Ai chịu trách nhiệm quản lý vốn ngân sách ở PMU 18?

(Dân trí) - Báo Dân trí đã nhận được hàng ngàn ý kiến phản hồi của độc giả trong và ngoài nước nói về trách nhiệm của của các Bộ, ngành được Chính phủ phân công quản lý nguồn vốn ODA. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của Tiến sỹ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, về trách nhiệm của các bộ ngành trong vụ tiêu cực ở PMU 18.

Vụ tiêu cực ở PMU 18 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước, tôi hàng ngày cũng theo dõi báo chí rất sát vụ việc này. Khi đọc ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Văn Tá phát biểu trên báo rằng: “Thật ra, theo Luật ngân sách, quản lý vốn đầu tư từ nguồn ODA là Bộ KH-ĐT, còn Bộ Tài chính chỉ quản lý việc phân bổ, dự toán ngân sách, đồng thời ghi sổ việc tiếp nhận ODA trong mục lục dự toán ngân sách” tôi thấy không thể chấp nhận được.

 

Là một nhà khoa học, từng nhiều năm lăn lộn với các công trình thủy lợi quốc gia, tôi hiểu rằng, bất cứ dự án nào có sử dụng ngân sách nhà nước thì phải có sự điều phối của Bộ Tài chính.

 

Bộ Tài chính được Nhà nước giao cho quản lý vốn Ngân sách cấp phát, kể cả vốn ODA và từ nguồn vay trái phiếu, đưa vào xây dựng các công trình xây dựng cơ bản (Giao thông, thuỷ lợi…). Để thực hiện chức năng đó, Bộ Tài chính đã có cả một bộ máy và được cải tiến theo từng thời kỳ:

 

Vào thời gian những năm 1990, Bộ Tài Chính có Tổng cục Đầu tư và phát triển để giúp Bộ quản lý chặt chẽ khâu này. Ở các tỉnh và thành phố trực thuộc TW đều có các cục Đầu tư và phát triển bám sát từng công trình xây dựng cơ bản (XDCB). Mọi việc chi tiêu, sử dụng kinh phí của các PMU (và các tổ chức tương tự) không thể qua mắt Cục Đầu tư và phát triển. Vì họ trực tiếp theo dõi, kiểm tra và thanh toán các khối lượng công trình.

 

Từ đầu những năm 2000, Tổng cục Đầu tư và phát triển và các cục Đầu tư và phát triển ở các tỉnh, thành phố bị giải thể, chuyển chức năng đó cho Kho bạc Nhà nước (TW và địa phương). Việc theo dõi, kiểm tra, thanh toán cho công trình cũng được Kho bạc tiến hành chặt chẽ theo chức năng được giao.

 

Ví dụ hiện nay, ở Công trình Thuỷ lợi - Thuỷ điện Cửa Đạt (Thanh Hoá), Kho bạc tỉnh Thanh Hoá đã cử 2 cán bộ (một phó phòng và một chuyên viên) trực tiếp theo dõi, kiểm tra để cấp phát ngân sách (vốn vay trái phiếu) cho phần vốn thuỷ lợi của công trình. Tất cả mọi hoạt động về tài chính sử dụng vốn cấp phát không thể “qua mặt” 2 cán bộ kho bạc này.

 

Đó là chưa nói đến việc: Tại sao Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính dường như không hay, không biết gì về việc sử dụng hơn một trăm chiếc xe con của PMU18, trong đó hơn 30 chiếc cho mượn lung tung?

 

Như vậy rõ ràng Nhà nước đã giao chức năng quản lý từng mặt, từng lĩnh vực cho các Bộ, ngành rất rõ ràng.

 

Theo quy định của pháp luật, nếu phân bổ nguồn vốn ngân sách, vốn ODA sai, không đúng địa chỉ ưu tiên thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chịu trách nhiệm. Nếu để chất lượng quy hoạch, thiết kế, thi công, quản lý vận hành tồi thì “Bộ chủ quản” chịu trách nhiệm.

 

Còn quản lý tài chính (quản lý yếu kém hoặc buông lỏng không quản lý) để đồng vốn thất thoát, sử dụng không đúng mục đích, đặc biệt là trong khâu tổ chức thi công công trình, thì Bộ Tài Chính phải chịu trách nhiệm chính (căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được phân công). Nếu ai có am hiểu một chút về quản lý XDCB thì thấy rất rõ điều này.

 

Tôi không nói, Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ GTVT không có trách nhiệm về quản lý tài chính trong vụ tiêu cực ở PMU18 nhưng không thể đổ dồn hết trách nhiệm cho Bộ này, trong khi các Bộ tổng hợp và chức năng khác lại đứng ngoài, đặc biệt là đối với Bộ Tài chính.

 

TS. Trần Nhơn