Cà Mau:
Vì sao vẫn tái diễn tình trạng trẻ em bị đuối nước, xâm hại?
(Dân trí) - Mặc dù Cà Mau đã quan tâm nhưng công tác chăm sóc trẻ em còn gặp không ít khó khăn như trẻ tử vong do đuối nước, bị xâm hại vẫn còn xảy ra nhiều và có tính chất phức tạp.
33 trẻ em bị đuối nước và xâm hại
Ngày 12/8, bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau cho biết, từ những tháng đầu năm 2022, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động trở lại trạng thái bình thường, ngành đã rà soát thực trạng và thực hiện chính sách hỗ trợ, chăm lo trẻ em ở địa phương, đặc biệt là trẻ em mồ côi cha, mẹ do mắc Covid-19.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng gặp không ít khó khăn, trẻ em tử vong do đuối nước, trẻ em bị xâm hại vẫn còn xảy ra nhiều và có tính chất phức tạp.
Thống kê của ngành LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau cho thấy, có 12 trẻ em bị đuối nước trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 7 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021. Địa bàn xảy ra nhiều vụ trẻ em đuối nước là huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời, huyện Cái Nước, huyện Đầm Dơi, TP Cà Mau.
Theo bà Nguyễn Thu Tư, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích trẻ em, trong đó sự chủ quan, thiếu giám sát, quản lý của người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ em là một trong những nguyên nhân phổ biến.
"Không gian xung quanh nhà chưa được che chắn hoặc làm hàng rào bảo vệ tránh nguy cơ trẻ có thể rơi, ngã, dẫn đến tử vong, đặc biệt là tử vong do đuối nước. Người chăm sóc trẻ và trẻ em chưa được phổ biến đầy đủ kiến thức về phòng, chống đuối nước và kỹ năng an toàn trong môi trường nước", bà Tư cho biết.
Về trẻ em bị xâm hại, qua thống kê 6 tháng đầu năm 2022, có 21 trẻ em bị xâm hại tình dục. Địa bàn xảy ra nhiều vụ trẻ em bị xâm hại là TP Cà Mau, huyện U Minh, huyện Thới Bình, huyện Cái Nước, huyện Trần Văn Thời, huyện Đầm Dơi.
Nguyên nhân được lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau đưa ra là do đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của trẻ em, lợi dụng lúc không có người lớn trông coi; nhiều trường hợp có mối quan hệ quen biết, họ hàng, người trong gia đình nạn nhân, cha mẹ đi làm ăn xa gửi con cho ông bà chăm sóc.
Mặt khác, đối tượng xâm hại thường nảy sinh ý định phạm tội tức thời nên công tác phòng ngừa gặp nhiều khó khăn.
Một số vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là giao cấu với trẻ em do có em có thể trạng phát triển so với độ tuổi trẻ em, sự thiếu quan tâm của gia đình, do trẻ học đua đòi, yêu đương sớm dẫn đến sự đồng thuận quan hệ tình dục.
Chỉ đạo hàng loạt sở, ngành quan tâm công tác trẻ em
Trước tình hình còn nhiều trẻ em bị đuối nước và xâm hại, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý về công tác bảo vệ, chăm sóc, lồng ghép xây dựng ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em. Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và phòng, chống xâm hại trẻ em.
Giao Sở Y tế phối hợp với các ngành có liên quan đưa nội dung phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước với các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho mạng lưới cán bộ y tế cơ sở.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sự cần thiết của phổ cập bơi, cứu đuối nước, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; tăng cường công tác quản lý bể bơi và hoạt động dạy bơi cho trẻ em.
Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên truyền giáo dục học sinh trong các trường học về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép vào các môn học chính khóa và môn thể dục.
Phó Chủ tịch Cà Mau cũng đề nghị các địa phương bằng nhiều hình thức linh hoạt công tác tuyên truyền đến ấp, khóm, xã, gia đình và trẻ em về kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước, xâm hại trẻ em, giúp các gia đình, những người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có giải pháp quản lý con em mình an toàn.
"Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, khảo sát các tuyến đường, địa bàn, vị trí thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục", Phó Chủ tịch Cà Mau yêu cầu rõ.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, vừa qua, ngành triển khai các hoạt động cho trẻ em nhân Tháng hành động vì trẻ em như chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí, thăm hỏi, tặng quà, cấp học bổng, khám chữa bệnh miễn phí... đã hỗ trợ 11. 848 trẻ, với kinh phí trên 5 tỷ đồng.
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Cà Mau đã vận động hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, đuối nước... với kinh phí trên 350 triệu đồng.
Nhờ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm giảm số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: trong 6 tháng/2022 có 3.159 trẻ em, so với năm 2021 có 3.743 trẻ em, giảm được 584 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.