1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bị con đuổi khỏi nhà, cụ bà nuôi được cháu nhờ có lương hưu

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều người không mặn mà với lương hưu vì cho rằng lương thấp, không đủ sống. Nhưng thực tế tuổi già, khi gặp biến cố, lương hưu chính là khoản đảm bảo cuộc sống với mỗi người.

Tại hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi ở TPHCM, nhiều cán bộ công đoàn phản ánh người lao động (NLĐ) không quan tâm đến lương hưu. Nhiều NLĐ cứ chờ đóng BHXH gần đủ 20 năm là nghỉ việc để rút BHXH một lần.

Lý do, người lao động chê lương hưu thấp, không đáp ứng mức sống tối thiểu.

Chị Hoa, cán bộ công đoàn của một công ty có hàng ngàn lao động ở Đồng Nai kể: "Ở công ty tôi có nhiều nữ lao động mới nghỉ hưu, mức lương hưu chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng. Không đủ sống, những lao động này phải xin công ty tiếp tục làm thời vụ để có thêm thu nhập".

Dù thực tế lương hưu còn chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống nhưng các ý kiến vẫn thống nhất khẳng định, đó là chế độ an sinh thật sự cần thiết. Những người già gặp rủi ro, rơi vào nghịch cảnh mới nhận ra lương hưu quan trọng thế nào.

Ông Nguyễn Văn Nho, cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh, chia sẻ nhiều người lao động khi về già rơi vào cảnh bế tắc, sống khổ vì không có lương hưu.

Là cán bộ làm chính sách lao động lâu năm, ông quen biết nhiều người lao động rút tiền BHXH một lần, từ thời điểm Nhà nước cho công nhân mất sức nghỉ hưu sớm nhận chế độ trợ cấp một lần vào năm 1993.

Ông Nho nhớ lại: "Thời điểm đó, nhận một lúc mấy chục triệu lớn lắm, ai cũng nghĩ nhận tiền "một cục" rồi chia cho con cháu làm ăn, sau này mình già thì có con chăm lo lại cho mình. Nhưng thực tế giờ nhiều người nhận chế độ một lần khi đó khổ lắm, già không còn sức làm việc kiếm tiền để tiêu, sống phải lựa, phải lụy, nhìn mặt con cháu, vui thì nó cho, không thì thôi".

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH PouYuen Việt Nam, tâm niệm: "Về già có lương hưu sống đàng hoàng, tự mình có tiền để tiêu, không phải phiền lụy con cháu, khi chết có tiền mai táng, không phải nhờ cậy ai, ra đi thanh thản".

Là người thụ hưởng lương hưu, bà Thơ (tên nhân vật đã thay đổi, cán bộ quản lý một trường trung học cơ sở về hưu), chia sẻ: "Nếu không có lương hưu chắc bà cháu tôi đã phải ra đường sống".

Bị con đuổi khỏi nhà, cụ bà nuôi được cháu nhờ có lương hưu - 1

Không có lương hưu, nhiều người già phải lao động vất vả để kiếm sống (Ảnh minh họa: Hải Long).

Khi về hưu, bà Thơ sống cùng con trai lớn ở quận 9 (cũ, nay là thành phố Thủ Đức). Cách đây vài năm, vợ chồng con trai út của bà Thơ ly hôn, anh này bỏ đi nơi khác sinh sống, không liên lạc với gia đình, để lại con gái đang tuổi ăn học cho bà nuôi.

Hiện bà cháu bà Thơ sống khá sung túc với lương hưu hơn 7 triệu đồng.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, đất quận 9 tăng nhanh, căn nhà nhỏ của bà có người hỏi mua với giá 5 tỷ đồng. Con trai lớn khuyên bà bán đi, mua lại một căn nhà trong hẻm nhỏ ở quận Thủ Đức với giá 3 tỷ đồng, còn 2 tỷ đồng gửi tiết kiệm lấy lãi hằng tháng làm tiền dưỡng già.

Nghe lời con, bà Thơ bán nhà cũ, mua nhà mới cho con trai đứng tên. Sau đợt dịch, kinh tế khó khăn, con trai bà mượn của mẹ 1 tỷ đồng để mua xe ô tô chạy Grab. Mua xe xong thì taxi công nghệ thoái trào, ế khách, con trai bà lại mượn 1 tỷ đồng còn lại của mẹ để kinh doanh.

Thương con, bà Thơ rút số tiền dưỡng già cuối cùng cho con mượn. Nhưng khác với hứa hẹn, con trai bà dùng số tiền này cho vay nặng lãi, bị người vay giật nợ, bỏ trốn, mất cả vốn lẫn lãi.

Giận con, bà Thơ đòi lại tiền thì vợ chồng con trai lớn tiếng với bà. Đỉnh điểm, có lần cãi nhau, con trai bà quát: "Mẹ không thích ở nhà này thì đi nơi khác mà ở, nhà này là của con".

Không chịu nổi cuộc sống ngột ngạt như vậy, bà Thơ dẫn cháu nội (con gái của người con út) rời nhà, đi thuê phòng trọ ở hơn 1 năm nay. Nhờ có lương hưu, bà có thể trả tiền thuê trọ và mắm muối qua ngày nuôi cháu nội ăn học. Nếu không còn khoản lương hưu, bà cháu bà Thơ không biết phải sống thế nào.

Theo BHXH Việt Nam, việc nhận BHXH một lần là "lợi trước mắt, hại lâu dài", không đảm bảo an ninh thu nhập cho người lao động khi về già.

Người đóng BHXH cho đến khi về hưu được hưởng nhiều quyền lợi như: Nhận lương hưu hằng tháng, định kỳ được điều chỉnh tăng lên; được cấp thẻ BHYT miễn phí cho đến khi chết với quyền lợi hưởng 95% (mức hưởng BHYT hộ gia đình là 80%); khi qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất (bao gồm: mai táng phí, trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần).