4 người cách ly tại nhà đều dương tính, chủ tịch phường bị xử lý thế nào?

Khả Vân

(Dân trí) - Gia đình về từ vùng dịch được cách ly tại nhà, sau đó đều mắc Covid-19. Nếu làm lây lan dịch thì gia đình này bị khởi tố hình sự hay là vị chủ tịch phường ký quyết định cho cách ly tại nhà bị khởi tố?

Như Dân trí đã thông tin, ngày 25/7, một gia đình về từ TPHCM, theo quy định phải đi cách ly tập trung 21 ngày, nhưng Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định cho cách ly tại nhà.

Bốn trường hợp này sau đó đều dương tính với SARS-CoV-2. Qua truy vết có 8 trường hợp F1, 10 trường hợp F2, lực lượng chức năng đã chỉ đạo phong tỏa toàn bộ khu phố tại phường Lộc Sơn để phòng chống dịch.

Sáng 2/8, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Đoàn Kim Đình đã ký quyết định về việc tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn, vì không thực hiện đúng các quy định trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trước thông tin này, bạn đọc Dân trí thắc mắc: "Nếu làm lây nhiễm cho các F1 và F2 thì gia đình này bị khởi tố hình sự hay là chủ tịch phường bị khởi tố về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm?

Nếu có lây nhiễm sang F1, F2 thì chủ tịch phường có phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng?".

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: 

Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự.

Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

  1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm: Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Trường hợp này nếu phát sinh chi phí phòng chống dịch, như thông tin đã đăng tải là phải phong tỏa toàn bộ khu phố, xuất phát từ nguyên nhân người có nhiệm vụ chống dịch đã không tuân thủ quy định cho phép người từ vùng dịch về nhà mà không cách ly y tế bắt buộc, thì có khả năng người đó bị xử lý hình sự.

Về việc xem xét trách nhiệm đối với gia đình có 4 người trở về từ vùng dịch, Luật sư Xuyến cho biết: Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

  1. b) Không tuân thủ quy định về cách ly;
  2. c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
  3. d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Trong trường hợp lây nhiễm sang các F1, F2 mà xuất phát từ việc 4 F0 đã không tuân thủ quy định về việc cách ly tại nhà thì 4 người này có nhiều khả năng bị xem xét xử lý hình sự.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm