Vụ bé gái bị bạo hành tử vong: Thông điệp "Đừng im lặng" lan truyền
(Dân trí) - Nếu trong chống quấy rối và bạo hành tình dục, có phong trào "Me Too", thì sau sự việc đau lòng của bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị bạo hành đến chết, thông điệp "Đừng im lặng" đang được truyền đi mạnh mẽ...
"Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt", chưa lúc nào câu nói của nhà lãnh đạo hoạt động nhân quyền, một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ Martin Luther King, lại có thể thấy rõ vậy sau sự việc bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị bạo hành đến tử vong.
Em chết vì những tổn thương trên cơ thể với nhiều vết bầm tím lớn ở mông, đùi, hông, lưng, sưng mủ ở vùng vai trái, vết khâu trên thái dương... Đó là những dấu ấn từ sự tàn độc của người lớn sống cùng nhà. Nhưng qua vụ việc, dư luận cũng giật mình nhận ra, em còn chết bởi sự im lặng đến lạnh lùng của rất nhiều người xung quanh.
Em không chỉ chết bởi đau đớn, đáng thương hơn, em chết vì cô độc!
Nếu trong chống quấy rối và bạo hành tình dục, có phong trào "Me Too", thì ngay sau sự việc bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị bạo hành đến chết, thông điệp "Đừng im lặng" được phát đi mạnh mẽ. Hãy làm gì đó khi nghi ngờ, khi thấy một đứa trẻ bị người lớn đánh, dù người lớn đó là ai, nhân danh gì.
"Đừng im lặng" ở đây có nghĩa là một người mẹ, sau ly hôn, phải gào lên khi không được qua lại thăm con, nắm bắt tình hình của con...
"Đừng im lặng" ở đây có nghĩa là giáo viên hãy quan sát những bất ổn của học trò, đừng bỏ qua những biểu hiện bất thường ở trẻ...
"Đừng im lặng" ở đây có nghĩa là bất kỳ ai, bạn và tôi, đừng làm ngơ khi nghe thấy tiếng la hét văng vẳng đâu đó, một ánh mắt đau đớn cầu cứu hay một đứa trẻ lủi thủi xách rác đi đổ trong đêm khuya...
"Đừng im lặng" ở đây có nghĩa là bác bảo vệ phải gõ cửa hỏi cho ra nhẽ khi nhà này nhà kia có những tiếng ồn ào, anh công an khu vực không làm lơ với những cuộc gọi "báo án"...
"Đừng im lặng" ở đây có nghĩa là pháp luật phải được thực thi đầy đủ để bảo vệ quyền của trẻ em, phải xử đến nơi đến chốn với tội bạo hành trẻ.
Bất kể là ai, cũng đừng im lặng! Khi chúng ta im lặng là đang đồng lõa với cái ác, là đang góp phần hủy hoại những đứa trẻ.
Dù rằng, sự lên tiếng có thể kéo theo nhiều phiền hà và cả rắc rối nhưng vẫn không có gì đau đớn, tội lỗi bằng việc những người lớn có trách nhiệm lại bỏ rơi một đứa trẻ.
Cái chết cảnh tỉnh nhân tâm
ThS Nguyễn Phạm Khánh Vân, giảng viên tại TPHCM cho rằng, cái chết của bé gái 8 tuổi là "cái chết cảnh tỉnh con người", bắt buộc phải chấm dứt những hành vi bạo hành trẻ em. Hãy gọi ngay 111 khi thấy có dấu hiệu bạo hành trẻ em. Hãy báo công an khu vực và nói: "Tôi đã lưu lại ngày giờ tôi báo anh, nếu anh không xử lý, có việc gì xảy ra, anh chịu trách nhiệm".
Đặc biệt, theo bà Vân, trên đời này không gì đáng sợ với cả thế giới xung quanh bằng một bà mẹ hung dữ. Hãy là một con sư tử, một con cọp, một con báo, một con đại bàng, một con linh cẩu hay là bất cứ con gì mà bạn thấy phù hợp với hoàn cảnh để bảo vệ con mình. Mỗi người mẹ phải nhớ, mạng sống là của con, là cho con.
Không kìm được nước mắt đau xót, TS Nguyễn Thu Huyền, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ, nếu hàng xóm thực sự nghe tiếng khóc và tiếng la mắng từ ngày này sang ngày khác từ căn hộ nhà bé V.A thì không thể chỉ dừng ở việc báo bảo vệ, có thể lên nhóm của chung cư hỏi ý kiến hoặc báo ban quản lý tòa nhà. Ít nhất, mỗi cư dân có quyền lên tiếng vì tiếng la lối có thể làm phiền mình.
Nếu nghi ngờ trẻ bị bạo hành, người dân cũng có quyền, thậm chí là nghĩa vụ, gọi tới công an khu vực.
Theo TS Huyền, sự việc của cháu bé, nếu những cơ quan quản lý tại chung cư và khu vực có hành động can thiệp quyết liệt, ít nhất ông bố và "bà mẹ hờ" đó phải giật mình. Nếu tới nơi mà thấy bé có dấu hiệu thương tổn, có thể tìm cách báo với mẹ bé để mẹ ruột của bé có thể tiến hành các biện pháp pháp lý, đòi quyền nuôi con.
Không thể dùng văn minh ngụy biện cho sự vô cảm!
Tối 28/12, lời kêu gọi đừng im lặng và hãy tẩy chay hợp tác, làm việc với kẻ bạo hành trẻ em của bà Phạm Trần Kim Chi, Chuyên gia tâm lý học tích cực ứng dụng, đồng tác giả cuốn sách Thực hành Giáo dục nhân cách được nhiều người hưởng ứng với hàng ngàn lượt chia sẻ.
Bà Kim Chi nói: "Tôi chưa bao giờ công khai, công kích cá nhân một người nào, nhưng lần này tôi sẽ làm, vì im lặng cũng là một tội ác. Chúng ta không thể dùng văn minh để ngụy biện cho sự vô cảm".
Chuyên gia này nhấn mạnh, trong sự việc này, ông bố phải chịu gánh chịu hậu quả cho sự tàn nhẫn, máu lạnh của mình.
Bà tha thiết kêu gọi tất cả mọi người trong danh sách bạn bè, cho đến những người chỉ gián tiếp là bạn của bạn bè quen biết với ông bố không hợp tác, không làm việc chung, ngưng các dự án vì việc người này đã bỏ rơi con, để người tình hành hạ cháu bé đến thế. Bà cũng tin rằng các công ty sẽ buộc sa thải con người này. "Đó là bản án cuộc đời với anh ta. Anh ta phải trả giá cho những gì mình gây ra dù luật pháp kết tội anh ta hay không!" - bà Chi nhấn mạnh.
Bà Phạm Trần Kim Chi cũng nêu quan điểm, để những chuyện thương tâm này không xảy ra có rất nhiều việc phải làm. Ở góc độ giáo dục, bà quan tâm, những ai đã đang và sẽ làm cha làm mẹ, cần phải được giáo dục rõ tại sao mình sinh con và làm cha mẹ là làm gì?
Và tất cả những người xung quanh cần ý thức hơn rằng, bạo hành không phải là giáo dục. Bất kể ai, hãy ngưng im lặng chỉ vì sợ phiền hà, vì đó là chuyện nhà người ta, vì lý do "làm người văn minh"...
Rất nhiều người, hôm qua, hôm kia, với những đau đớn và phẫn nộ tột cùng, lần đầu tiên họ phá bỏ nguyên tắc không đăng ảnh, đả kích cá nhân...
Cái chết thảm thương của bé gái ngay giữa thành phố lớn nhất nước, ngay giữa khu cao ốc cao cấp bậc nhất đánh vào lương tri của nhiều người, buộc mỗi người phải lên tiếng với những hành động thiết thực để bảo vệ trẻ em.