Sóc Trăng:

3 năm kiện “sếp” cưỡng bức bất thành, nữ nhân viên "nuốt nước mắt" nhận bồi thường 120 triệu

(Dân trí) - Những ngày tháng 6/2015, người dân xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) xôn xao khi nghe tin chị N.T.V sau 3 năm tố cáo lãnh đạo có hành vi xúc phạm thân thể chị nhưng không được giải quyết, đã chấp nhận số tiền 120 triệu đồng bồi thường.

Theo hồ sơ vụ việc và đơn trình bày của chị N.T.V. (quê ở ấp Hòa Lời, xã Ngọc Đông, công tác tại Trạm cấp nước xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Sóc Trăng: Ngày 27/4/2012, cơ quan chị là Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Sóc Trăng (trực thuộc Sở NN&PTNT Sóc Trăng) tổ chức sơ kết quý I của năm.

Sau buổi sơ kết, cơ quan tổ chức bữa cơm thân mật tại một nhà hàng trong khu dân cư Minh Châu (phường 7, TP Sóc Trăng). Vì lý do cá nhân nên chị V. và hai người khác không dùng cơm với mọi người mà đi ăn tại một tiệm cơm bình dân gần đó.

Sau khi ăn cơm xong, chị V. về chỗ nghỉ của mình trên đường Lê Hồng Phong (phường 3, TP Sóc Trăng) thì nhận được điện thoại của một đồng nghiệp nam (công tác tại Trạm cấp nước xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu) kêu chị nghe điện thoại của “sếp” là Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Sóc Trăng. Nể “sếp” nên dù mệt nhưng chị vẫn nghe điện thoại.

Theo chị V., “sếp” hỏi chị “Tại sao không dùng cơm với mọi người trong công ty?”. Khi nghe chị nói là mình bị mệt nên không đi ăn với mọi người được thì “sếp”gằn giọng: “Không có lý do gì hết. Nếu không đi thì nộp đơn xin nghỉ việc đi”. Nghe “sếp” nói như vậy, chị V. buộc phải trở lại nhà hàng với mọi người. Tại đây, chị có uống mấy ly bia giao lưu với anh chị em trong cơ quan.

Sau khi tàn tiệc, trong khi một số người ra về thì chị V. được một đồng nghiệp nam khác kêu ở lại để đi hát karaoke với “sếp”. Chị từ chối vì lý do mệt trong người. Đúng lúc đó, “sếp” lệnh cho mọi người trở lại bàn ngồi để trao đổi một số công việc của cơ quan.

Sau khi hết chuyện, buổi tiệc cũng kết thúc, chị V. cũng ra về. Khi chị đang chạy xe trên đường Hùng Vương (phường 6, TP Sóc Trăng) để về nhà nghỉ thì “sếp” cùng hai nam nhân viên chạy xe chặn đầu. Vừa dừng xe, “sếp” lệnh cho một nam nhân viên gửi xe lại, lấy xe chị V. và chở chị đến khách sạn Xuân Huỳnh (phường 6, TP Sóc Trăng) để hát karaoke.

Tại khách sạn Xuân Huỳnh, mọi người vừa uống bia vừa hát karaoke. Tại đây, vừa bị ép, vừa sợ “sếp” nên chị V. buộc phải uống thêm mấy ly bia nên say không biết gì nữa. Chỉ đến khi mở mắt ra chị hoảng hốt thấy mọi người về hết, trong phòng chỉ còn chị và “sếp”, cả hai không ai còn mảnh vải che thân.

Một số đơn thư vụ việc của chị V.
Một số đơn thư vụ việc của chị V.

Sau khi về nhà, quá bất bình trước hành vi của “sếp”, chị V. đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng của ngành, của tỉnh, đồng thời chị cũng làm đơn xin nghỉ việc ở Trung tâm này.  Chị V. cho rằng mình đã bị sắp đặt để “sếp” hại mình nên xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của chị, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

Nhận đơn tố cáo của chị V., cơ quan quản lý trực tiếp của “sếp” chị V. yêu cầu ông này làm giải trình vụ việc. Theo một cán bộ Sở NN&PTNT Sóc Trăng, vị Giám đốc giải trình thừa nhận có đi hát karaoke với chị V. nhưng không có hành vi vi phạm đạo đức như đơn tố cáo.

Trình bày với PV, chị V. cho biết: Sau khi chị gửi đơn tố cáo, “sếp” đã nhiều lần nhờ người quen đến gặp chị và gia đình đừng làm lớn chuyện, ông sẽ bồi thường tiền cho chị. Cụ thể, ngày 10/6/2012, vị Giám đốc này nhờ ông Nguyễn Văn Vàng (ngụ cùng địa phương với chị) sang thương lượng nhưng bất thành. Ngày hôm sau (11/6/2012), “sếp” lại nhờ 3 người xưng là bạn của ông ở Sóc Trăng xuống gặp gia đình để thương lượng kèm theo mẫu đơn viết sẵn với nội dung chị V. rút lại đơn tố cáo. Ngày 18/6/2012, một cán bộ ấp Hòa Lời (nơi gia đình chị V. sinh sống) gặp cha chị V. cũng nói đến chuyện kêu chị rút lại đơn tố cáo ông Giám đốc. Tiếp đó, ngày 21/6/2012, cũng vị cán bộ này điện thoại cho cha chị V. với nội dung như đã nói ở trên nhưng gia đình chị không đồng ý. Ngày 22/6/2012, “sếp” của chị V. nhờ người quen là ông Nguyễn Văn Điền (ngụ tại ấp Hòa Tần, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đến nhà gặp chị V. và gia đình, đưa cho chị số tiền 120 triệu đồng nói là của “sếp” gửi “hỗ trợ tinh thần và danh dự” cho chị V. kèm theo yêu cầu “từ đây trở về sau, chị V. không yêu cầu gì”.

Lúc này, gia đình chị V. cho rằng, từ chối là không dễ và cần phải “tương kế tựu kế” nên chị V. và gia đình đã “đồng ý” làm biên nhận viết tay giữa chị, gia đình với ông Điền với nội dung “Giám đốc hỗ trợ tiền tinh thần và danh dự cho chị Nguyễn Thị V. trong sự việc dư luận vừa qua với số tiền là 120 triệu đồng. Từ đây trở về sau chị V. không yêu cầu gì”.

Sau khi nhận tiền, ngày 24/6/2012, chị V. mang số tiền trên nộp cho Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an tỉnh Sóc Trăng (có Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu do Phòng CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng lập).

Theo chị V. nói: “Khi ông Điền đến gặp tôi và gia đình để bồi thường số tiền trên và yêu cầu tôi phải làm đơn theo mẫu do ông Điền đưa ra, ký tên và rút lại đơn tố cáo. Tôi nghĩ, “sếp” đang tìm cách chạy tội nên mình phải có bằng chứng cụ thể mới có thể làm sáng tỏ vụ việc. Vì vậy tôi và gia đình chấp nhận theo yêu cầu của ông Điền, mời một số người dân ở địa phương chứng kiến buổi làm việc giữa tôi với ông Điền, cùng ký tên vào biên nhận để tránh tình trạng sau khi giao tiền cho tôi xong, “sếp” trở mặt cho rằng tôi vu khống để làm tiền của ông. Nhận tiền xong, tôi giao nộp lại số tiền đó cho Phòng CSĐT Công an tỉnh, đồng thời làm đơn trình bày với UBND tỉnh Sóc Trăng”.

Tuy nhiên, từ ngày xảy ra sự việc đến hết tháng 5/2015 nhưng tố cáo của chị Nguyễn Thị V. vẫn chưa được làm sáng tỏ, ông Giám đốc vẫn bình thân.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (cha ruột chị V.) nói: “Bị xúc phạm, con tôi quá xấu hổ và bất bình nên làm đơn tố cáo hành vi của ông Giám đốc với mong muốn cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật nhưng có lẽ con tôi xui khi gặp ông này có thế và có lực nên không ai giải quyết. Theo cán bộ cho biết, không đủ cơ sở kết tội ông Giám đốc. Sau 3 năm mòn mỏi chờ đợi nhưng không được giải quyết, cuối tháng 5/2015 con tôi nuốt nước mắt đến Công an Sóc Trăng xin nhận 120 triệu đồng mà ông Giám đốc bồi thường hồi năm 2012”.

Ông Ngọc cho biết thêm: “Sau khi xảy ra vụ việc, con tôi đã xin nghỉ việc, cùng chồng con rời Sóc Trăng lên TPHCM sinh sống. Chồng nó hiện làm thợ hồ, còn V. cùng con ở nhà, cuộc sống của tụi nó khá vất vả”. 

PV