TPHCM:

An toàn giao thông nông thôn: SOS!

(Dân trí) – Đi liền với sự phát triển về hạ tầng cơ sở, bê tông hóa đường nông thôn là sự gia tăng tai nạn giao thông. Luật giao thông đường bộ, cảnh sát giao thông… dường như chưa đến sát với cuộc sống nông thôn thời hiện đại.

Mặt trái của đường bê tông hóa

Những ngày trước và sau Tết nguyên đán này, nhiều người con đi làm ăn xa về thăm quê hương. Xóm làng, thôn quê thêm rộn ràng. Người và xe cứ vèo vèo, xé toang cái không khí vốn yên tĩnh ngày nào. Dù mật độ người, xe có tăng đột biến nhưng cũng không tấp nập, đông đúc như chốn đô thành. Vậy mà, thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông trên những tuyến đường nông thôn đang ngày một gia tăng, nhất là dịp Tết.

An toàn giao thông nông thôn: SOS! - 1

Đầu trần đi xe máy trên tuyến đường bê tông liên xã của xóm Hòn Chiêng (Quế An)

Tiêu biểu cho mặt trái của sự phát triển giao thông nông thôn đang hiện hữu khá rõ nét ở một số tuyến đường bê tông ở tỉnh Quảng Nam.

Những con đường bê tông xi măng mới mẻ, bề mặt rộng 1,5m - 3m chạy suốt thôn, xã, phục vụ thiết thực cho đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, tạo ra diện mạo mới ở nông thôn.

Người dân phấn khởi vui mừng khi đi lại dễ dàng. Tuy nhiên nỗi lo lại cạnh kề, bởi ít ai quan tâm, xử lí hoặc nhắc nhở người điều khiển phương tiện vi phạm an toàn giao thông nông thôn. TNGT thường xảy ra, gây nhiều cái chết đau lòng.

Chiều mồng một Tết, chị P.T.X.L (38 tuổi, ngụ thị trấn Tân An, Hiệp Đức) đang đứng cắn hạt dưa trước sân nhà. Bất ngờ, một chiếc xe máy do 2 thanh niên điều khiển trên đường bê tông lao tới, đâm thẳng vào người, làm chị X.L chết tại chỗ.

Sáng ngày mồng hai tết, anh Trần Ngọc Hiền (40 tuổi, thôn 3, Quế Minh, Quế Sơn) giật mình khi thấy 2 chiếc xe máy đâm nhau trước nhà mình. Con đường bê tông rộng 3m nối liền 2 xã Quế Minh – Quế Châu, đường đẹp, rộng thoáng nên 2 “quái xế” chạy với tốc độ… thả ga. Khi thấy con chó bất ngờ chạy ngang qua đường, cả 2 xe đều tránh con chó và đâm sầm vào nhau. Rất may, không gây thương vong nhưng cả 2 thanh niên đều bị thương, còn xe thì hư hỏng nặng.

Chú trọng an toàn GTNT

Thực tế ở các đường GTNT trong những ngày tết có rất nhiều người uống rượu say, chở ba bốn người, thậm chí nghênh ngang đùa giỡn. Nhiều trẻ em mới 14, 15 tuổi cũng đã điều khiển xe máy chạy khắp đầu đường đến cuối thôn. Hầu hết, ở các tuyến đường này, người đi xe máy đều không đội mũ bảo hiểm.

An toàn giao thông nông thôn: SOS! - 2
Nón bảo hiểm treo trên xe, chỉ khi ra đường lớn mới sử dụng

Khi đời sống người dân ngày một nâng lên, nhiều gia đình đã có của ăn của để, có điều kiện mua sắm các tiện nghi sinh hoạt, trong đó xe máy là thứ không thể thiếu. Chính vì vậy mà số lượng xe máy trên địa bàn nông thôn ngày càng nhiều. Tỷ lệ nghịch với sự tăng lên về số lượng xe gắn máy là còn ít người hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ. Vẫn còn thói quen là “đường ta, ta cứ đi” hay "bên nào phẳng thì đi"...

Người dân chỉ sợ ra đường liên huyện, liên tỉnh hay Quốc lộ... gặp CSGT, chứ đường GTNT thì vẫn chạy vèo vèo. Thậm chí, trước nhà của một công an viên xã Quế An, tình trạng đi xe máy kẹp 3, đầu trần vẫn thản nhiên. Một thực tế rõ ràng hiện nay là ở khu vực nông thôn, người dân vi phạm Luật Giao thông nhưng những vi phạm đó hầu như không bị xử lý, lâu dần trở thành thói quen. Thêm nữa, công an xã - lực lượng trực tiếp giữ gìn trật tự giao thông ở các vùng nông thôn - chưa thực sự phát huy được vai trò kiểm soát, giữ gìn trật tự ATGT tại cơ sở. Trong khi lực lượng cảnh sát giao thông cấp huyện như Quế Sơn còn mỏng, không đủ người đóng chốt ở khắp các xã.

Nghịch lý khác là hệ thống GTNT đang từng bước được đầu tư kiên cố hoá nhưng mới chỉ chú ý đến việc cứng hoá, chứ chưa chú trọng đến việc bảo đảm an toàn giao thông. Đường làng có nhiều ngõ, hẻm rẽ bất ngờ, khuất tầm nhìn nhưng không có đèn báo, tín hiệu… nên rất dễ “đụng” nhau nến như người điều khiển xe máy lơ là.

Với tốc độ phát triển hạ tầng GTNT như ở các tỉnh như hiện nay nhưng ý thức chấp hành luật giao thông chưa được nâng cao thì không biết rồi đây sẽ có biết bao nhiêu vụ TNGT thương tâm nữa sẽ xảy ra?!.

“Cơ quan chức năng cần phối hợp cùng chính quyền địa phương mở nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân về an toàn giao thông. Nên đặt các trụ biển báo tại các con đường cần thiết... Bố trí lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm soát trên các tuyến đường này và xử lí nghiêm khắc những trường hợp vi phạm, có như thế mới đem lại sự an toàn cho người dân khi tham gia giao thông”, một trung úy CSGT huyện Quế Sơn (Quảng Nam) tâm sự.

Công Quang