Vụ bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu: Từ "ác" không đủ diễn tả sự tàn độc
(Dân trí) - Sự việc bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị nhân tình của mẹ đóng cả nắm đinh vào đầu làm nhiều người nghẹt thở, bàng hoàng. Từ "ác" không đủ để nói về hành vi tàn độc với cháu bé.
Những tưởng một bé N.T.V.A, 8 tuổi bị bạn gái của bố đánh đập, bạo hành đến mất mạng đã là đỉnh điểm của đau đớn thì sự việc bé gái 3 tuổi Đ.N.A ở Hà Nội bị nhân tình của mẹ đóng cả chùm đinh vào đầu cùng nhiều lần tra tấn dã man khác hút cạn cả chút tinh thần, năng lượng sau cùng của mọi người.
Có lẽ không ai, không một trí tưởng tượng nào, không một bộ phim kinh dị nào có thể nghĩ ra được cảnh một người tra tấn cháu bé chỉ mới 3 tuổi bằng cách dùng búa đóng đinh lên đầu. Vậy mà điều đó lại diễn ra với đứa trẻ ngay khi cháu bé sống trong nhà mình, ngay bên cạnh những người được xem là người thân của mình.
Câu chuyện có thật giữa đời thường nhưng nhiều người không dám đọc, không dám xem, không dám tin, vẫn ước đó chỉ là một cơn ác mộng. Sự việc làm nhiều người buồn và mệt đến mức, họ không còn thiết tha gì nữa.
Nhiều nhà tâm lý, xã hội học, dù đã quá quen tiếp cận với rất nhiều vụ việc khủng khiếp cũng phải rụng rời, hoảng loạn trước sự việc. Có chuyên gia phải tạm thời đóng Facebook, ngưng lên tiếng vì không biết phải nói gì lúc này.
Từ "ác" phải nói không đủ để nói về hành vi tàn độc của kẻ được gọi là "bố dượng" đối với cháu bé.
Chị Trần Thanh Hoa, 33 tuổi, ở TPHCM nghẹn ngào kể, chị có con, 8 tuổi và 3 tuổi, bằng tuổi hai đứa trẻ trong 2 vụ việc bạo hành trẻ chấn động vừa xảy ra. Từ chuyện bé V.A bị "mẹ kế" tra tấn làm chị khóc cạn nước mắt, ám ảnh trong cả giấc ngủ, đến bé N.A, thì chị như mất hết mọi năng lượng còn lại. Chị không dám đọc, không dám xem những hình ảnh về cháu bé vì cảm tưởng như bị bóp nghẹt ngực, cổ...
"Tôi vào phòng ngồi bệt giữa nhà, khóc và gào thét. Sao những đứa trẻ ở thế giới được xem là hiện đại, văn minh lại phải chịu những bi kịch khủng khiếp như vậy?", người mẹ nghẹn ngào.
Một cô gái trẻ khác cũng chia sẻ nỗi nghẹn đắng mỗi lần đọc tin về những đứa trẻ bị bạo hành. Nước mắt cô không thể ngăn, cứ rơi trong vô thức, cảm giác thương xót đến thắt lòng mà bất lực.
Cô bộc bạch: "Hôm nay đi ngủ, vô tình tôi đụng đầu vào thành giường, tôi lại rơi nước mắt, không phải do đau vì cú cụng đầu mà là không tưởng tượng nổi cảnh bé gái mới 3 tuổi lại phải trải qua những điều khủng khiếp như bị đóng đinh vào đầu, bóp cổ để đổ nước và đinh vít, bắt nuốt...".
Ngoài đau đớn tột cùng về thân thể khi những nhát búa đóng đinh lên đầu, bé gái 3 tuổi ấy còn phải chịu đựng về nỗi đau tận cùng về tinh thần. Sau cuộc ly hôn của bố mẹ, bé phải rời gia đình, 2 chị ruột, ông bà nội... theo mẹ đến sống với người đàn ông xa lạ. Đó đã là một cú sốc. Ở đó, bé lại trải qua 5 lần 7 lượt bị tra tấn, hành hạ với những tiếng kêu khóc trong vô vọng. Chắc hẳn đứa trẻ phải trải qua những tháng ngày trong nỗi hoảng loạn, sợ hãi, không biết bấu víu vào đâu...
Theo như lời người thân bên nội của cháu, nhiều lần cháu khóc lóc xin ông bà cho về nhà...
Chuyển đau thương bằng hành động
Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Vậy nhưng hơn 30 năm qua, xã hội vẫn phải không ngừng chứng kiến vô số vụ việc trẻ em bị bạo hành với những sự kiện sau dường như lại nghiêm trọng, gây bàng hoàng, khó tưởng tượng hơn sự kiện trước.
Biến đau thương thành hành động tưởng như là chuyện khẩu hiệu, hô hào nhưng đó là việc tất cả mọi người có thể làm và phải làm lúc này. Vì ngoài bé V.A, bé N.A, có thể lắm, vẫn còn nhiều đứa trẻ khác đang sống trong cảnh "địa ngục trần gian", đang phải chịu đựng những cơn tra tấn kinh hoàng và cô đơn, cô độc chống chọi với những đòn thù..
Để làm được điều này, tất cả mọi người, không trừ một ai, từ cá nhân cho đến các tổ chức đoàn thể phải cùng tham gia. Các tổ chức đoàn thể vì trẻ em cần có những hành động thiết thực, theo sát, tuyên truyền để bất kỳ ai cũng nắm rõ về quyền của trẻ em, để ai cũng phải hiểu, không được phép dùng bạo lực với trẻ nhỏ, bất kể nhân danh điều gì. Làm sao để tất cả mọi người khi nghi ngờ trẻ em bị bạo hành thì cần ngay lập tức gọi một cuộc điện thoại và chắc chắn sự việc sẽ được tiếp nhận, xử lý...
Mọi trường học, giáo viên cần được chỉ dẫn phát hiện và xử lý khi học sinh có dấu hiệu bị bạo hành.
Một bác sĩ, một y tá từ phường, xã, huyện khi tiếp nhận những vụ trẻ em bị tai nạn, dù chỉ thấy một tí ti dấu hiệu bị bạo hành cũng phải để tâm, không chỉ chữa chạy rồi cho trẻ về. Cứu người, nhất là cứu một đứa trẻ cần nhiều hơn sự để tâm như vậy, hãy lập tức báo ngay cho cơ quan công an để kiểm tra, xác minh, ngăn chặn từ sớm những nguy cơ đe dọa trẻ.
Tất cả mọi người đều có thể là người trong nhà, là ông bà, cô chú, cậu mợ, là hàng xóm... của những đứa trẻ bị bạo hành, đừng bỏ qua bất cứ biểu hiện bất thường nào thấy ở các bé. Mỗi người hãy biết nghi ngờ, để ý, nhạy cảm hơn ngay cả khi nghe tiếng khóc của một đứa trẻ... Bởi sau tiếng khóc đó, có thể là lời kêu cứu.
Đó là việc trước mắt phải làm để ngăn chặn những hành vi tàn bạo trút lên đầu con trẻ, còn xa hơn nữa là một quá trình giáo dục. Giáo dục con trẻ về tình người, lòng nhân văn, nhân ái; về trách nhiệm khi bước vào đời sống hôn nhân, khi làm cha mẹ làm mẹ, trách nhiệm khi ly hôn hay cả khi tiến tới hạnh phúc cá nhân của mình...
Những vụ bạo hành với con trẻ, về một cô tình nhân xinh đẹp đánh đập con gái của chồng sắp cưới đến chết, về một gã trai trẻ đóng đinh vào đầu con gái của nhân tình... là trách nhiệm của những bố ruột, bà mẹ ruột.
Những người làm cha, làm mẹ đó không chỉ thiếu trách nhiệm mà còn đi tới tận cùng của sự vô cảm, tàn nhẫn với chính khúc ruột máu mủ của mình.