DMagazine

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công

(Dân trí) - Câu chuyện của mỗi gia đình người có công khi nhận bằng Tổ quốc ghi công, danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đều có sự xúc động riêng, góp phần tô thắm cho sự vĩ đại của cuộc kháng chiến vệ quốc…

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công

Câu chuyện của mỗi gia đình người có công khi nhận bằng Tổ quốc ghi công, danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đều có sự xúc động riêng, góp phần tô thắm cho sự vĩ đại của cuộc kháng chiến vệ quốc… 

Trên những nẻo đường tác nghiệp, được chứng kiến những buổi lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công, danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các PV Dân trí đã có những phác họa nhanh về một số trong muôn vàn những câu chuyện của các gia đình thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước.

Dẫu chỉ là những ký ức, những dòng thông tin vắn tắt được ghi chép lại, nhưng qua đó chúng ta phần nào có thể hình dung được sự hy sinh vĩ đại của những thế hệ đi trước, đã hiến dâng tuổi xuân vì sự độc lập cho Tổ quốc.

"Ở bên kia thế giới, mẹ tôi đã yên lòng… " 

Câu chuyện về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tý (SN 1927) quê xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Mẹ có 2 người con đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, là: Liệt sĩ Đinh Công Bạo (SN 1948) và liệt sĩ Đinh Công Bảo (SN 1950).

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 1

Năm 1966, anh Đinh Công Bạo khi đó vừa tròn 18 tuổi đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Chiến đấu tại chiến trường Miền nam được một năm thì anh hy sinh. Cùng năm này, con trai thứ 2 của mẹ là anh Đinh Công Bảo tiếp tục lên đường vào miền Nam chiến đấu.

Một năm sau đó, mẹ phải nhận tin dữ khi anh Đinh Công Bảo đã hy sinh khi chiến đấu với kẻ địch.

 "Mẹ như đứt từng khúc ruột khi lần lượt 2 người con trai hy sinh tại chiến trường miền Nam. Suốt mấy chục năm còn lại của cuộc đời, mẹ luôn mong ước tìm được hài cốt của các anh. Và mẹ đã không thể chờ điều đó trở thành hiện thực..." - ông Đinh Văn Nương (SN 1962, con trai thứ 7 của mẹ Tý) xúc động.

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 2
Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 3
Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 4

Theo ông Đinh Văn Nương, giấy tờ của một trong 2 liệt sĩ bị thất lạc nên việc công nhận danh hiệu cho mẹ bị chậm lại nhiều năm. Đến đầu năm 2021, khi chính quyền và gia đình hoàn thiện đủ điều kiện để trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì mẹ đã đi xa.

"Trong sự xúc động này, gia đình tôi vô cùng biết ơn các cấp, các ngành đã tạo mọi điều kiện để mẹ tôi được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Được nhận danh hiệu cao quý, mẹ tôi dù ở bên kia thế giới cũng yên lòng, gia đình đỡ thiệt thòi khi có 2 liệt sĩ. Con cháu càng tự hào hơn với truyền thống cách mạng của gia đình", ông Đinh Văn Nương chia sẻ.

Gia đình được cấp lại bằng Tổ quốc ghi công sau 45 năm

Những ngày cuối tháng 7/2021, các thành viên trong gia đình ông Tống Đình Dũng (SN 1964), ở xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa luôn có những cung bậc cảm xúc về sự vinh dự và tự hào.

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 5

Gia đình từng bị cắt các chế độ liệt sĩ, thu bằng Tổ quốc ghi công chỉ vì có thông tin cho rằng cha ông - liệt sĩ Tống Đình Đoàn vẫn còn sống. Năm 2020, sau thời gian tiếp nhận đơn thư, rà soát lại hồ sơ, liệt sĩ Tống Đình Đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp lại bằng Tổ quốc ghi công.

Gia đình ông đã trải qua một hành trình dài với biết bao biến cố lớn. Theo lời ông Tống Đình Dũng, người cha bị cắt chế độ liệt sĩ cũng chỉ vì sự thiếu khách quan trong thẩm tra hồ sơ của chính quyền xã lúc bấy giờ.

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 6
Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 7
Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 8

"Sau này, nhờ sự vào cuộc quyết liệt trong suốt 5 năm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương, cuối cùng sự thật cũng được sáng tỏ…", ông Tống Đình Dũng nói về trường hợp hi hữu của cha mình.

"Vỡ òa" khi được cấp bằng Tổ quốc ghi công sau hàng chục năm chờ đợi 

Hơn 70 năm kể từ ngày người chú của mình là ông Tô Vận (SN 1921, quê ở xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) hy sinh, ông Tô Quang Nhơn (SN 1924, ở khu phố Lao động, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) mới hoàn thành tâm nguyện với dòng họ.

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 9

Quá trình hoàn thiện, xem xét hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ trải qua hàng chục năm chờ đợi. Khi còn sống, cha của ông Tô Quang Nhơn đã tới gõ cửa các cấp, nhưng đến khi mất vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện.

Dòng họ đã giao cho gia đình ông Tô Quang Nhơn đảm nhận việc thờ cúng người chú nhiều năm nay. Trước khi mất, cha ông cũng giao lại trọng trách hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho chú.

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 10
Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 11

Rồi sau nhiều nỗ lực, niềm vui đã đến với gia đình ông. Trong ngày nhận bằng Tổ quốc ghi công cho người chú, ông Tô Quang Nhơn xúc động: "Nhờ Đảng, Nhà nước và ngành LĐ-TB&XH quan tâm vào cuộc quyết liệt. Chú tôi cũng được suy tôn liệt sĩ. Đó là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn lao của gia đình".

Thỏa nỗi lòng của người vợ liệt sĩ

Mới cách đây một năm, tháng 7/2020, bà Phan Thị Sự (SN 1959, ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã vinh dự đón Bằng Tổ quốc ghi công của người chồng - ông Phan Năm (SN 1955).

Trước đó, ông Phan Năm đã có 6 năm tham gia quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Campuchia. Năm 1984, ông trở về gia đình với thương tật ở bên chân phải. Sau đó, ông bà gặp nhau và làm lễ cưới.

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 12

Thời gian trôi đi, những tưởng ông Phan Năm sẽ yên ổn sống với gia đình và con cháu tới cuối cuộc đời. Nhưng trớ trêu thay, chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương cũ của ông lại tái phát. Ông Phan Năm đã qua đời trong năm 2018 vì vết thương cũ và căn bệnh ung thư.

Theo bà Phan Thị Sự, trước khi qua đời, chồng bà luôn mong mỏi hoàn tất hồ sơ thủ tục trong điều kiện giấy tờ bị thất lạc do chiến tranh.

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 13
Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 14

Khi nhận tấm Bằng Tổ quốc ghi công, bà Phan Thị Sự xúc động: "Tấm bằng Tổ quốc ghi công sẽ là tấm gương để con, cháu tôi phấn đấu học tập, làm việc và sống có ích cho gia đình, dòng họ và xã hội...".

Gần nửa thế kỷ mong ngóng tin anh trai

Hôm 23/7, tại buổi lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc trao Bằng "Tổ quốc ghi công" và Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do UBND TP Quy Nhơn (Bình Định) tổ chức, ông Lê Văn Hậu - em trai của liệt sĩ Lê Văn Phúc (SN 1952, nguyên quán ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) đã xúc động nói không thành lời. 

Theo ông Hậu, gia đình ông có 2 anh em trai. Anh của ông là Lê Văn Phúc. Khi mới 15 tuổi, ông Lê Văn Phúc đã theo bước chân cha vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu. Năm 1969, ông Lê Văn Phúc hy sinh khi mới 17 tuổi tại Phước Long (tỉnh Bình Phước).

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 15

Năm 1980, gia đình ông Lê Văn Hậu mới nhận được giấy báo tử từ Tỉnh đội Bình Định. Nhưng vì điều kiện kinh tế nên mãi những năm gần đây ông Lê Văn Hậu mới vào miền Nam để làm hồ sơ công nhận liệt sĩ.

"Hôm nay, gia đình đã nhận được tấm bằng liệt sĩ của anh trai. Đó là phần thưởng xứng đáng của anh tôi đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", ông Lê Văn Hậu chia sẻ.

Bằng Tổ quốc ghi công đã được đặt trang trọng trên bàn thờ gia đình 

Không khí của Ngày Thương binh, Liệt sĩ năm 2021 khá đặc biệt đối với thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Chồn (ngụ xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Sau 76 năm hy sinh, liệt sĩ Nguyễn Văn Chồn vừa được Thủ tướng Chính phủ truy tặng tấm Bằng Tổ quốc ghi công.

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 16

"Hơn 70 năm chờ đợi, sự xúc động đã không thể diễn tả bằng lời. Ngày Thương binh, Liệt sĩ năm nay, trên bàn thờ gia đình đã trang trọng đặt bằng Tổ quốc ghi công của chú tôi", ông Nguyễn Văn Mây, cháu liệt sĩ Nguyễn Văn Chồn bày tỏ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Mây có truyền thống cách mạng. Trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, 2 người thân khác của ông Nguyễn Văn Mây cũng đã hy sinh. Với trường hợp người chú Nguyễn Văn Chồn (SN 1905, hy sinh tại nhà tù Côn Đảo), gia đình đã bền bỉ dành nhiều thời gian làm thủ tục hoàn thiện hồ sơ công nhận bằng Tổ quốc ghi công.

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 17

Do hồ sơ liệt sĩ Nguyễn Văn Chồn không còn giấy tờ gốc, không còn nhân chứng nên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An phải nhờ chính quyền huyện Côn Đảo tra cứu hồ sơ. Sau nhiều nỗ lực và chờ đợi, ngày 22/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 109/QĐ-TTg trao bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ Nguyễn Văn Chồn.

Ngày 8/2/2021, tại UBND huyện Bến Lức (Long An), thừa ủy quyền của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đã trao Bằng Tổ quốc ghi công tới đại diện gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Chồn. 

Mẹ Nguyễn Thị Hai: "Tôi chỉ biết khóc khi con được công nhận liệt sĩ"

Mẹ Nguyễn Thị Hai (90 tuổi, ngụ thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) vẫn còn xúc động khi nhớ đến ngày đón nhận bằng Tổ quốc ghi công của con trai Lưu Văn Ngó.

Sau 44 năm hy sinh, con của mẹ đã được công nhận là liệt sĩ vào năm 2017.

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 18

Theo ký ức của mẹ Nguyễn Thị Hai, khi mới 16 tuổi, người con Lưu Văn Ngó đã tham gia cách mạng với công tác nội tuyến. Một ngày của năm 1973, trong khi làm nhiệm vụ, anh Lưu Văn Ngó đã hy sinh khi vừa bước vào tuổi 18. 

Trước anh Lưu Văn Ngó, một người con khác của mẹ là Lưu Văn Ngọ cũng đã hy sinh vào năm 1970. Khi hòa bình lập lại, người con trai Lưu Văn Ngọ được công nhận liệt sĩ vào năm 1978. Còn anh Lưu Văn Ngó vẫn chưa được ghi nhận vì thiếu một số thủ tục theo luật định.

Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 19
Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 20
Xúc động câu chuyện về những tấm bằng Tổ quốc ghi công - 21

Được biết, hồ sơ trước đó của anh Lưu Văn Ngó đã qua nhiều lần phải đi xác minh. Ngành chức năng trả về cho xã xác minh và hoàn thiện hồ sơ. Đúng lúc đó, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH năm 2017 về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. 

Nhờ vậy, trường hợp hy sinh của người con trai Lưu Văn Ngó đã có điều kiện để cơ quan chức năng kết luận lần cuối cùng. Đến tháng 7/2017, tức 44 năm sau ngày hy sinh, anh Lưu Văn Ngó được chính thức công nhận là liệt sĩ.

Và còn rất nhiều câu chuyện xúc động....