Án phạt nào dành cho đối tượng đổi vàng giả lấy tiền thật

(Dân trí) - Luật sư nhận định, dối tượng dùng 20 chỉ vàng giả đem cầm cố lấy 60 triệu có thể phải chịu mức án phạt cao nhất tới 7 năm tù giam

Như Dân trí đã đưa tin trước đó về việc Công an huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) đã bắt tạm giam đối tượng Huỳnh Thanh Sang (52 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 17/08, Huỳnh Thanh Sang mang 20 chỉ vàng giả đem cầm cho chủ tiệm vàng lấy 60 triệu. Sự việc đã được chủ tiệm phát hiện. Ngay sau đó, đối tượng đã bị người dân bắt giữ giao cho cơ quan chức năng xử lý khi vừa ra khỏi tiệm vàng, lên xe máy định bỏ chạy.

Nhận định dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn An, Hãng luật Cộng đồng cho biết: Hành vi của Huỳnh Thanh Sang đã đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự: "Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”


Hành vi đổi vàng giả để giao dịch sẽ bị phạt nặng (Ảnh minh họa)

Hành vi đổi vàng giả để giao dịch sẽ bị phạt nặng (Ảnh minh họa)

Cụ thể, thứ nhất về hành vi lừa đảo: Sang đã dùng số kim loại mạ vàng và đem đến tiệm vàng để cầm cố. Qua điều tra, đối tượng Sang khai nhận, y từng thực hiện trót lọt một vụ cầm vàng giả lấy tiền thật. Như vậy, ngay từ đầu Sang đã biết số vàng trên là giả mà vẫn đưa ra thông tin cho chủ tiệm vàng rằng đó là vàng thật có trọng lượng 20 chỉ. Đây chính là lừa dối bằng việc cố tình đưa ra thông tin không đúng sự thật. Nếu Sang nói đúng bản chất của số kim loại mạ vàng ngày từ đầu cho chủ tiệm vàng thì đây không phải lừa dối. Nhưng trong vụ việc này đối tượng sang đã cố tình đưa thông tin sai sự thật ngay từ ban đầu và thông tin này Sang đã biết rõ.

Thứ hai về hành vi chiếm đoạt tài sản: Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Chủ tiệm vàng đã giao cho Sang 60 triệu tiền cầm “vàng”, Sang đã nhận được tiền, ở đây đã có sự chuyển dịch tài sản. Hành động nhận được tiền, cầm tiền trong tay chính là đạt được mục đích chiếm giữ tài sản. Khi này tội phạm đã hoàn thành. Sự việc người dân tri hô vây bắt thực hiện sau khi tội phạm được hoàn thành nên không làm ảnh hưởng đến bản chất sự việc.

Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối. Từ việc lừa dối kim loại mạ vàng là vàng thật, Sang đã lấy được 60 triệu từ chủ tiệm vàng. 2 hành vi dùng thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt tài sản đã có mối quan hệ nhân quả với nhau.

Hành vi của Sang đủ để cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng”

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

“Tuy nhiên, trong vụ việc này cần xem xét lại cách hành xử của chủ tiệm vàng, chủ tiệm vàng chỉ kiểm tra sơ sài để khi trả tiền rồi, mới phát hiện số vàng của Sang là giả, chỉ có lớp vàng bên ngoài, còn bên trong là kim loại, Nguyễn Thanh Sang đã có hành vi gian dối, nhưng nguyên nhân dẫn đến Sang thực hiện được việc lừa dối cũng có một phần lỗi của chủ tiệm vàng không kiểm tra kỹ dẫn đến suýt mất số tiền trên. Thường thì khi tiếp nhận số vàng được cầm cố, mua bán đại diện chủ các tiệm vàng phải tiến hành xác minh vàng thật hay vàng giả, trọng lượng cũng như xác minh tuổi của vàng. Số vàng đem cầm cố ở đây được xác định là 20 chỉ, là con số lớn vậy tại sao chủ tiệm vàng lại không kiểm tra chắc chắn trước rồi mới trả tiền…”- Luật sư An đặt câu hỏi.

Phạm Thanh