Thanh Hóa:
Chuyện về sư thầy Thích Đàm Ngoan và 18 đứa trẻ mồ côi
(Dân trí) - Hơn 1 năm qua, mái ấm chùa Hồi Long đã trở thành ngôi nhà của đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi. Không có tình cảm của cha mẹ, thay vào đó, các con lại được sư thầy yêu thương, chăm sóc như con ruột.
"Cà rốt ơi, Su ơi, Sâu ơi… sư phụ nè", chỉ cần nghe tiếng gọi quen thuộc, những đứa trẻ ùa ra sà vào lòng sư thầy Ngoan rồi đứa ôm, đứa bá cổ hôn thắm thiết. Sư thầy ôm những đứa trẻ như ôm những đứa con vào lòng, bao mỏi mệt dường như tan biến.
Mái ấm tình thương
Năm 2008, sư thầy Thích Đàm Ngoan được phân công về trụ trì tại chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Với tâm niệm chùa không những là nơi du khách đến dâng hương mà còn là mái ấm tình thương của những mảnh đời bất hạnh, thầy Ngoan đã nuôi quyết tâm thành lập Trung tâm từ thiện xã hội ở đây.
Thời điểm chưa thành lập được trung tâm, thầy cưu mang hơn 10 đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Cho đến tháng 8/2019, thành lập Trung tâm, thầy mới đón những đứa trẻ này về. Hơn 1 năm Trung tâm được thành lập, cứ ít ngày lại có một đứa trẻ bị bỏ lại trước cổng chùa.
Hơn 10 năm về trụ trì, có 18 đứa trẻ mồ côi, bất hạnh được thầy cưu mang. Cho đến nay, đã có 7 trẻ được gia đình đón về. Giờ đây, mái ấm tình thương của thầy Ngoan còn 11 trẻ, bé nhất 2 tháng tuổi, lớn nhất cũng 19 tuổi. Trong đó, 1 bé bệnh tim bẩm sinh và 1 bị bệnh Dow.
Gần đây nhất là cách đây khoảng 2 tháng, một đứa trẻ vừa lọt lòng đã bị bỏ lại trước cổng chùa. Tiếng khóc thất thanh đánh thức sư thầy và các bảo mẫu. Từ lâu, việc một đứa trẻ khóc trong đêm ngoài cổng chùa đã trở thành hiển nhiên.
Sư thầy Thích Đàm Ngoan - Trụ trì chùa Hồi Long- Giám đốc Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long có nhiều năm tích cực đóng góp xây dựng trường học, tặng quà cho trẻ em; tổ chức khám bệnh cho bà con nghèo cho các bản vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa của Tỉnh Thanh Hóa với kinh phí hàng chục tỉ đồng.
Ngày 27/11 vừa qua, sư thầy đã được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tặng bằng khen: "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" với thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Thầy lại bế vào chùa cho mặc quần áo rồi chăm bẵm, cưu mang. Cậu bé này vừa lọt lòng đã mang căn bệnh tim bẩm sinh.
Được biết, dù lành lặn hay bệnh tật, các bé đều được thầy đặt những cái tên rất đẹp, Bảo Minh, Bình An, Bình Minh, Bảo An, Hải Yến…bị bỏ rơi, cuộc đời các em đã đủ bất hạnh.
Với thầy Ngoan, những cái tên cũng mang đầy ý nghĩa, đó là hy vọng tương lai đứa trẻ sẽ may mắn, bình an và hạnh phúc.
Hơn 1 năm qua, trung tâm từ thiện chùa Hồi Long đã trở thành ngôi nhà của đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi. Không có tình cảm của cha mẹ, thay vào đó, các con lại được sư thầy yêu thương, chăm sóc như con ruột.
"Tôi phải học làm mẹ"
Chia sẻ về công việc của mình, sư thầy Thích Đàm Ngoan nói: "Khó khăn nhất là những ngày đầu chưa quen với cách nuôi một đứa trẻ rồi dăm bữa lại ốm sốt. Những đứa trẻ có bệnh thì đi viện như cơm bữa mình phải tập quen dần. Hay những đứa mới lọt lòng thì phải học cách pha sữa, cho con ăn uống theo độ tuổi ra làm sao…
Rồi những đứa lớn hơn chút sẽ dạy chúng về lễ phép, kính trọng người lớn; lòng nhân ái, bao dung, nhường nhịn, yêu thương nhau…
Thầy rất nghiêm khắc, lúc vỗ về yêu thương nhưng lúc các con làm sai thầy sẽ phạt. Với thầy, con là ai, con đến từ đâu, nhưng khi đã về với thầy, các con đều được yêu thương, chăm sóc từ tâm của thầy".
Hạnh phúc nhất có lẽ với sư thầy Thích Đàm Ngoan là khi cưu mang một thời gian thì các con được gia đình đến xin đón trở về.
Để có thể cưu mang các con, mỗi ngày thức dậy, thầy đều phải suy nghĩ làm cách nào để có kinh phí trang trải cuộc sống.
Thầy Ngoan đã bắt tay vào nghiên cứu làm hương, làm tinh dầu sả, nấm, mộc nhĩ. Ban đầu thầy thuê kỹ thuật về hướng dẫn rồi tự mình mày mò tìm ra cách làm mới để nâng cao hiệu quả. Một năm nay, sư thầy đã có nguồn thu khoảng 400 triệu đồng từ các mặt hàng trên.
"Dù không bao nhiêu so với kinh phí trang trải việc chăm nuôi, thuốc men cho hơn chục đứa trẻ, đó là chưa kể đến tiền lương trả cho bảo mẫu, người nấu ăn…nhưng cũng đỡ phần nào. Mình cũng sẽ cố gắng hết sức, không nản lòng.
Khi khôn lớn thành người, các con có thể chọn rời đi, có cuộc sống gia đình riêng, chỉ mong các con nhớ, nơi đây là nhà. Nếu mệt mỏi, đau khổ hay không thể chịu đựng nổi cuộc sống ngoài kia, hãy trở về bất cứ khi nào"- sư thầy Thích Đàm Ngoan tâm sự.