Ba điều ước của “hiệp sĩ” bắt cướp
Hơn 12 năm theo đuổi “nghề” săn bắt cướp. Hơn 300 vụ bắt cướp thành công, với hàng trăm tên cướp đã được chính tay Nguyễn Văn Minh Tiến bắt, giao tận tay công an...
Năm 2005, khi biết được UBND TPHCM chọn Minh Tiến làm đại biểu của TP ra dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Hà Nội, tôi đã tìm gặp Tiến ngay trong căn nhà mà vợ chồng Tiến thuê trên đường Gò Dầu, quận Tân Phú. Lúc đó Tiến đã ao ước: “Em chỉ mong ước có 3 điều: Một là được làm chiến sĩ công an (làm lính suốt đời luôn, chứ không làm sếp) để được thoả sức săn bắt cướp một cách đàng hoàng, có chức năng, thẩm quyền; chứ không... nghiệp dư như bây giờ.
Với điều ước thứ nhất, đã có lúc Tiến gần... chạm được, khi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt – do khâm phục tài săn bắt cướp hết sức khôn ngoan và dũng cảm của Minh Tiến – có thư gửi lãnh đạo Công an TPHCM đề nghị xem xét đặc cách kết nạp Tiến vào lực lượng công an bắt cướp.
Tuy nhiên, có nhiều quy định ngặt nghèo trong tuyển dụng người vào lực lượng vũ trang, dẫn tới điều ước thứ nhất là trở thành chiến sĩ công an của Minh Tiến không thành. Song, không vì thế mà lòng nhiệt huyết săn bắt cướp trong con người anh chàng “hiệp sĩ” này nguôi cạn. Tiến vẫn từng ngày trên chiếc xe gắn máy “độ nòng” rong ruổi khắp TP để bắt cướp.
Bất ngờ vào năm 2008, sau cái chết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, “hiệp sĩ” Minh Tiến gọi điện cho tôi báo: “Em sẽ không bắt cướp nữa”. Rất ít người biết, từ lâu lắm, Tiến đã xem bác Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) như một người cha tinh thần.
Tiến tâm sự: “Em còn nhớ hoài câu nhắn gửi mà bác Sáu Dân căn dặn em tại Đại hội Thi đua năm 2005 ở Hà Nội rằng: “Con có cái sở trường bắt cướp là rất đáng quý. Không phải ai trong xã hội cũng có được cái tài ấy như con. Vì vậy, con phải hết sức khôn ngoan, thận trọng khi bắt cướp, vì bọn cướp rất hung hãn. Làm gì cũng phải bảo vệ an toàn tính mạng cho mình và cho cả gia đình, người thân...”. Nay, bác ấy không còn nữa, em thấy hụt hẫng quá, không thiết làm gì nữa...”.
Có ai biết, suốt những ngày diễn ra tang lễ nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, “hiệp sĩ” Minh Tiến túc trực thường xuyên... ngoài cổng Dinh Thống Nhất, mắt không ngừng dõi vào trong...
Sau lễ tang Tiến thông báo cho tôi sẽ... bán xe, không bắt cướp nữa. Tôi liền viết ngay một phóng sự trên Báo Lao Động, về việc “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến “gác kiếm” không bắt cướp. May mắn, qua bài báo, bà Phạm Phương Thảo – Chủ tịch HĐND TPHCM - đã xuống tận nhà an ủi, động viên Minh Tiến tiếp tục góp phần bảo vệ an ninh trật tự cho người dân TP. Cảm kích trước sự quan tâm của lãnh đạo TP, Minh Tiến nói với tôi: “Em sẽ không bỏ cuộc, sẽ tiếp tục bắt cướp...”.
Nổi tiếng, có rất nhiều người biết đến như một tấm gương bắt cướp dũng cảm; nhưng có mấy ai hiểu và thấu được tấm gương ấy cũng phải đối mặt với cơm áo gạo tiền, cũng gặp bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống...
Tuy nhiên, may mắn vẫn đến với Tiến. Hàng trăm người tới thăm “hiệp sĩ”, lãnh đạo Công an TP, Bộ Công an và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài cũng đích thân vào tận bệnh viện thăm Minh Tiến.
Nhiêu khê... 2 điều ước sau cùng!
Thu – người vợ hiền hậu của Minh Tiến – nói với tôi: “Có người bảo anh ấy... dại, tự dưng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”... Bắt cướp như sung mà đời sống gia đình thiếu trên, hụt dưới, quanh năm ở nhà thuê. Nhưng em bỏ ngoài tai hết, biết nói sao được. Miễn sao anh ấy không làm gì sai, anh ấy dấn thân để giúp người, sao lại chê trách? Hãy đặt mình là nạn nhân của kẻ cướp sẽ thấu hiểu ý nghĩa việc làm của anh ấy. Cho dù hiện tại, anh ấy vẫn chưa lo được chốn nương thân cho tổ ấm của mình”.
Dù không ít lần "thập tử nhất sinh" nhưng "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến vẫn tiếp tục theo đuổi công việc đầy nguy hiểm
“Càng ngày em càng thấy rằng, để có được căn nhà cho gia đình mình sao khó quá! Em mơ, giá như chính quyền cho em thuê một căn hộ nào đó của Nhà nước, với giá phải chăng, thì quý biết bao”. Hiện tại, ngoài việc lo cơm áo hằng ngày, vợ chồng Minh Tiến phải trả tiền thuê nhà 3 triệu đồng/tháng. Đó là khoản tiền lớn đối với vợ chồng “hiệp sĩ”.
Tháng 6/2009, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài từng chỉ đạo UBND quận Tân Phú giải quyết cho “hiệp sĩ” Minh Tiến thuê nhà ở. Song, chỉ đạo là vậy, để biến chỉ đạo ấy thành hiện thực, sao khó quá. UBND quận Tân Phú lấy lý do “UBND quận không được bàn giao quỹ nhà trống dùng để giải quyết cho thuê đối với cán bộ, công chức, chiến sĩ và nhân dân có nhu cầu thực sự khó khăn về chỗ ở”.
Tuy nhiên, UBND quận Tân Phú có văn bản gửi Sở Xây dựng đề xuất hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng trên, với danh sách 7 cán bộ, chiến sĩ. Nay, với trường hợp “hiệp sĩ” Minh Tiến, quận Tân Phú đề nghị cho Minh Tiến vào danh sách các đối tượng cần được thuê nhà ở xã hội, để Sở Xây dựng TP xem xét. Ấy vậy, từ tháng 7/2009 đến nay, điều ước thuê nhà ấy của “hiệp sĩ” vẫn... mù khơi, chưa thấy cơ quan nào quan tâm giải quyết.
Gần đây nhất, thấy tỉnh Bình Dương cho phép tổ chức câu lạc bộ phòng, chống tội phạm hay quá, Nguyễn Văn Minh Tiến nhanh nhảu làm luôn “đề án” xin Công an TP cho thành lập câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, với khoảng 17 thành viên, do Minh Tiến đứng đầu. Tuy nhiên, không hiểu tại sao, nhiều tháng qua, cơ quan chức năng TPHCM vẫn chưa cho phép câu lạc bộ ra đời? Đây là điều ước cuối cùng mà “hiệp sĩ” Minh Tiến còn đặt rất nhiều kỳ vọng. Thế nhưng, không biết tới bao giờ điều ước cuối cùng về câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ấy mới trở thành hiện thực?
Trong những ngày tháng 6, mưa xối xả khắp các hang cùng ngõ hẻm của TPHCM. Theo “hiệp sĩ” Minh Tiến đi tuần, rong ruổi rình bắt tội phạm, mới thấy ngọn lửa nhiệt huyết, lòng say mê bắt cướp trong con người chàng trai này... vẫn cháy như thuở nào và ào ạt không kém những cơn mưa đang xối xả... Không một lời than thở, “hiệp sĩ” Minh Tiến đã làm đủ mọi nghề (cò xe, cò nhà, bán loa thùng, chạy xe ôm...) vừa lo tiền nuôi vợ con, vừa lo tiền mua xăng đổ vào xe để đuổi bắt cướp.
Nổi tiếng, có rất nhiều người biết đến như một tấm gương bắt cướp dũng cảm; nhưng có mấy ai hiểu và thấu được tấm gương ấy cũng phải đối mặt với cơm áo gạo tiền, cũng gặp bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống...
Và ngay thời điểm 3 điều ước giản dị trên vẫn chưa một điều ước nào trở thành hiện thực, thì: “Em vẫn không nề hà, vẫn “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Bắt cướp đã ăn vào máu thịt em rồi” – Minh Tiến nói với tôi như vậy.
Song với tôi, bất chấp 3 điều ước trên của Minh Tiến có không thành hiện thực, thì chỉ riêng việc cái ước nguyện luôn giữ mình là “hiệp sĩ” của người dân, “hiệp sĩ” giữa đời thường, đã là một diễm phúc vô giá cho Nguyễn Văn Minh Tiến, mà không phải ai cũng có được.
Theo Cao Nguyễn Hoàng Hưng
Báo Lao Động