Ẩn họa từ những chợ giấy phép lái xe giả trên mạng
(Dân trí) - "Cấp bằng lái xe cấp tốc", "Hỗ trợ cấp bằng lái xe không cần thi", "Cấp bằng lái xe siêu rẻ bao soi hệ thống cổng thông tin điện tử", hay "Cấp bằng các hạng bao hỏi Sở Giao thông vận tải"…
Đó là những lời quảng cáo của rất nhiều đối tượng làm bằng lái xe giả trên các nền tảng xã hội.
Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, thậm chí bắt giữ các đối tượng làm giả Giấy phép lái xe (GPLX) nhưng tình trạng chào bán GPLX nhiều năm nay vẫn tồn tại, mua bán vô cùng nhộn nhịp trên mạng.
Rao bán công khai
Chỉ cần lên Google hoặc mạng xã hội gõ từ khóa "bằng lái xe", "bằng lái xe không cần thi", ngay lập tức cho ra hàng trăm kết quả, những thông tin tràn ngập về việc "bán bằng lái không cần thi, bằng lái bao soi, quét QR". Giá cả cũng hết sức đa dạng, có nơi làm bằng lái xe máy chỉ từ 450.000- 500.000 đồng, nơi thì 1 triệu đến 1,2 triệu đồng. Còn bằng lái ô tô có giá cao hơn, dao động từ 2 triệu đến 6 triệu đồng.
Trong vai người cần mua GPLX ô tô hạng B2, phóng viên liên hệ với trang quảng cáo dịch vụ "Trung tâm dạy nghề Đại học….". Ngay lập tức được giới thiệu kết bạn Zalo, để giao dịch và hướng dẫn các thủ tục.
Trước khi bắt đầu câu chuyện, người này giới thiệu luôn: "Đây là dịch vụ làm bằng thật, có hồ sơ gốc, đảm bảo test trước khi nhận bằng. Bên em làm uy tín, bằng thật 100%, anh chị không cần phải lo lắng khi ra đường bị công an kiểm tra. Đơn giản bọn em sẽ có người thi hộ lý thuyết, thi cả luôn thực hành, hồ sơ nộp vào chuẩn nên có hồ sơ gốc luôn".
Thủ tục để sở hữu một tấm bằng B2 cũng hết sức đơn giản, khách hàng chỉ cần chụp chân dung ảnh 3x4, ảnh chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hai mặt sau đó gửi qua zalo. Do là bằng thật, có hồ sơ gốc nên chi phí có cao hơn với những nơi khác, cụ thể là 6,4 triệu đồng/ bằng, sau 4 ngày bằng sẽ về tay.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi nghi vấn, lấy gì để chứng minh đó là bằng thật thì người bán chốt lại: "Anh chị có thể mang bằng ra Sở Giao thông vận tải để kiểm tra, chuẩn xịn thì mới phải thanh toán". Sau quá nhiều câu hỏi lòng vòng, người bán tỏ ra nghi ngờ và chặn luôn số điện thoại của chúng tôi.
Không chỉ GPLX ô tô, GPLX xe máy cũng bán hết sức rộn ràng trên các trang mạng xã hội. Giá cả cho mỗi chiếc bằng lái này hết sức đa dạng, có nơi chỉ vài trăm nghìn, nơi thì cả triệu đồng. Vẫn là phương thức quảng cáo qua Fanpage, sau đó dẫn dụ người có nhu cầu liên hệ qua zalo.
Một tài khoản có tên "Van Hau" liên tục đăng tải trạng thái như: "Chuyên làm bằng lái xe máy giá rẻ, nhanh gọn. Ai có nhu cầu liên hệ số điện thoại 034xxx79". Lần theo số điện thoại, chúng tôi có trao đổi với người này qua zalo và được tư vấn hết sức cặn kẽ. Người mua cũng chỉ cần gửi ảnh 3x4, chứng minh thư phô tô 2 mặt và để lại số điện thoại. Sau khoảng 2-4 ngày có hàng, kiểm tra trước khi thanh toán.
Sau khi hỏi về độ tin cậy sử dụng bằng này khi tham gia giao thông, "Van Hau" thẳng: "Với giá thế này thì chỉ được phôi thật thôi, còn bằng thì giả. Tức là khi bị công an kiểm tra, không thể phát hiện được, nhưng khi gây ra tai nạn hoặc có vấn đề gì pháp lý, họ kiểm tra thì không có hồ sơ gốc".
Hậu quả thật
Câu chuyện về việc sử dụng GPLX giả và bị cơ quan chức năng phát hiện là không phải hiếm. Anh B. (Xa La, Hà Đông) kể lại câu chuyện mua bằng và bị phát hiện khiến nhiều người cười ra nước mắt. Trước đây anh B. có sử dụng bằng lái thật, nộp hồ sơ và thi lý thuyết, thực hành như bao người khác.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng anh vô tình đánh mất ví, trong đó có GPLX. Sau nhiều lần tham gia giao thông anh bị xử lý vi phạm vì không có GPLX, nhiều lần định đi làm lại nhưng vì công việc nên anh đã nhờ một người bạn lên mạng xã hội mua tạm một cái, khi nào có thời gian sẽ làm lại giấy phép thật.
"Sau khi nhờ anh bạn mua hộ một chiếc GPLX, tôi ung dung tham gia giao thông mà không sợ gì cả. Bởi theo như người bạn, đây là bằng lái phôi thật, có quét mã cũng không thể nhận ra. Thế nhưng, trong một lần quên không đội mũ bảo hiểm, ở khu vực quận Từ Liêm tôi bị cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Không ngờ họ chỉ nhìn cái là nhận ra đó là bằng lái giả. Lúc đó tôi rất lo lắng, cảnh sát giao thông đã không xử lý vi phạm nữa mà gọi cho Công an phường Xuân Đỉnh để đưa tôi về trụ sở xử lý. Sau lần đó tôi không dám nghĩ đến mua bằng lái xe trên mạng nữa", anh B kể.
Cũng như anh B, chị Lê Thị T. (Hoàng Mai, Hà Nội) vốn có bằng lái xe thật cách đây cả chục năm tuy nhiên sau một lần đi du lịch đã đánh rơi và không tìm thấy. Sau khi nghe lời chồng "tư vấn" chị đã tìm mua một GPLX trên mạng xã hội để "phòng thân". May mắn cho chị T. sau khoảng gần 1 năm tham gia giao thông không bị cơ quan chắc năng kiểm tra.
Tuy nhiên sau khi đọc báo thấy một số trường hợp sử dụng GPLX giả bị phạt hành chính rất nặng, thậm chí có người đi tù nên chị đã vứt đi. "Vì không hiểu biết pháp luật nên tôi cứ vô tư dùng GPLX giả. Trong một lần đọc báo thấy có người sử dụng GPLX giả đã bị phạt tù 6 tháng, tôi đã vứt bỏ và đi làm lại GPLX".
Nói về vấn đề này, ông Đào Duy Phong, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội cho hay: Vấn đề này Sở GTVT cũng đã có văn bản gửi Công an Hà Nội để xử lý. Về màu sắc, chữ ký nhìn thấy khác nhau bởi vì phôi làm bằng do ngành công an cung cấp và được bảo mật.
Về chữ ký thì cũng không thể ký giống được vì là chữ ký tươi nên khi quét lên sẽ giữ được nguyên màu. Còn chữ ký trên bằng giả là lấy lại từ bản photo.
Thứ hai, về vấn đề mã QR code, các đối tượng sẽ lập một trang web giả nên khi quét sẽ hiện lên. Còn bằng thật muốn tra dữ liệu phải có tài khoản đăng nhập mà chỉ có chuyên viên của Sở GTVT mới có quyền truy cập.
Bình thường người dân chỉ thấy được số GPLX và ngày tháng năm sinh thôi. Người dân không nên mua các loại bằng giả bởi sẽ không thể qua mắt được lực lượng chức năng.
Ngày 1-4, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP. Hà Nội đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, triệt phá 5 ổ nhóm làm giả giấy phép lái xe ô tô, mô tô có quy mô liên tỉnh, tạm giữ 44 đối tượng liên quan.
Lực lượng chức năng đã phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ đồng loạt triển khai 12 tổ công tác tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nam Định, khám xét tại 12 địa điểm liên quan đến đường dây làm giả bằng lái xe có quy mô lớn.
Cơ quan công an đã triệu tập, đưa về trụ sở tổng số 44 đối tượng có liên quan; tạm giữ số đồ vật có liên quan gồm: 400 bộ hồ sơ giấy phép lái xe ô tô, xe máy giả (giấy khám sức khỏe, kết quả thi sát hạch, bằng lái xe ô tô, xe máy); 10.800 miếng ni-lon dán thẻ nhựa giấy phép lái xe; 4 tập tem tròn in chữ "Tổng cục đường bộ Việt Nam"; 7 máy in màu; 4 máy in thẻ nhựa; 9 bộ máy tính cây và 1 laptop; 25 thùng giấy chứa khoảng 50 nghìn phôi nhựa bằng lái xe máy giả; 3 máy ép; 1 máy cắt, dập; 45 điện thoại di động các loại.
Theo cơ quan điều tra, đường dây tội phạm có quy mô lớn này hoạt động qua các trang mạng xã hội, chia thành nhiều nhóm nhỏ để quảng cáo, tìm kiếm khách hàng (Dịch vụ làm BLX toàn quốc; Trung tâm bằng lái toàn quốc…).
Khi khách hàng có nhu cầu liên hệ, các đối tượng yêu cầu cung cấp chứng minh thư, ảnh 3x4cm, số điện thoại, địa chỉ nhận hàng. Giá bằng lái xe máy từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng; giá bằng lái ô tô từ 2 triệu đến 6 triệu đồng tùy theo các hạng. Sau khi hoàn thiện xong bằng lái xe và hồ sơ giả, các đối tượng đóng bì chuyển phát nhanh qua bưu điện hoặc thuê công ty chuyển phát cho khách hàng.
Các đối tượng lên mạng internet tìm mua tài khoản ngân hàng mang tên người khác (tài khoản giả) để sử dụng và tìm mua ảnh chứng minh thư của người khác, tạo một "App giả" để sử dụng nhận tiền từ bưu cục sau khi khách hàng trả tiền. Sau khi khách hàng kiểm tra hàng và trả tiền cho nhân viên bưu tá, thì bưu cục tự sẽ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng vào App giả mà các đối tượng đã tạo trước đó.
Để phục vụ việc in bằng lái xe giả, các đối tượng thuê riêng các căn hộ ở chung cư để đặt máy in và thường xuyên thay đổi địa điểm để tránh sự phát hiện của Cơ quan công an.