Hà Nội:

5 hộ dân hoang mang vì vô cớ bị thu hồi sổ đỏ

5 hộ dân bức xúc phản ánh đến tòa soạn cho biết việc thu hồi sổ đỏ của các gia đình này tại khu đất 1263,5m2 trước Trường Tiểu học Nghĩa Đô thuộc Tổ 49, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội có nhiều điểm không rõ ràng và chứa đựng nhiều uẩn khúc.

Một góc khu đất của 5 hộ dân đã được cấp sổ đỏ bỗng dưng có nguy cơ bị thu hồi
Một góc khu đất của 5 hộ dân đã được cấp sổ đỏ bỗng dưng có nguy cơ bị thu hồi
 
Nhiều uẩn khúc

5 hộ gia đình bị thu hồi sổ đỏ nói trên là: Nguyễn Thị Liền, Trần Thị Quyên, Trần Thị Thanh Ngoan, Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Thị Hùy.

Theo trình bày của các hộ dân và các tài liệu kèm theo cho thấy, nguồn gốc đất của cả 5 hộ dân là đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư. Năm 1993, thực hiện chính sách giao khoán đất nông nghiệp theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 05/4/1988, UBND thị trấn Nghĩa Đô (nay là UBND phường Nghĩa Đô) đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác kiểm kê đất nông nghiệp trên địa bàn và giao lại cho từng hộ gia đình/xã viên sử dụng, trong đó có 03 hộ là ông Đạt, ông Hội và ông Khạ là xã viên HTX nông nghiệp An Phú.

Từ khi được chính thức giao đất (năm 1993), phần diện tích đất của 03 hộ xã viên nói trên không có tranh chấp về chủ quyền hay quyền khai thác, sử dụng với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. HTX nông nghiệp An Phú cũng đã xác nhận: HTX không có bất cứ quyền và nghĩa vụ gì đối với diện tích đất nói trên của 03 hộ xã viên. Trong hồ sơ quản lý đất của HTX nông nghiệp An Phú cũng không có diện tích đất nêu trên. Ngoài ra, các hộ xã viên này đều được UBND thị trấn Nghĩa Đô (nay là UBND phường Nghĩa Đô) cấp “sổ thuế nông nghiệp gia đình” và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước từ năm 1993 đối với khu đất trên.

Năm 1995, hộ nhà ông Đạt và ông Hội đã chuyển nhượng lại diện tích đất được giao cho 2 xã viên khác (là 2 trong số 5 hộ gia đình/cá nhân đang có khiếu kiện) và đến năm 2003, hộ nhà ông Khạ chuyển nhượng toàn bộ đất cho 05 hộ gia đình/cá nhân nói trên.
 

Theo quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt tại Quyết định số 13/2005/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội ngày 01/2/2005, diện tích đất nêu trên được quy hoạch là đất ở thấp tầng, nhà vườn, biệt thự. Do vậy, 5 hộ gia đình/ cá nhân đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đóng hơn 14 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Đến năm 2009, 5 hộ gia đình/ cá nhân đã được cấp sổ đỏ hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật (khu đất này thuộc diện đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư được cấp sổ đỏ).

Tuy nhiên, đến ngày 21/8/2012 và sau đó là ngày 13/6/2013, UBND Quận Cầu Giấy và UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thu hồi sổ đỏ vì cho rằng trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ có sai sót.

“Nguồn gốc đất của các hộ dân chúng tôi được UBND Thị trấn Nghĩa Đô (nay là Phường Nghĩa Đô) giao cho các hộ gia đình sử dụng ổn định, lâu dài một cách hợp pháp từ năm 1993, không có tranh chấp và do quá trình đô thị hóa, khu đất trên đã trở thành đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư. Thế nhưng không rõ căn cứ vào đâu để UBND quận Cầu Giấy và UBND thành phố Hà Nội kết luận đây là đất trống để rồi sau đó khẳng định: không đủ điều kiện xét cấp Giấy chứng nhận đất ở cho các hộ gia đình”, bà Nguyễn Thị Liền bức xúc đặt câu hỏi.

Cũng theo phản ảnh của bà Liền thì khu đất này thuộc diện được cấp sổ đỏ. "Tại địa phận phường Nghĩa Đô nói riêng và quận Cầu Giấy nói chung, chúng tôi thấy có nhiều thửa đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư - với những điều kiện và tính chất tương tự như khu đất của chúng tôi - đã được cấp GCNQSD đất ở theo một quy trình áp dụng như đối với các thửa đất của 5 hộ gia đình chúng tôi. Hiện tại các sổ đỏ của các thửa đất đó vẫn được chính quyền thừa nhận và không có quyết định thu hồi. Vậy tại sao UBND quận Cầu Giấy và UBND thành phố Hà Nội lại chỉ chỉ đạo thu hồi sổ đỏ đã cấp cho 5 hộ gia đình, cá nhân nêu trên? Phải chăng ở đây có gì uẩn khúc"?

Chính quyền sai sót, thiệt hại đổ đầu người dân?

“Nếu có sai sót trong quá trình cấp sổ đỏ thì cho dù người dân có một phần lỗi nhưng lỗi chính là của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức có liên quan, tại sao lại đổ trách nhiệm sang cho người dân? Việc không yêu cầu người dân hoàn thiện các thủ tục còn thiếu (nếu có) mà quyết định thu hồi sổ đỏ của người dân là sự máy móc, thiếu trách nhiệm”, bà Trần Thị Quyên nói.

Những bức xúc của các hộ dân là chính đáng bởi thực tế, theo tìm hiểu của nhóm phóng viên PLVN, UBND Quận Cầu Giấy và UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thu hồi sổ đỏ mà không hề quan tâm, đề cập đến thiệt hại của người dân. Trong khi, thực tế các hộ dân đã hoàn thành tất cả các nghĩ vụ tài chính đối với nhà nước khi làm thủ tục cấp sổ đỏ năm 2009 (nộp ngân sách 14 tỷ đồng ), đồng thời khu đất trên thuộc diện đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật. Các hộ dân cho biết, từ khi được cấp sổ đỏ, người dân đã thực hiện nhiều giao dịch dân sự hợp pháp (chuyển nhượng lại cho người khác, thế chấp ngân hàng....), giờ đây không ai trả lời họ sẽ giải quyết những hậu quả này ra sao?

Từ năm 2012, các hộ dân cũng đã nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị lên các cơ quan chức năng của quận Cầu Giấy và thành phố Hà Nội nhưng cho đến nay vẫn không có bất cứ phản hồi gì. Không những thế, hiện vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ nhưng UBND Quận Cầu Giấy đã chỉ đạo UBND Phường Nghĩa Đô triển khai việc phá dỡ công trình của 5 hộ dân ở khu đất trên trước ngày 15.8.2013 khiến các hộ dân hết sức lo lắng, hoang mang. “Chúng tôi mong được trao đổi trực tiếp với các cơ quan chức năng của UBND Quận Cầu Giấy và UBND TP Hà Nội trước khi đẩy vụ việc đi quá xa. Thu hổi sổ đỏ của người dân là việc lớn, chính quyền không thể vô cảm với những thiệt hại và hệ lụy pháp lý khi thu hồi sổ đỏ đã cấp cho chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy kiến nghị.

Được biết, ngày 26/7/2013, các hộ dân đã có văn bản phản đối kết luận Thanh tra số số 3535/KL-UBND của UBND Quận Cầu Giấy ngày 21/8/2012, kết luận Thanh tra số 1018/KL-TTTP(P4) ngày 3/5/2013 của UBND thành phố Hà Nội và Công văn số 4244/UBND-TNMT của UBND TP Hà nội ngày 13/6/2012 về chỉ đạo việc thu hồi các sổ đỏ của 05 hộ gia đình/cá nhân.
 
Theo Pháp luật Việt Nam