1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Viện phí hơn 200 triệu đồng, bệnh nhân mất vẫn được bảo hiểm hoàn trả

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Trong cùng năm, khoản 20% đồng chi trả của người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) mà vượt 6 tháng lương cơ sở thì sẽ được miễn đồng chi trả.

Viện phí hơn 200 triệu đồng, bệnh nhân mất vẫn được bảo hiểm hoàn trả - 1

Bệnh nhân tham gia BHYT 5 năm liên tục mắc bệnh nặng, chi phí đồng chi trả cao sẽ được hỗ trợ nhiều hơn (Ảnh minh họa: Tùng Nguyên).

Chồng chị Thúy tham gia BHYT 5 năm liên tục. Đầu năm 2023, chồng chị phát hiện bị bệnh ung thư, quá trình điều trị có thẻ BHYT nhưng gia đình vẫn phải đồng chi trả với chi phí hơn 200 triệu đồng. Dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng chồng chị không qua khỏi.

Trao đổi cùng cơ quan BHXH, chị Thúy hỏi: "Số tiền mà gia đình đồng chi trả viện phí 20% chi phí điều trị lên đến 200 triệu đồng khi người bệnh mất có được cơ quan BHXH chi trả lại không? Nếu có thì thủ tục để nhận lại như thế nào?".

Theo ông Trần Thế Trọng, Trưởng phòng Giám định BHYT 2 BHXH TPHCM, người bệnh tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, chi phí 20% phí đồng chi trả trong năm vượt qua 6 tháng lương cơ sở thì sẽ được cơ quan BHXH cấp giấy miễn đồng chi trả.

Từ thời điểm 1/7/2023, lương cơ sở là 1,8 triệu đồng, 6 tháng lương cơ sở là 10,8 triệu đồng. Số tiền viện phí đồng chi trả trong 1 năm vượt mức trên sẽ được cơ quan BHXH hoàn trả.

Ông Trọng hướng dẫn, trường hợp chồng chị Thúy đã mất thì gia đình mang hồ sơ chứng từ, toa thuốc, giấy ra viện, biên lai tính tiền viện phí đến BHXH quận, huyện nơi cư trú hoặc BHXH TPHCM để nộp hồ sơ làm thủ tục hoàn trả phần chi phí vượt mức 6 tháng lương cơ sở.

Cùng thắc mắc như chị Thúy, chị Nhi mong muốn cơ quan BHXH hướng dẫn rõ hơn thủ tục được miễn đồng chi trả khi tham gia BHYT 5 năm liên tục.

Theo ông Lương Đình Thới, Phó Trưởng phòng Giám định BHYT 1 BHXH TPHCM, thủ tục cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm thuộc loại hồ sơ thanh toán trực tiếp, người dân có thể nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH để xem xét.

Nếu đủ điều kiện theo quy định, cơ quan BHXH sẽ cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.

Hồ sơ nộp cơ quan BHXH theo quy định gồm: Bản chụp các giấy tờ (kèm theo bản gốc để đối chiếu) như thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân, giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám chữa bệnh đề nghị thanh toán; hóa đơn và các chứng từ có liên quan.

Theo Khoản 3 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, trong trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại một cơ sở y tế lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì cơ sở y tế đó sẽ ghi nhận và không thu số tiền cùng chi trả vượt mức 6 tháng lương cơ sở.

Sau đó, cơ sở y tế sẽ thông báo cho bệnh nhân biết, cung cấp hóa đơn để bệnh nhân đến cơ quan BHXH làm giấy xác nhận không cùng chi trả trong năm đó. Với giấy xác nhận này, người bệnh sẽ được hưởng quyền lợi BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh cho các đợt khám chữa bệnh sau trong năm tài chính.

Tuy nhiên, trong trường hợp người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh tại nhiều nơi, khi số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh vẫn phải thanh toán số tiền cùng chi trả vượt mức 6 tháng lương cơ sở.

Sau đó, người bệnh chủ động mang chứng từ đến cơ quan BHXH để làm thủ tục thanh toán lại số tiền cùng chi trả vượt mức mà mình đã trả, đồng thời nhận giấy xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.