Việt Nam đi đầu trong khu vực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Phạm Công

(Dân trí) - Sau nhiều nỗ lực, tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam đã thấp hơn 2% so với trung bình các nước trong khu vực. Nỗ lực này được bạn bè quốc tế ghi nhận tại Lễ công bố do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 18/12.

Sáng ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố báo cáo điều tra quốc gia về lao động trẻ em (LĐTE) lần thứ 2 và định hướng công tác phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt Nam.

Buổi lễ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Việt Nam, cùng đại diện các sở, ban ngành liên quan.

Việt Nam đi đầu trong khu vực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em - 1

Lễ công bố báo cáo điều tra quốc gia về lao động trẻ em được diễn ra long trọng tại Hà Nội

Tỷ lệ lao động trẻ em của Việt Nam thấp hơn khu vực

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư. Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em"

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu. Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai...

"Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà Thông tin.

Việt Nam đi đầu trong khu vực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại buổi lễ

Theo kết quả cuộc điều tra do Bộ Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ kế hoạch và Đầu tư) thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cả nước có hơn 1.750.000 trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế tại Việt Nam, trong đó có hơn 1.000.000 trẻ là LĐTE.

"So sánh với kết quả Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ nhất được thực hiện vào năm 2012, số liệu gần đây cho thấy tỉ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm đi đáng kể, từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, gần 60 % trẻ tham gia làm việc tại Việt Nam là LĐTE. Các em phải làm các công việc trái pháp luật so với độ tuổi của các em, hay quá số giờ các em được phép làm hoặc do tính chất công việc các em phải thực hiện.

LĐTE bao gồm các công việc gây tổn hại đến thể chất, tinh thần của trẻ, cản trở việc học hành và có tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.

Việt Nam đi đầu trong khu vực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em - 3

Ông Robert Gabor, Tham tán kinh tế đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam ghi nhận những thành công của Việt Nam

Bạn bè quốc tế ghi nhận những nỗ lực

Ghi nhận những thành công trong lĩnh vực phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE, ông Robert Gabor - Tham tán kinh tế đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam - đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH, đã thực hiện rất nhiều chương trình đem lại hiệu quả trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Ông Robert Gabor khẳng định: "Chưa có một quốc gia nào thực hiện được cuộc điều điều tra toàn diện với số liệu đầy đủ, minh bạch và công khai như Việt Nam. Tôi hy vọng rằng, Việt Nam sẽ là quốc gia đi đầu trong khu vực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em".

Cũng tại buổi lễ, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Việt Nam cho biết: "LĐTE thường tồn tại ở các hộ kinh doanh cá thể, không chính thức, thuộc các chuỗi cung ứng nên rất khó phát hiện. Việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào thương mại toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam buộc phải đảm bảo các chuỗi cung ứng của mình không sử dụng LĐTE để hội nhập thị trường toàn cầu".

Việt Nam đi đầu trong khu vực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em - 4

Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Theo ông Chang-Hee Lee, thông qua kết quả điều tra, có thể thấy tỷ lệ trẻ em hoạt động kinh tế trong độ tuổi 5-17 tuổi đã giảm đáng kể (giảm gần 6% trong giai đoạn 2012-2018). Điều tra cũng cho thấy những thành tựu ấn tượng trong việc tỷ lệ trẻ em hoạt động kinh tế đi học tăng lên gần 20%.

Kết quả đáng khích lệ này là bằng chứng về những nỗ lực phối hợp mà Việt Nam đã thực hiện trong nhiều năm để chống lại LĐTE.

"LĐTE làm các công việc độc hại thường xuất hiện trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tỷ lệ LĐTE làm các công việc độc hại trong khu vực nông nghiệp thấp hơn. Số giờ làm việc của LĐTE làm các công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm có xu hướng cao, với 40,6% trẻ trong nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ một tuần" - ông Chang-Hee Lee thong tin.

Việt Nam đi đầu trong khu vực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em - 5

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em báo cáo về định hướng công tác phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE

Về định hướng định hướng công tác phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt Nam, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, cần phải tổ chức hiệu quả, hoàn thiện luật pháp và chính sách. Đồng thời xây dựng, thực hiện nhiều chương trình, dự án; phối hợp với truyền thông giáo dục, vận động xã hội. Ngoài ra cần tăng cường hỗ trợ và can thiệp và xây dựng nhiều hơn nữa những mô hình hỗ trợ trẻ em….