải quyết cho người dân mà cụ thể ở đây là trường hợp bà Đàm Thị Lích theo đúng tinh thần của Luật Đất đai.

Thứ ba, sau khi kiểm tra, nếu phát hiện bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sai phạm thì xử lý theo tinh thần thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm không loại trừ một ai.

Niềm vui và hy vọng tột cùng của người dân và nhóm phóng viên còn được nhân lên nhiều lần khi người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức chỉ đạo phải làm sáng tỏ vụ việc “hành dân” điển hình này.

Trên báo điện tử Chính phủ đã công bố chỉ đạo của Thủ tướng: “Sau khi báo Dân trí có loạt bài nhiều kỳ phản ánh về vụ áp thuế đất 5,7 tỷ đồng cho 253 m2 đất huyện đối với bà Đàm Thị Lích tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương kiểm tra, làm rõ sự việc báo Dân trí thông tin, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/5/2016, đảm bảo khách quan, đúng pháp luật”.

Sự chuyển biến “giật mình” và tinh thần kiên quyết của Chính phủ

Ngay sau khi có sự vào cuộc của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà và đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã “chuyển mình” nhanh đến “chóng mặt”. Chỉ rất ít ngày, cái việc trì trệ nhiều năm trời bỗng “tăng tốc”, UBND tỉnh Lâm Đồng thành lập đoàn thanh tra, giải quyết vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng bằng cách chỉ đạo UBND huyện Đức Trọng cấp sổ đỏ cả diện tích 563,9m2 cho cụ Đàm Thị Lích với mức thuế 0 đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng còn chỉ rõ trong quá trình xem xét, giải quyết đơn của cụ Đàm Thị Lích, UBND huyện Đức Trọng đã vận dụng sai quy định của pháp luật để vụ việc kéo dài, gây bức xúc cho người dân khiếu nại, tạo dư luận không tốt tại địa phương… UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Đức Trọng khẩn trương làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm trong vụ việc này, đề xuất hướng xử lý và báo cáo UBND tỉnh.

Gần 2 năm nỗ lực đấu tranh của nhóm phóng viên Dân trí đã có thành quả. Ngày 03/6/2016, cụ Đàm Thị Lích chính thức được nhận cuốn sổ đỏ sau hàng chục năm gian nan khiếu nại, cầu cứu khắp nơi. Trong khoảnh khắc diệu kỳ ấy, chúng tôi và cụ Lích đều có chung cảm xúc vỡ òa.


Thắng lợi của cụ bà Đàm Thị Lích không chỉ là thắng lợi của chân lý, thành công của báo chí mà còn là minh chứng cho tinh thần gần dân, lắng nghe và giải quyết từ những việc nhỏ nhất để bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân trên tinh thần một Chính phủ hành động, liêm chính.

Thắng lợi của cụ bà Đàm Thị Lích không chỉ là thắng lợi của chân lý, thành công của báo chí mà còn là minh chứng cho tinh thần gần dân, lắng nghe và giải quyết từ những việc nhỏ nhất để bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân trên tinh thần một Chính phủ hành động, liêm chính.

Sổ đỏ cụ bà 75 tuổi đã nhận nhưng không thể để các “quan hành dân” tại tỉnh Lâm Đồng lặng lẽ “thoát êm”, báo Dân trí và báo in Khuyến học Dân trí vẫn quyết làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan. Tiếp tục hàng chục kỳ báo phân tích và đeo bám diễn tiến sự việc được đăng tải trên cả hai tờ báo điện tử Dân trí và Khuyến học Dân trí.

Và sau gần 80 kỳ báo, ngày 05/01/2017, Ban biên tập báo Dân trí, Khuyến học Dân trí đã nhận được Công văn số 113/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc xử lý cán bộ sai phạm trong vụ áp thuế oan 5,7 tỷ đồng đối với bà Đàm Thị Lích (ngụ số 93 Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).

Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo, đồng ý với ý kiến của Thanh tra Chính phủ và ý kiến của Bộ Nội vụ về việc xử lý kỷ luật đối với ông Lê Công Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện Đức Trọng; Yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét trách nhiệm, tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Lê Công Tuấn theo quy định của pháp luật và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để có tác dụng góp phần hạn chế những vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước đất đai và giải quyết khiếu nại của công dân.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng quyết định xử lý kỷ luật 10 cán bộ Sở TN&MT, UBND huyện Đức Trọng liên quan đến vụ áp thuế oan hành dân này.

Sau tuyến bài điều tra của Báo Dân trí, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1752/QĐ-BTNMT về việc tặng Bằng khen cho nhóm phóng viên thuộc Báo điện tử Dân trí vì đã có nhiều thành tích tiêu biểu xuất sắc trong việc phát hiện, đưa tin về các sai phạm trong quá trình cấp sổ đỏ cho cụ Đàm Thị Lích.

Vĩ thanh

Cuộc hành trình đi tìm chân lý cho cụ bà Đàm Thị Lích trên báo điện tử Dân trí và Khuyến học Dân trí đã kết thúc có hậu như cổ tích. Người lương thiện đã nhận được sự công bằng, những ai tắc trách đã phải nhận hình thức kỉ luật. Nhìn nụ cười mãn nguyện ở cuối đời của cụ Lích khi được cầm cuốn sổ đỏ trong tay như một món quà vô giá bởi công lý đã được thực thi khiến chúng tôi xúc động.

Song, công bằng thì mọi nỗ lực của nhóm phóng viên chúng tôi có thể sẽ chẳng đi đến đâu nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà và “quyết tâm đi đến cùng” sự việc của TBT Phạm Huy Hoàn cùng sự cộng tác hữu hiệu của luật sư Hồ Nguyên Lễ. Đặc biệt là sự nhiệt tình ủng hộ, đồng hành tìm chân lý của hàng vạn, hàng triệu lượt độc giả báo Dân trí và báo Khuyến học Dân trí gần 2 năm qua.

Thắng lợi của cụ bà Đàm Thị Lích không chỉ là thắng lợi của chân lý, thành công của báo chí mà còn là minh chứng cho tinh thần gần dân, lắng nghe và giải quyết từ những việc nhỏ nhất để bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân trên tinh thần một Chính phủ hành động, liêm chính.

Toàn Thắng - Trung Kiên - Anh Thế - Bùi Hoàng Tám

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm