Vì sao mức hưởng lương hưu của nam thấp hơn nữ khi giảm năm đóng BHXH?
(Dân trí) - Khi điều kiện thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu giảm 5 năm, tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối thiểu chênh lệch đáng kể giữa lao động nam và nữ. Đó là do cách tính lương vẫn giữ như hiện hành...
Lao động nam thiệt hơn lao động nữ?
Góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bà Huỳnh Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TPHCM), đề nghị xóa đi chênh lệch về tỷ lệ hưởng lương hưu giữa lao động nam và nữ.
Hiện lao động nữ chỉ đóng BHXH 15 năm là đạt mức lương hưu tối thiểu 45% lương tháng bình quân đóng BHXH. Còn lao động nam phải đóng BHXH 20 năm.
Việc này đảm bảo lao động nữ khi nghỉ hưu vào năm 55 tuổi có thể đạt mức hưởng lương hưu tối đa 75% với 30 năm đóng BHXH, tương đương với lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và đóng BHXH 35 năm.
Bà Huỳnh Thị Thu Hà cho rằng, theo lộ trình tăng tuổi hưu thì tiến tới lao động nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 62, nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, chênh lệch tuổi nghỉ hưu sẽ rút ngắn xuống còn 2 năm, thay vì 5 năm như trước đây. Như vậy, nếu vẫn giữ nguyên cách tính này, tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam sẽ thấp hơn lao động nữ rất nhiều.
Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Intel Products Việt Nam (TP Thủ Đức, TPHCM), cũng đồng tình và đề nghị nghiên cứu cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu công bằng cho lao động nam.
Theo bà Yến, lao động nữ được nghỉ hưu sớm hơn lao động nam mà tuổi thọ trung bình của nữ lại cao hơn nam. Như vậy, thời gian hưởng lương hưu của lao động nữ dài hơn lao động nam. Thêm vào đó, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của nữ lại cao hơn nam là quá thiệt thòi cho lao động nam.
Bà Phạm Thị Hồng Yến đề nghị nên xem xét rút ngắn lại khoảng cách giữa số năm đóng BHXH hưởng tỷ lệ lương hưu 45% của lao động nam và lao động nữ để phù hợp tuổi nghỉ hưu hiện nay.
Theo bà Huỳnh Thị Thu Hà, khi quy định giảm điều kiện số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm được thông qua, lao động nam nghỉ hưu khi đóng BHXH 15 năm chỉ được hưởng mức lương hưu bằng 33,75% lương tháng bình quân đóng BHXH, không thể đủ sống.
Bà Huỳnh Thị Thu Hà đề nghị: "Cần bình đẳng giữa lao động nam và nữ theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều. Khi về hưu thì nam hay nữ đều cần tiền để sống, chi phí ăn uống, khám bệnh như nhau".
Mục tiêu mở rộng "lưới" BHXH
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xuống 15 năm chỉ hướng đến một số nhóm đối tượng nhất định, chủ yếu là nhóm tham gia BHXH muộn do không có điều kiện đóng dài.
"Những người tham gia bảo hiểm muộn, có thể hưởng mức lương hưu khiêm tốn hơn, nhưng về già họ vẫn có nguồn thu nhập là lương hưu ổn định hằng tháng. Đặc biệt, người có lương hưu là có bảo hiểm y tế, đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già", ông Cường nhìn nhận.
Lý giải về sự khác biệt trong mức hưởng của nam và nữ, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH cho rằng, lần sửa đổi luật này hướng đến mục tiêu ưu tiên mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH. Mục đích là để nhiều người có cơ hội hưởng lương hưu. Vì vậy, công thức tính, mức hưởng lương hưu về cơ bản kế thừa quy định của Luật BHXH các năm 2006, 2014.
Theo đó, Luật BHXH 2006 từng quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu là 15 năm áp dụng cho cả nam và nữ để hưởng 45%.
Luật BHXH năm 2014 là kết quả việc sửa Luật năm 2006 đã điều chỉnh tăng dần thời gian đóng BHXH tối thiểu của nam lên 20 năm. Với lao động nữ, nhà nước vẫn giữ nguyên điều kiện cần tối thiểu 15 năm đóng để hưởng lương hưu (tỷ lệ hưởng 45%).
Do đó, khi giảm năm đóng nhưng cách tính vẫn giữ nguyên thì tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ có sự chênh lệch.
Trước những lo ngại về việc giảm năm đóng dẫn đến mức lương hưu thấp, ông Cường nhấn mạnh nguyên tắc, muốn có lương hưu cao thì tỷ lệ đóng phải cao, số năm đóng dài.
Hiện để mở rộng độ phủ của BHXH, nhà nước chủ trương ưu tiên để có thêm nhiều người từ chỗ chưa có lương hưu đến có lương hưu trước, dần dần mới tính đến chuyện cải thiện mức hưởng.