ĐBSCL

ĐBSCL tập trung phòng, chống cúm gia cầm… cả ban đêm

(Dân trí) - Hiện nay, ở nhiều địa phương ĐBSCL đã xuất hiện dịch cúm gia cầm. Ngành chức năng đang khẩn trương các biện pháp nhằm tiêu hủy, dập tắt ổ dịch… Tuy nhiên, tình trạng mua bán gà, vịt sống chưa qua kiểm định, không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan cao.

Dịch cúm diễn biến phức tạp…

Theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL có tổng đàn gia cầm dao động khoảng 58-60 triệu con (gà, vịt). Hiện nay, đã có 3 địa phương phát hiện ổ dịch cúm gia cầm, nên nguy cơ cúm gia cầm lây lan là rất cao. Cụ thể: tại Bạc Liêu có 1 ổ dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại một hộ chăn nuôi tại ấp Vĩnh Phú A (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) làm 400 con gà bị mắc bệnh, chết và 2.785 con gà bị tiêu hủy;

Tại tỉnh An Giang có 2 ổ dịch cúm A/H5N1 đã xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi gia cầm của xã Tân Trung (huyện Phú Tân) khiến 300 con vịt trời mắc bệnh và 809 con vịt trời phải tiêu hủy, tại xã Phú Mỹ Đông (huyện Thoại Sơn) có 80 con gà mắc bệnh và đã bị tiêu hủy; tại tỉnh Sóc Trăng xảy ra 1 ổ dịch cúm A/H5N1tại 1 hộ nuôi gà thuộc xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú) đã có 110 con mắc bệnh và 945 con bị tiêu hủy. Trước đó, vào cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng đã phát sinh một ổ dịch cúm gia cầm với số lượng trên 700 con. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy và phun xịt thuốc tiêu độc khử trùng.

Vấn đề hiện nay, ngành thu y các tỉnh ĐBSCL đang tích cực quản lý và tiêm phòng đối với những đàn vịt chạy đồng, vì đối tượng này nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao
Vấn đề hiện nay, ngành thu y các tỉnh ĐBSCL đang tích cực quản lý và tiêm phòng đối với những đàn vịt chạy đồng, vì đối tượng này nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao

Mặc dù tình hình dịch cúm gia cầm diễn ra hết sức phức tạp, nhưng tại một số điểm chợ, dọc các tuyến lộ, gà, vịt sống không rõ nguồn gấc, xuất xứ vẫn được bày bán ngang nhiên gây khó khăn cho công tác phòng, chống cúm của ngành chức năng.

Ghi nhận dọc theo quốc lộ 91B, trên địa bàn quận TP Cần Thơ, đoạn qua khu vực cầu Bà Bộ thuộc phường Long Hòa, phường Long Tuyền (quận Bình Thủy) và khu vực phường An Khánh (quận Ninh Kiều), việc người dân ngang nhiên bán gà vịt dọc đường, trên cả vỉa hè dành cho người đi bộ…

Cán bộ ngành thú y Đồng Tháp thực hiện việc kiểm tra việc tiêm vắc xin phòng chống dịch cúm trên gia cầm
Cán bộ ngành thú y Đồng Tháp thực hiện việc kiểm tra việc tiêm vắc xin phòng chống dịch cúm trên gia cầm

Theo tìm hiểu, những người mua bán gia cầm tại khu vực này cho biết, gia cầm buôn bán có nguồn gốc từ vườn nhà, hoặc mua lại qua trung gian, chưa được kiểm dịch,… nhưng vì lợi nhuận nên vẫn bán. Thậm chí, có hộ còn tổ chức giết mổ, bán tại nhà.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ thông tin, tại khu vực trên có khoảng 30 hộ buôn bán gia cầm. Theo đó, các ngành chức năng đã thiết lập các đoàn kiểm tra xử lí, nhưng các hộ buôn bán vẫn cố tình vi phạm, nhiều hộ né tránh đoàn kiểm tra bằng cách dựng bảng bán gà, sau đó có người đến mua thì họ vào nhà lấy ra bán, chứ không trưng bày gà, vịt sống.

Tiêm phòng ngay cả ban đêm

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng, ngành chức năng các tỉnh, thành đã triển khai nhiều biện pháp nhằm dập tắt ổ dịch cũng như lập kế hoạch phòng, chống dịch.

Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết: Hiện nay, tổng số đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh trên 3,5 triệu con. Thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh gia cầm trên địa bàn tỉnh được Chi cục Thú y thực hiện định kỳ, với trên 80% đàn gia cầm được tiêm vắc xin. Theo đó, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện thêm ổ dịch nào;

Hiện nay ở nhiều địa phương tình trạng mua bán vịt gà sống, chưa qua tiêm phòng, không rõ nguồn gốc... còn rất phổ biến
Hiện nay ở nhiều địa phương tình trạng mua bán vịt gà sống, chưa qua tiêm phòng, không rõ nguồn gốc... còn rất phổ biến

Ghi nhận tại các tỉnh biên giới như Đồng Tháp, An Giang,… tình hình vịt chạy đồng diễn ra “rầm rộ” . Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp, tổng đàn gia cầm 3 triệu con (trong đó, 2 triệu con vịt và 1 triệu con gà). Tuy nhiên, vào mùa vịt chạy đồng, thì tổng đàn vịt sẽ tăng lên gấp đôi khoảng 4 triệu con. Việc vịt chạy đồng sẽ làm tăng đàn, cũng như tìm ẩn nhiều nguy cơ mang mầm bệnh từ nơi khác đến.

Ông Bạch Tuấn Kiệt - Trưởng phòng Quản lí dịch bệnh Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, chưa ghi nhận “điểm nóng” nào về trường hợp gia súc, gia cầm bệnh và chết số lượng lớn trên địa bàn. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh xảy ra là rất lớn do thời tiết thay đổi chuyển lạnh đột ngột; việc chăn nuôi không đảm bảo vệ an toàn sinh học và chăn nuôi chạy đồng là điểu kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh và lây lan. Về công tác phòng, chống tỉnh đã cho phát động Tháng Vệ sinh tiêu độc, khử trùng (từ ngày2 20-2 đến 20-3); thực hiện tốt công tác tiêm phòng; giám sát; tuyên truyền; ngăn chặn kịp thời các đàn vịt chạy đồng không được tiêm phòng ngừa dịch; kiên quyết xử lí nghiêm tình trạng buôn bán, nhập lậu kể cả hình thức quà tặng, quà biếu nhằm ngăn chặn mầm bệnh; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức hộ dân. Có những địa phương, như Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng… tổ chức tiêm phòng cho gà ngay cả ban đêm.

Để thực hiện tốt công tác tiêm ngừa vắc xin phòng, chống cúm gia cầm, ngành thu y Đồng Tháp tổ chức tiêm ngừa  cho đàn gà ngay cả ban đêm
Để thực hiện tốt công tác tiêm ngừa vắc xin phòng, chống cúm gia cầm, ngành thu y Đồng Tháp tổ chức tiêm ngừa cho đàn gà ngay cả ban đêm

Ngoài ra, nhằm kiểm soát chặt chẽ tình trạng xuất, nhập gia cầm vào địa bàn các tỉnh đã tiến hành thiết lập các trạm kiểm soát, kiểm dịch. Tại tỉnh An Giang đã xây dựng năm trạm kiểm soát, kiểm dịch tại Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), Vĩnh Hội Đông (TP Châu Đốc), Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), Cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú) và trạm kiểm dịch nội địa Vàm Cống (TP Long Xuyên), đồng thời chỉ đạo ứng trực liên tục 24/24.

Còn tại TP Cần Thơ có 2 chốt kiểm dịch cố định ở cửa ngõ vào thành phố, (đặt tại bót số 10 giáp với tỉnh Hậu Giang, 1 trạm đặt tại Lộ Tẻ kiểm soát Kiên Giang, An Giang). Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ cũng có đội kiểm dịch lưu động, trạm thú y 9 quận, huyện đều có lực lượng kiểm dịch, hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bùng phát, lây lan. Kết qủa, từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục đã triển khai 209 đợt kiểm tra, phát hiện và xử lý 70 trường hợp, chủ yếu là hành vi vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không có giấy kiểm dịch, các phương tiện vận chuyển không đảm bảo vệ sinh thú y, hoặc trốn tránh các trạm kiểm tra…

Ngành Y tế dự phòng một số tỉnh ĐBSCL, khuyến cáo: Trong sử dụng thực phẩm, người dân nên sử dụng sản phẩm có đóng dấu xác nhận an toàn của cơ quan chức năng. Đối với những sản phẩm gia cầm tại địa phương như gà, vịt, người dân nên chọn những con khỏe mạnh, không có biểu hiện khác thường, nhất là không nên dùng sản phẩm gia cầm chưa được chế biến chín.

Nguyễn Hành