Ẩn hiện một cơn bão tài chính mới: Việt Nam cần đột phá
(Dân trí) - Bước sang quí 4 năm 2009, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có sự biến chuyển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Điểm bắt đầu của nó lại vẫn là giới ngân hàng, địa ốc, thị trường chứng khoán khởi sắc.
Nhiều người đã lạc quan tin tưởng rằng chúng ta đã thoát và vượt lên khỏi bờ vực thẳm của nền kinh tế suy thoái trầm trọng. Niềm lạc quan, hy vọng là quan trọng và không thể thiếu được trong cuộc sống đời thường cũng như kinh doanh sản xuất, nhưng chỉ nhìn phiến diện thì hậu quả sẽ khôn lường và lúc đó chúng ta sẽ trở tay không kịp.
Để phân tích và xác định việc này, cần phải có cái nhìn bao quát và phải khách quan để định lượng được chính xác.
Bài học rút ra từ Trung Quốc
Một bức tranh tương đối hoàn mỹ của người hàng xóm chúng ta là Trung Quốc với hơn 20 năm đổi mới toàn diện về cả ý thức chính trị cũng như quan hệ kinh tế.
Một điều logic là GDP Trung Quốc tăng trưởng không ngừng và luôn dẫn đầu thế giới. Với các công trình cơ sở hạ tầng của tư nhân hay nhà nước quản lý, từ nông thôn đến thành phố đều được đầu tư ồ ạt và chóng mặt.
Sản phẩm tiêu dùng trong nước tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu lan tỏa, bành trướng toàn cầu, làm cho thị trường thế giới từ Á sang Âu, vươn dài tới Bắc Mỹ và Nam Mỹ choáng ngợp với giá cả rẻ bất ngờ, mẫu mã đa dạng…
Nhìn chung có một thời hàng hóa Trung Quốc đã làm thỏa mãn 80% nhu cầu người tiêu dùng từ trung lưu trở xuống, đẩy lui không ít nền công nghiệp tiêu dùng của các nước sở tại.
Nhưng sau một thời gian chế ngự thị trường thế giới, sản phẩm được sản xuất từ Trung Quốc bắt đầu suy giảm rõ rệt vì chất lượng thấp, tính an toàn cho người sử dụng không đạt qui chuẩn của thế giới.
Điều này báo hiệu rằng sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc có vấn đề. Nhưng ngược lại dự trữ quốc gia của Trung Quốc đạt hơn 2.000 tỷ USD, lúc này nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học đánh giá Trung Quốc đã đủ tầm để thay đổi thế giới về kinh tế.
Nhân loại đang phải gồng mình
Kinh tế muốn phát triển vững bền phải dựa trên nguyên tắc căn bản nhất là: Tổng thu của xã hội trừ đi tổng chi của xã hội cộng với kế hoạch phát triển kinh tế trong 10 năm kế tiếp. Thu nhập bình quân đầu người trong 3 năm gần nhất làm điểm tựa cho 3 năm tiếp theo.
Hiện tại với thu nhập bình quân đầu người/năm của Trung Quốc mới đạt 2.000 USD nếu đem so sánh với Nhật Bản là 26.000 USD và Mỹ là 28.600 USD thì chắc chắn còn lâu Trung Quốc mới có thể thay được Nhật và Mỹ.
Ngược lại, khi các ngân hàng và nền tài chính Hoa Kỳ đã sụp đổ gây tác động cực lớn đến kinh tế toàn cầu.
Nếu điều này lặp lại với các ngân hàng và nền tài chính Trung Quốc trong năm tới thì hậu quả như thế nào với thế giới - chắc chắn không nghiêm trọng như nền kinh tế Mỹ suy thoái trong 2 năm vừa qua. Nhưng đây cúng là điều mà chúng ta phải đặc biệt lưu tâm và chuẩn bị ứng phó khi nó xẩy ra.
Không những thế, với các diễn biến phức tạp từ kinh tế toàn cầu đến an ninh thế giới trong thời gian qua. Các điểm nóng không được thu hẹp và mỗi ngày lại xuất hiện thêm điểm mới căng thẳng hơn cộng với khí hậu, môi trường ngày càng khắc nghiệt, bão lụt, động đất, sóng thần mỗi năm lại tăng cao và tàn khốc hơn những năm trước.
Nạn thất nghiệp năm 2009 khoảng 59 triệu người và sẽ tăng lên 100 triệu người vào năm 2010 theo dự báo của Ngân hàng Thế giới. Quả thật nhân loại và trái đất này đang phải gồng mình để hứng chịu những điều không mong muốn.
Dũng cảm gạt bỏ những dự án ít hiệu quả
Việt Nam là nền kinh tế mới nổi trong khu vực và châu lục. Những thành quả đạt được trước và sau thời kỳ khủng hoảng của kinh tế thế giới là thành công đáng phấn khởi.
Tuy nhiên, các mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa mang tính chiến lược lâu dài, bền vững. Những phương án và giải pháp của chúng ta đặt ra trong thời gian qua mới dừng lại ở đối phó, chạy theo hoặc phong trào.
Nếu những giải pháp này vẫn tiếp tục duy trì và được coi là căn bản thì hậu quả sẽ rất lớn. Do đó, thực tế đang đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và nhân dân cùng chia sẻ, bàn thảo, minh bạch để hoạch định chiến lược bền vững lâu dài làm đề cương cho công cuộc phát triển, đổi mới.
Có như vậy thì các chủ trương, chính sách đề ra mới được thực thi đồng thuận và khi đó chắc chắn sẽ đạt kết quả cao. Trong quá trình thực hiện phải đột phá để phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế.
Cũng cần dũng cảm gạt bỏ ngay những kế hoạch và những dự án lớn có tầm ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh quốc phòng khi thấy không phù hợp và không mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân và cho đất nước.
Nguyễn Hoài Bắc (từ Canada)