Ăn chặn của đồng bào trong cơn khốn khó: Mức án nào đủ cho sự tàn nhẫn?

(Dân trí) - Ăn chặn của đồng bào trong cơn khốn khó là hành động vô cùng tàn nhẫn và vô lương tâm. Hành vi này rất đáng lên án và cần bị xử lý bằng các chế tài nghiêm minh của pháp luật.

Mới đây, ca sỹ Thủy Tiên công khai danh tính người phụ nữ ăn chặn tiền từ thiện của bà con vùng lũ khiến dư luận phẫn nộ. 

Như Dân Trí đưa tin, tối ngày 18/10, trên trang fanpage, ca sĩ Thủy Tiên đăng tải đoạn clip cô đòi lại số tiền từ thiện mà đối tượng xấu ăn chặn của người dân. Cô khẳng định: “Ăn chặn 40% tiền từ thiện là có thật”.

Ăn chặn của đồng bào trong cơn khốn khó: Mức án nào đủ cho sự tàn nhẫn? - 1

Thủy Tiên đã đòi lại được tiền mà đối tượng ăn chặn từ người mà cô giúp đỡ.

Thủy Tiên cho biết, khi cô chia sẻ thông tin sẽ về miền Trung thì người này lập tức comment và inbox kêu gọi giúp đỡ cho người dân vùng lũ: “Sau khi mình ra Huế thì bạn đó đến khách sạn khóc lóc và kể về trường hợp đáng thương của  2 ông bà nước ngập đến nửa nhà, nhưng mình bảo chỉ trao trực tiếp không qua trung gian... Mà mình nghe tội quá nên hôm qua cũng ghé thăm và thấy sự thật trong nhà ngập thật nên mình tặng 2 ông bà 8 triệu”.

Cũng trong clip, Thủy Tiên cho hay, sau khi đoàn cô rời đi, người này đã quay lại yêu cầu ông bà vừa được nhận hỗ trợ phải đưa lại 40% số tiền từ thiện vừa được nhận cho cô ta (40% của 8 triệu là 3 triệu). “Và đúng là bạn ấy ăn 40% tiền của ông bà thật. Nên chiều nay sau khi phát xong quà ở Quảng Trị, mình bỏ cả cơm tối để đi xử “ẻm” luôn”, Thủy Tiên đã đòi lại được tiền mà đối tượng ăn chặn từ người mà cô giúp đỡ.

Trên các diễn đàn và ngay phần comment trên facebook của ca sỹ Thuỷ Tiên, rất nhiều ý kiến bức xúc với hành vi của người phụ nữ này: “Sống trên đời có thể mất nhiều thứ, nhưng đừng nên đánh mất lương tâm!”, “Đến cả tiền từ thiện cũng ăn chặn thì lương tâm đâu?”, "mình  thấy thương chồng con và cha mẹ, người thân của em này quá, chắc họ xấu hổ và đau khổ vì em lắm"...

Bên cạnh đó, đa phần các ý kiến khác cho rằng: “Ăn chặn của đồng bào trong cơn khốn khó là hành động vô lương tâm. Hành vi này đáng lên án và cần bị xử lý bằng các chế tài nghiêm minh của pháp luật”.

Ăn chặn của đồng bào trong cơn khốn khó: Mức án nào đủ cho sự tàn nhẫn? - 2

“Cá nhân tôi nghĩ, nên dừng lại ở đây, hãy cho cô gái trẻ một cơ hội để cô ấy sửa đổi bản thân. Việc cho một người vào tù không phải là cách duy nhất để người ta thay đổi và sống tốt hơn", Luật sư Đào Thị Liên chia sẻ!

Trao đổi với PV Dân Trí về vấn đề trên, luật sư Đào Thị Liên - Giám đốc công ty Luật TNHH Tiền Phong (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) phân tích:

Hành vi sử dụng vũ lực hoặc thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản không phụ thuộc vào việc có chiếm đoạt được tài sản hay không là đã có thể bị truy cứu về tội Cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Luật Hình sự 2015. Mức hình phạt thấp nhất cho tội này là phạt tù từ 1-5 năm; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh có thể bị phạt tù từ 7-15 năm.

Xâu chuỗi các thông tin cho thấy, có căn cứ về việc ông bà đã bị khống chế, ép buộc về tinh thần nên buộc phải đưa tiền cho người phụ nữ này. Vào hoàn cảnh một người vừa nhận được khoản tiền hỗ trợ không quá lớn như vậy, lại phải đưa lại đến 40% cho người khác. Việc này có thể nào là tự nguyện không?

Như Thuỷ Tiên nói, ông bà còn sợ cô gái quay lại trả thù. Do vậy, nếu điều tra làm rõ thì việc chứng minh tính lệ thuộc về ý chí của ông bà trước hành vi có tính uy hiếp, khống chế của cô gái là không khó - Luật sư Đào Thị Liên khẳng định.

Tuy nhiên, theo nữ luật sư những phân tích trên là chúng ta đang nhìn nhận sự việc ở khía cạnh pháp lý. Về khía cạnh đạo đức, sự việc đang gây xôn xao dư luận và bùng phát chóng mặt trên cộng đồng mạng với hàng ngàn chỉ trích đanh thép,... đã là hình phạt tuy vô hình nhưng rất nặng nề và thích đáng cho người phụ nữ này.

“Cá nhân tôi nghĩ, nên dừng lại ở đây, hãy cho cô gái trẻ một cơ hội để cô ấy sửa đổi bản thân. Việc cho một người vào tù không phải là cách duy nhất để người ta thay đổi và sống tốt hơn. Chúng ta hãy suy nghĩ và đồng ý với cách mà Thuỷ Tiên làm, nhẹ nhàng nhưng quyết liệt làm rõ trái phải, trắng đen,…”, luật sư Đào Thị Liên chia sẻ!

Trở lại với những vụ việc ăn chặn tiền từ thiện, chắc rằng nhiều bạn đọc còn nhớ: Cuối năm 2019, một số cán bộ thuộc Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật Thị Nghè, TP HCM chia chác tiền từ thiện của trẻ mồ côi. Khi vụ việc bị đưa ra ánh sáng đã làm rúng động dư luận. 

Tương tự, tháng 9/2019 vụ việc cán bộ, nhân viên của Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (địa chỉ tại xã Thuỵ An, huyện Ba Vì) thường xuyên "tuồn" hàng từ thiện do các cá nhân, tổ chức trao tặng, ra ngoài bán... chia chác trục lợi bất chính từ hàng từ thiện... được hé lộ.

Ngay sau khi vụ việc được phanh phui tất cả các đối tượng trên đã chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. 

Đúng là "lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt", những kẻ làm chuyện bất lương dù có kín kẽ, mưu tính cẩn thận đến đâu thì trước hay sau đều bại lộ. Ngoài việc các đối tượng nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật thì sự trừng phạt nặng nề và đau xót hơn dành cho họ chính là sự tổn thương, đau đớn của người thân, gia đình và sự ghẻ lạnh, khinh miệt của bạn bè, xã hội. Vậy nên, có thể mất nhiều thứ, nhưng xin đừng đánh mất lương tâm!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm