Vì sao có người nhận lương hưu thấp hơn lương cơ sở?
(Dân trí) - Theo quy định, lương hưu tối thiểu của người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng lương cơ sở. Tuy nhiên, lương hưu của bà Tú hiện là 2.070.000 đồng/tháng, thấp hơn lương cơ sở.
Bà Lê Thị Tú sinh năm 1961, về hưu từ ngày 1/1/2018 với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.
Thời điểm nghỉ hưu, bà Tú được hưởng mức lương hưu bằng 55% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Mức lương hưu của bà thấp hơn lương cơ sở thời điểm đó nên được điều chỉnh tăng lên bằng lương cơ sở là 1.300.000 triệu đồng.
Qua quá trình tăng lương cơ sở, tại thời điểm tháng 6/2024, bà Tú hưởng lương hưu là 1.800.000 đồng/tháng.
Đến tháng 7/2024, lương hưu của bà Tú tăng thêm 15% so với lương hưu tháng 6/2024, lên mức 2.070.000 đồng/tháng.
Bà Tú thắc mắc: "Cho tôi hỏi diễn biến lương hưu của tôi như vậy có đúng không? Tại sao tôi không được hưởng mức lương hưu 2.340.000 đồng/tháng mà chỉ được hưởng mức 2.070.000 đồng/tháng?".
Theo bà Tú, đáng lẽ bà phải được hưởng mức lương thấp nhất của người tham gia BHXH bắt buộc là bằng lương cơ sở, tức là 2.340.000 đồng/tháng theo quy định của Luật BHXH năm 2014.
Theo BHXH Việt Nam, trường hợp của bà Tú đã được giải quyết chế độ hưu trí vào ngày 25/1/2018 với tổng lương hưu hằng tháng là 1.300.000 đồng. Trong đó, lương hưu hằng tháng của bà Tú là 748.266 đồng, mức bù để bằng mức lương cơ sở là 551.734 đồng. Thời gian hưởng chế độ hưu trí được tính từ ngày 1/1/2018.
Lương hưu của bà Tú thời điểm này được giải quyết theo 2 căn cứ là Luật BHXH năm 2014 và Nghị định số 153/2018/NĐ-CP (quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng).
Theo Khoản 5 Điều 56 Luật BHXH năm 2014, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở.
Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 153/2018/NĐ-CP, mức điều chỉnh lương hưu của bà Tú (đóng BHXH bắt buộc 20 năm, nghỉ hưu vào năm 2018) là 7,27%. Mức lương hưu làm căn cứ để điều chỉnh là mức lương thực tính (chưa được bù bằng lương cơ sở).
Mức lương hưu thực tính tại thời điểm tháng 1/2018 của bà Tú là 748.266 đồng/tháng. Sau khi điều chỉnh theo Nghị định số 153/2018/NĐ-CP, mức điều chỉnh lương hưu của bà Tú được tính bằng cách lấy 748.266 đồng/tháng nhân với 7,27%, bằng 54.399 đồng. Như vậy, tổng lương hưu sau khi điều chỉnh là 802.665 đồng/tháng.
Mức lương hưu trên thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm tháng 1/2018 (1.300.000 đồng). Do đó, lương hưu của bà Tú được bù thêm 497.335 đồng/tháng để bằng lương cơ sở (1.300.000 đồng/tháng) theo quy định tại Khoản 5 Điều 56 Luật BHXH năm 2014.
Lần điều chỉnh tăng lương gần nhất là từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định số 75/2024/NĐ-CP. Theo đó, mức điều chỉnh tăng thêm là 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024.
Từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2024, lương hưu của bà Tú đã được điều chỉnh nhiều lần và mức hưởng tại tháng 6/2024 là 1.800.000 đồng/tháng. Căn cứ theo Nghị định số 75/2024/NĐ-CP, lương hưu của bà từ tháng 7/2024 được tăng thêm 15% so với tháng 6/2024, tức là 2.070.000 đồng/tháng.
Theo BHXH Việt Nam, quy định tính mức hưởng chế độ hưu trí hằng tháng được bù thêm để bằng mức lương cơ sở chỉ áp dụng tính tại thời điểm bà Tú bắt đầu hưởng chế độ hưu trí (tức là tháng 1/2018).
Đối với những lần điều chỉnh tăng lương sau đó sẽ căn cứ theo quyết định điều chỉnh của Chính phủ, không được tính theo quy định lương thấp nhất phải bằng mức lương cơ sở.