Bà con thôn Sơn Tiến mong mỏi một cây cầu

(Dân trí) - Trong chuyến công tác Quỳ Hợp (Nghệ An), chúng tôi thấy hoàn cảnh của nhân dân thôn Sơn Tiến, xã Thọ Hợp phải đi lại trên một cây cầu tạm hết sức vất vả, hiểm nguy.

Thôn Sơn Tiến, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp gồm 108 hộ, nằm hai bên bờ sông Dinh. Một nửa thôn, gồm 54 hộ nằm phía bên kia bờ sông Dinh, bị cách biệt bởi dòng sông, bà con phải đi qua một chiếc cầu tre rất mỏng manh, yếu ớt. Chiếc cầu do người dân tự góp tre gỗ lại để làm, hết sức thô sơ, dài khoảng 120 m. Phía dưới là những cây tre, thanh gỗ nhỏ buộc giằng với nhau bằng dây tre, phía trên là thân tre chẻ ra, trải trên mặt cầu làm tấm lát. 

Do cầu làm thô sơ như vậy nên việc đi lại hết sức nguy hiểm. Anh Trương Văn Thông, cán bộ phụ trách văn hoá xã Thọ Hợp cho biết: Đã có rất nhiều vụ tai nạn xẩy ra, cả người và xe rơi xuống sông, gây thương tích. Vào mùa mưa lũ, nước dâng lên cuốn trôi cầu, bà con không thể đi lại được. Trong thôn có khoảng 50 em học sinh các cấp cũng không thể đi học được, phải chờ nước lũ rút. Một số gia đình vào mùa lũ phải gửi con em ở các vùng khác để các cháu đi học.         

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ông Trương Sông Hương, Nghệ nhân dân gian dân tộc Thổ, nguyên là trưởng thôn cho biết: “Sau mỗi lần mưa lũ, bà con phải góp vật liệu lại làm cầu. 54 gia đình trong thôn mỗi nhà góp 10 cây tre, rồi cử người ra làm. Mỗi năm bà con phải làm lại cầu không dưới 7 lần, ngoài ra còn phải sửa lại vài lần, vất vả vô cùng”.

Ông Trương Xuân Thanh, nguyên Bí thư chi bộ thôn nói: “Nước lũ dâng rất cao, bà con chúng tôi phải đối phó rất vất vả. Cũng may chúng tôi đã có kinh nghiệm sống chung với lũ, nên trâu bò, lúa gạo đều đã có cách bảo vệ. Chỉ thương lũ trẻ con không thể đến trường, học hành gián đoạn”. Rồi ông chỉ vào chấn song cửa, có dấu ngấn nước lũ thường dâng lên. Mỗi năm từ tháng 4 đến tháng 10 là sông Dinh lại dâng nước làm cho lũ trẻ không đến trường được.

Khi được hỏi tại sao không xây cầu bê tông, ông Trương Sông Hương cho biết: Bà con trong thôn đều là người dân tộc Thổ, cả thôn chỉ có 17 héc ta đất trồng mía, mỗi năm một lần thu hoạch được 1 lần, thu nhập rất thấp. Thời gian nông nhàn ai có sức lao động thì làm thuê cho các mỏ đá, công việc cũng bấp bênh. Trong thôn hiện có hơn một nửa số hộ thuộc diện nghèo đói. Thành ra lực bất tòng tâm. Đã thế, do khó khăn về đi lại nên nông sản của bà con cũng bị tư thương bớt 5 giá so với bên kia cầu. Thôn cũng đã đề nghị việc làm cầu lên xã từ năm 2007 nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì.

Khi đi qua cầu, chúng tôi thực sự sợ hãi vì sự mỏng manh của cây cầu. Tất cả dây buộc đều bằng tre, nhiều đoạn dây đã bị đứt, nhiều chỗ tre lát làm cầu đã bị gãy, xe máy chạy qua cầu rung rinh như sắp gãy đến nơi. Thế mà hàng ngày bà con vẫn đi qua cầu, các em học sinh từ mầm non đến THPT đều phải đi qua cầu đến trường và về nhà.

Đợi một lúc, chúng tôi thấy các em đi học về, mặc dù trời mưa nhỏ, cầu trơn, nhưng nhiều em vẫn phóng xe qua cầu, trông rất mạo hiểm.

Điều đáng quý là mặc dù cuộc sống còn hết sức khó khăn nhưng bà con thôn Sơn Tiến vẫn chú trọng bảo tồn, phát huy di sản văn hoá của dân tộc mình. CLB Văn nghệ dân gian dân tộc Thổ có 45 thành viên do nghệ nhân Trương Sông Hương sáng lập vẫn sinh hoạt hàng tháng. Các thành viên CLB vẫn say sưa múa hát các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình, biểu diễn trong các ngày lễ hội của địa phương, dân làng và truyền lại các bài hát, điệu múa cho các em thiếu nhi. Các tiết mục của CLB đã đạt giải Nhì Hội diễn văn hoá các dân tộc Nghệ An năm 2007.

Tiễn chúng tôi ra về, nghệ nhân Trương Sông Hương căn dặn: “Các chú nhớ đi qua cầu cho cẩn thận”. Rồi đôi mắt người nghệ sỹ già chợt buồn, giọng ông chùng xuống: “Bà con thôn Sơn Tiến mong lắm, mong lắm một cây cầu”.

 

                                                      Trần Quang Đại

                                                           (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Sau 25 năm đổi mới, bộ mặt đất nước đã có nhiều đổi thay, nhiều vùng quê đã khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn những nơi khó khăn, nhất là những vùng sâu vùng xa, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài viết ngắn trên đây phản ành tình hình nghèo khó của một vùng quê của đồng bào dân tộc Thổ sống hai bên bờ sông Dinh. Quá nửa số dân ở đây sống ở mức nghèo đói, lại bị con sông Dinh chia cắt. Chiếc cầu mỏng manh,  tạm bợ do nhân dân đóng góp vật liệu và công sức tự làm không bảo đảm an toàn cho việc đi lại; vào mùa mưa, chiếc cầu này lại bị nước cuốn trôi, hơn 50 em học sinh không có phương tiện đi lại để đến trường.

Vì vậy, nhân dân ở đây có nguyện vọng thiết tha đề nghị chính quyền cấp trên cũng như các nhà hảo tâm có khả tài trợ đóng góp công sức xây cho một chiếc cầu chỉ dài hơn 100 m giúp cho việc đi lại an toàn để các cháu có điều kiện đến trường cũng như bà con có đường xá đi lại làm ăn, từng bước đẩy lùi cái nghèo và sự dốt nát của vùng quê của đồng bào dân tộc Thổ sống  hai bên bờ sông Dinh.