1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cục trưởng Cục Trẻ em:

“Vụ cháu bé ở Bắc Ninh cho thấy lao động di cư có nguy cơ bị xâm hại cao”

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - “Vụ bạo hành bé trai 15 tuổi ở quán bánh xèo (Bắc Ninh) còn cho thấy thực tế, lao động di cư, đặc biệt là khu vực phi chính thức có nhiều nguy cơ đối mặt với sự xâm hại trẻ em…”.

“Vụ cháu bé ở Bắc Ninh cho thấy lao động di cư có nguy cơ bị xâm hại cao” - 1

Cháu bé Trương Quang D. (15 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) bị bạo hành tại quán bánh xèo tại Bắc Ninh. (Ảnh: Bá Đoàn)

Chiều 24/11, tại Hà Nội, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ nhận định với báo giới về vụ việc cháu bé Trương Quang D. (15 tuổi, quê huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đi làm thuê và bị chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh bạo hành trong những ngày qua.

Cung cấp thông tin mới nhất về vụ việc, ông Đặng Hoa Nam cho biết, các cơ quan chức năng Bắc Ninh đã kịp thời thực hiện các hoạt động để bảo vệ cháu bé cũng như điều tra, xác minh và xử lý đối tượng chủ quán Nguyễn Thị Ánh Tuyết.

“Các cấp lãnh đạo của tỉnh đều quán triệt tinh thần xử lý nghiêm và rốt ráo vấn đề. Bên cạnh đó, các lực lượng công an, thanh niên cũng thể hiện rõ trách nhiệm của mình” - ông Đặng Hoa Nam cho biết.

Cảnh báo việc xâm hại trẻ em sẽ phải nhận hình phạt rất nặng

Cũng theo Cục trưởng Cục Trẻ em, qua vụ việc còn cho thấy nhu cầu thực tế về công tác phòng ngừa tình trạng xâm hại, thông qua việc xây dựng các gói dịch vụ công cho trẻ em và nâng cao hơn nữa việc tố giác tội phạm trong khu dân cư.

“Với yêu cầu phòng ngừa, tôi cho rằng cần chú trọng việc truyền thông giáo dục cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đơn cử về phòng chống bạo lực trẻ em thì cần hướng tới truyền thông chống bạo lực ở các nhà trường, cộng đồng và hộ gia đình. Với tình trạng lao động trẻ em, công tác tuyền thông cần hướng tới các chủ sử dụng doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ…” - ông Đặng Hoa Nam nói. 

Bên cạnh đó,  câu chuyện bạo hành cháu bé vừa qua cũng đặt ra những thách thức đối với lao động di cư. Theo ông Đặng Hoa Nam, các doanh nghiệp và cơ sở dịch vụ thuộc khu vực chính thức gần như không tồn tại tình trạng lao động trẻ em. Vi phạm chủ yếu ở khu vực phi chính thức và cần sự tăng cường công tác truyền thông.

“Đơn cử như vụ xâm hại cháu bé tại Bắc Ninh những ngày vừa qua. Cả chủ sử dụng lao động và cháu bé bị xâm hại cũng đều là người di cư. Tại TPHCM, nhiều khu vực gia công may chủ yếu là người di cư. Việc quản lý và tuyên truyền tới đối tượng này không đơn giản…” - ông Đặng Hoa Nam phân tích.

Do đó, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần quan tâm tới an sinh xã hội đối với nhóm lao động di cư giữa các địa phương, đặc biệt là người lao động di cư tới các khu công nghiệp, đô thị.

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, tình trạng lao động trẻ em tồn tại chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Người sử dụng lao động ở khu vực này ít có hiểu biết về pháp luật. Do đó, khi vụ việc xảy ra và bị phát hiện, họ mới hiểu và gánh chịu hậu quả nặng. 

“Điều này đòi hỏi có thêm những chính sách tổng thể và các dịch vụ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của đối tượng di cư, trước hết là trẻ em về học hành, khám chữa bệnh và bảo vệ an toàn…” - ông Đặng Hoa Nam nói. 

Xâm hại trẻ em: Hình phạt rất nặng

Theo ông Đặng Hoa Nam, những ai có hành vi xâm hại trẻ em, dù là xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, ngược đãi đều sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc.

“Đơn cử như một vài vụ án gần đây: Vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô trẻ em tại TPHCM đã lĩnh mức án 18 tháng tù, vụ bố đẻ và ông nội xâm hại bé gái 11 tuổi ở Vĩnh Long đều lĩnh 2 án chung. Gần đây ở Hà Nội, toà cũng xử 1 vụ xâm hại trẻ em với mức án tử hình và chung thân” - ông Đặng Hoa Nam nói.