1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Vì sao không công nhận liệt sỹ với 98 người tử nạn do sập cống thủy nông?

Hoàng Lam

(Dân trí) - 21.000 người đã được huy động để mở rộng, khai thông cống Hiệp Hòa tại Đô Lương, Nghệ An năm 1977. 98 người trong số đó đã tử nạn tại công trình do một vụ sạt lở...

Buổi trưa định mệnh trên công trường thủy nông

Cống Hiệp Hòa (thôn Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, Đô Lương, Nghệ An) thuộc hệ thống nông giang bắc Nghệ An, có nhiệm vụ dẫn nước từ sông Lam ở bara Đô Lương, tưới tiêu cho các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu. Công trình khởi công vào năm 1934 và cơ bản hoàn thành vào năm 1937, được đánh giá là công trình có kỹ thuật phức tạp.

Công trình này cũng ghi dấu ấn đặc biệt của Hoàng thân Xuvanuvông - kỹ sư cầu đường đầu tiên của Đông Dương, tham gia nghiệm thu kỹ thuật và chỉ huy vận hành, khai thác.

Vì sao không công nhận liệt sỹ với 98 người tử nạn do sập cống thủy nông? - 1

Công trình cống Hiệp Hòa, nơi xảy ra vụ tai nạn sạt lở khiến 98 người tử vong (Ảnh: N.T).

Trong suốt nhiều thập kỷ, hệ thống thủy lợi này đã giải quyết vấn đề nước tưới cho các địa phương được xem là vựa lúa Nghệ An. Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, trước yêu cầu nâng lưu lượng nước tưới phục vụ sản xuất, năm 1977, tỉnh Nghệ An đã huy động 21.000 người của 7 huyện cùng sự hỗ trợ của Sư đoàn 337 - Quân khu 4 mở rộng, nâng cấp công trình đại thủy nông này.

Khi công trình gần hoàn thành thì trưa ngày 3/1/1978, cống sập, kéo theo một lượng đất đá khổng lồ đổ ập xuống. Phải mất 3 ngày đào bới bùn đất, các cơ quan chức năng mới tìm thấy 98 thi thể, hầu hết họ còn rất trẻ, có người vừa bước qua tuổi 17...

Trong số thanh niên tử nạn khi thi công công trình thủy lợi này thì có tới 94 người thuộc Tổng đội Thanh Chương, nhiều nhất là ở xã Cát Văn (37 người), Phong Thịnh (18 người), Thanh Liên (11 người)...

Vì sao không công nhận liệt sỹ với 98 người tử nạn do sập cống thủy nông? - 2

Công trình nông giang này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của 4 huyện được xem là "vựa lúa" của tỉnh Nghệ An (Ảnh: K.H).

Năm 1979, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh truy tặng Bằng Ghi công đối với 98 người tử nạn tại cống Hiệp Hòa. Ngoài ra, tỉnh trợ cấp hàng tháng cho thân nhân người tử nạn 6kg gạo. Năm 2001, mức trợ cấp đối với thân nhân những người tử nạn đã được nâng lên bằng mức trợ cấp xã hội hiện hành.

Xây bia tưởng niệm người tử nạn

Gần 45 năm qua, thân nhân những người tử nạn tại công trình thi công cống Hiệp Hòa vẫn mong có sự ghi nhận cao hơn đối với đóng góp, hi sinh của con, em mình đối với công trình thủy lợi quan trọng này.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVII mới đây, cử tri xã Cát Văn (huyện Thanh Chương), nơi có số người bị tử nạn nhiều nhất, đề nghị các cơ quan chức năng công nhận liệt sỹ đối với 98 người tử nạn tại cống Hiệp Hòa, tăng mức phụ cấp cho thân nhân người tử nạn và xây dựng bia tưởng niệm những người đã mãi mãi nằm xuống khi thực hiện công trình này.

Vì sao không công nhận liệt sỹ với 98 người tử nạn do sập cống thủy nông? - 3

Năm 1979, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) đã ghi công những thanh niên "đã hi sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô - viết Nghệ Tĩnh" tại cống Hiệp Hòa (Ảnh: Anh Đặng).

Về đề nghị công nhận liệt sỹ đối với 98 người tử nạn tại cống Hiệp Hòa, UBND tỉnh Nghệ An cho biết, căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì những người bị chết do tai nạn tại cống Hiệp Hòa không thuộc các trường hợp để xem xét công nhận liệt sỹ.

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 71, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (thay thế Nghị định số 31/2013) quy định: "Không áp dụng xem xét công nhận đối với những trường hợp sau: Chết từ ngày 31/12/1994 trở về trước, đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện công nhận liệt sỹ hoặc đã báo tử theo chế độ tử sỹ hoặc quân nhân từ trần, tai nạn lao động".

98 người tử nạn tại cống Hiệp Hòa là thanh niên tham gia khai thông hệ thống sông đào sau chiến tranh, tử nạn do tai nạn cống sập đất đá vùi lấp, đã được UBND tỉnh giải quyết theo Quyết định số 202-CP ngày 31/10/1979 của Hội đồng Chính phủ về việc tạm thời quy định cụ thể một số chế độ đãi ngộ đối với đội thủy lợi trong hợp tác xã nông nghiệp cho thân nhân chủ yếu của người tử nạn, vì vậy không thuộc các trường hợp hi sinh để xác nhận liệt sỹ theo quy định.

Vì sao không công nhận liệt sỹ với 98 người tử nạn do sập cống thủy nông? - 4

Tỉnh Nghệ An sẽ xây dựng bia tưởng niệm các nạn nhân của vụ sập cống Hiệp Hòa năm 1978 (Ảnh: K.H).

Hiện có 32 người là thân nhân của 98 người tử nạn tại cống Hiệp Hòa đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, mức trợ cấp là 540.000 đồng/người/tháng (trước đó là 360.000 đồng/người/tháng).

Ngày 5/6/2018, Tỉnh ủy Nghệ An đã có công văn đồng ý chủ trương xây dựng bia chứng tích công trình cống Hiệp Hòa năm 1978. Đến cuối năm 2021, UBND tỉnh có công văn về việc tổ chức xây dựng hạng mục bia tưởng niệm cống Hiệp Hòa, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các Sở, ban ngành, đoàn thể liên quan để tham mưu thực hiện. Hiện nay, vấn đề này Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện việc xây dựng bia tưởng niệm.