TPHCM:

“Thẳng tay” xử lý những bê bối về thực phẩm

(Dân trí) - Không dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm thành phố đã đình chỉ hoạt động, buộc tiêu hủy hàng loạt các mặt hàng thực phẩm sai phạm. Đây được xem là động thái “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Với đặc thù của thành phố đông dân nhất cả nước, thực phẩm là mặt hàng tất yếu được tiêu thụ với khối lượng rất lớn mỗi ngày theo nhu cầu tất yếu của người dân. Bên cạnh những doanh nghiệp, đơn vị làm ăn chân chính cũng có rất nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng địa bàn rộng, nhu cầu cao để sản xuất, buôn bán các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

 

“Thẳng tay” xử lý những bê bối về thực phẩm - Ảnh 1.

Toàn bộ lô heo tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á bị tiêu hủy

Để bảo vệ an toàn cho cộng đồng, trong 9 tháng đầu năm 2018, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, TPHCM đã tiến hành thanh kiểm tra hơn 2.200 cơ sở phát hiện vi phạm tại 449 cơ sở, xử phạt 333 cơ sở với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.

Nhiều vụ xử phạt “thẳng tay” của Ban An toàn Thực phẩm đã khiến những cơ sở vi phạm “méo mặt” tiêu biểu như vụ heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi (cuối năm 2017). Toàn bộ lô hàng 3.750 con heo bị chích thuốc an thần đã bị Ban An toàn Thực phẩm đề xuất tiêu hủy và đã được thành phố đồng ý triển khai.

Mới đây, Công ty TNHH Hotel Students chuyên sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng nhưng không đảm bảo an toàn đã bị xử phạt 114,5 triệu đồng. Các lỗi sai phạm được xác định gồm: không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm; không đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm… Ngoài xử phạt hành chính công ty trên còn bị buộc ngưng hoạt động, tiêu hủy hơn 2 tấn thực phẩm chức năng sai phạm.

 

“Thẳng tay” xử lý những bê bối về thực phẩm - Ảnh 2.

Các mặt hàng thực phẩm kinh doanh tại TPHCM đang bước đầu được kiểm soát chất lượng

Nhiều công ty khác cũng bị phanh phui chiêu trò hô biến thực phẩm không rõ nguồn gốc thành mặt hàng chất lượng. Tiêu biểu như cơ sở sản xuất, kinh doanh chả lụa của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hải (quận 7). Khi bị kiểm tra, cơ sở này đã không chứng minh được nguồn gốc của gần 800kg thịt heo nên bị niêm phong chờ kiểm nghiệm xử lý.

Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tuyến quận huyện cũng đã kiểm tra và phát hiện hơn 7,6 nghìn cơ sở sai phạm, xử phạ gần 3,6 tỷ đồng. Ban An toàn Thực phẩm đã đình chỉ hoạt động của 7 cơ sở, buộc tháo dỡ biển quảng cáo, buộc thu hồi, tiêu hủy hàng chục tấn sản phẩm động vật, thực vật, thực phẩm chức năng vi phạm.

 

“Thẳng tay” xử lý những bê bối về thực phẩm - Ảnh 3.

Cùng với việc chống thực phẩm bẩn, thành phố đang xây dựng nguồn thực phẩm sạch qua liên kết chuỗi

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn Thực phẩm cho biết: “Mức xử phạt trung bình về vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên cả nước chỉ khoảng 200 nghìn đồng mỗi vụ thì trong 9 tháng đầu năm 2018 Ban An toàn Thực phẩm xử phạt mỗi vụ vi phạm trung bình khoảng 10 triệu đồng. Chúng tôi không nhân nhượng với bất kỳ hành vi sai phạm nào mà kiên quyết xử lý để răn đe, ngăn chặn nguy cơ tái phạm hoặc sẵn sàng vi phạm khi mức phạt quá thấp.

PGS Phong Lan cho rằng: “Lâu nay mức xử phạt vi phạm hành chỉnh chỉ nhẹ như phủi bụi, chẳng thấm vào đâu so với những khoản lợi nhuận khổng lồ mà các tổ chức hoặc cá nhân thực hiện hành vi sai phạm trong sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm có được nên họ sẵn sàng chịu phạt. Nghị định 115/2018 của Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 với mức xử lý nghiêm minh, đây sẻ là tiền đề giúp chúng tôi xử lý triệt để những sai phạm trong lĩnh vực thực phẩm”.

Vân Sơn