Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XI:

6 kiến nghị của doanh nhân Việt kiều Nguyễn Hoài Bắc

Là người có nhiều tâm huyết với đất nước, nhân Đại hội Đảng XI, Dân trí xin trân trọng giới thiệu 6 kiến nghị đối với Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XI của ông Nguyễn Hoài Bắc trên góc nhìn của một Việt kiều.

Trong giai đoạn mới cơ hội, thời cơ rất lớn nhưng thách thức khó khăn không ít. Từ góc nhìn của mình, tôi xin được góp ý như sau:

1- Tổ chức hành chính:  

20 năm qua, vấn đề cải tổ bộ máy hành chính công được đặt ra một cách khá quyết liệt. Các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đã và đang bàn thảo về vấn đề này nhưng thành quả đạt được so với nhu cầu của sự phát triển kinh tế, nhu cầu của xã hội còn hạn chế.

Thực tế cho thấy một phần không nhỏ các cá nhân giữ vai trò chủ chốt của địa phương và bộ ngành không đủ tầm và tâm để đưa ra các quyết sách đúng cho địa phương hoặc bộ mình quản lý.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa thiếu hợp lý, nhiều khi qui hoạch duy ý chí, không thực tài, thực tâm mà chỉ dựa vào cơ cấu xen lẫn với quan hệ tình cảm cá nhân.

Hậu quả là các cán bộ này chỉ biết làm theo chỉ đạo của cấp trên, thiếu tư duy phản biện với chính mình và thuộc cấp, không có đầu óc sáng tạo trong công việc mà mình được giao phó. Kèm theo đó, một số cá nhân này chưa lấy quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân làm cốt lõi.

Để khắc phục những tồn tại trên không phải là quá khó và không làm được nếu Đảng, Nhà nước, Chính phủ cương quyết tổ chức lại đội ngũ kế thừa với tiêu chí dân chủ, công bằng và coi trọng thực tài, không phân biệt người đó là đảng viên hay không để giao trọng trách.

Khả năng của họ phải được minh chứng qua thực tế để từ đó, tùy theo yêu cầu công việc mà bổ nhiệm chức vụ cho hợp lý. Điều tiên quyết là họ phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam, lấy quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân là tối thượng.

2- Nhận thức xã hội:

Không ít người trong đó có cả cán bộ quản lý thường vin vào trình độ dân trí nước ta còn thấp để đổ lỗi cho những việc làm không tốt hoặc những việc mình quản lý yếu kém nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Muốn nâng cao dân trí để người dân tôn trọng pháp luật, quan hệ con người và con người nhân văn hơn, vị tha hơn thì trước hết, cán bộ công chức phải làm gương. “Đảng viên đi trước – Làng nước theo sau” là một khẩu hiệu quen thuộc của một thời chưa xa.

3- Giáo dục và Đào tạo:

Với thực trạnh giáo dục hiện nay, Việt Nam chúng ta có thể được coi là cường quốc về số lượng giáo sư, tiến sỹ và trường đại học, cao đẳng, trường nghề. Thế nhưng không ít người sở hữu những tấm bằng cấp cao ngất ngưởng nhưng thực chất là hữu danh vô thực.

Các cuộc cải cách, đổi mới về giáo dục gần đây chỉ là sao chép từ cái cũ. Không ít quan chức, nhà quản lý thường có thói quen để “bảng hiệu” GS.TS trước chức vụ của mình nắm giữ. Thật buồn là khi nói về ai đó, người ta thường gắn kèm theo là con ông nọ, cháu bà kia.

Hãy xóa bỏ tư duy bằng cấp để định giá con người bởi bằng cấp dù là bằng cấp thật vì bản thân bằng cấp không mang giá trị đích thực của tài năng tương lai mà chỉ là mốc son ghi lại cái đã có.

4- Chuyển đổi Doanh nghiệp nhà nước:

Trong giao tiếp hoặc hội họp, hội thảo, nếu một người nào đó đưa tấm danh thiệp là doanh nghiệp nhà nước thì mặc nhiên cái tầm của họ đã vượt trội hơn hẳn mấy người doanh nghiệp tư nhân.

Phải chăng cơ chế đã cho họ một đặc quyền vô hình và cộng thêm giá trị gia tăng về nhân phẩm? Vị thế của họ được tăng lên rất nhiều khi họ làm việc và kinh doanh bằng nguồn tài chính vô cùng hùng mạnh của nhà nước.

Thực tế hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp cả lớn, vừa và nhỏ của nhà nước đang oằn mình chống đỡ với các khoản nợ không thể thanh toán nổi. Đã có không ít doanh nghiệp mang tiền thuế của người dân bỏ vào túi riêng và đốt cháy trong các dự án phi thực tế, không khả thi.

Muốn tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới 2011 – 2015, không còn cách nào khác là triệt để cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không phục vụ cho lợi ích công bằng cách chuyển đổi, bán cổ phần cho các tổ chức, cá nhân không thuộc nhà nước quản lý nhằm đưa các doanh nghiệp này vào quĩ đạo của kinh tế thị trường.

Nhà nước chỉ nên giữ lại những doanh nghiệp chuyên sâu về phục vụ công cộng không mang nặng tính kinh doanh và doanh nghiệp liên quan đến an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội.

5- Doanh nghiệp tư nhân và các thành phần kinh tế khác:  

Từ khi Đổi mới, nhất là từ khi mở cửa đã khẳng định tiềm năng, tiềm lực và lợi ích của các thành phần kinh tế là vô cùng to lớn. Nó được đánh giá trên nhiều mặt khác nhau như đồng vốn được huy động từ các nguồn tài chính nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, từ nguồn tiền nhàn rỗi trong người dân và xã hội.

Những người quản lý các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đặt lợi ích của doanh nghiệp mình và quyền lợi của người lao động cao hơn và đặc biệt họ khát khao thành công nên đã hạn chế tối đa thua lỗ và phá sản. Từ đó, tinh thần trách nhiệm và khả năng sáng tạo luôn được đẩy lên cực điểm.

Thành công của họ đã chiếm tỷ trọng hơn 40% GDP của cả nước, tạo công ăn việc làm nhiều hơn hẳn các công ty do nhà nước điều hành, quản lý. Vì sự phát triển của đất nước, vì chất lượng cuộc sống của nhân dân và sự bình đẳng trong kinh doanh theo Luật doanh nghiệp qui định, cần thay đổi cách nhìn nhận và không vì những phát sinh tiêu cực rất nhỏ mà đưa ra các chính sách cấm những điều mà pháp luật không cấm.

6- Quản lý nhà nước về tài chính, tài nguyên quốc gia công:

Có không ít các qui định về quản lý tài chính, tài nguyên công nhưng không được áp dụng vào thực tiễn.

Nguyên nhân là các văn bản trên đã hạn chế việc chi tiêu, đầu tư của các cơ quan doanh nghiệp nhà nước vào các dự án khổng lồ do chính phủ làm chủ đầu tư ủy quyền cho các tập đoàn, tổng công ty dưới nhiều hình thức nhưng hoạt động khai thác, kinh doanh của các dự án này kém hiệu quả, suất đầu tư lớn gấp 3-4 lần các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các các nước trong khu vực nhưng hiệu quả lại quá kém, tràn lan không đúng mục đích và trọng tâm được giao.

Thậm chí không ít doanh nghiệp nhà nước còn vi phạm những qui định của phát luật gây lãng phí, thất thoát tài sản của đất nước, để lại những món nợ khổng lồ ở các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nước và thế giới.

Tài nguyên quốc gia, dự án lớn được phân chia thẩm quyền cho địa phương phê chuẩn nó chỉ đúng khi nào những người đứng đầu các tổ chức tại địa phương có đủ tài, đủ tâm để thực hiện. Hiện tại, có bao nhiêu tỉnh thành trong 63 tỉnh thành của cả nước hội đủ điều kiện trên.

Biệp pháp quản lý tài chính, tài nguyên công được đặt ra vô cùng cấp bách. Cần thu hồi, chuyển giao các ngành nghề, các dự án của các tập đoàn, tổng công ty không làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Kiểm tra, rà soát, thu hồi các dự án khai thác khoáng sản đang tràn lan ở các tỉnh thành trọng điểm.

Nguyễn Hoài Bắc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm