1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

"Về lâu dài, vấn đề rút BHXH một lần cần được thắt chặt lại..."

(Dân trí) - Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, bên cạnh việc nghiên cứu giảm thời gian đóng BHXH để lao động tiếp cận lương hưu, vẫn cần khuyến khích người lao động tích lũy nhiều hơn.

Về lâu dài, vấn đề rút BHXH một lần cần được thắt chặt lại... - 1

Ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: H.M).

Liên quan tới đề nghị giảm số năm đóng BHXH trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chuyên gia về lĩnh vực BHXH.

Thưa ông, câu chuyện về các mức đóng BHXH đã từng được thay đổi ra sao trong thời gian trước đây?

- Trước năm 2014, pháp luật BHXH từng quy định mức đóng tối thiểu để có thể nhận lương hưu là 15 năm, sau đó tăng dần mỗi năm 2% với nam giới và 3% với nữ giới cho đến tối đa 75%. Thế nhưng, tại thời điểm đó, nếu áp dụng công thức tính này dẫn đến việc mất cân đối khi mức hưởng sẽ cao hơn mức đóng.

Từ việc mất cân đối đó, mức đóng BHXH đã được tăng dần từ năm 2006. Từ khi có Luật BHXH năm 2014 đến nay, người sử dụng lao động được quy định đóng là 14%, người lao động đóng 8% tiền lương cho BHXH. Đồng thời, để cân bằng lại mức đóng - hưởng, thời gian đóng cũng được tăng từ 15 năm lên 20 năm với mức hưởng 45%.

Ông đánh giá thế nào về tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần như hiện nay?

- Theo tôi, việc chưa đủ năm đóng BHXH để nhận lương hưu dẫn đến tình trạng rút BHXH một lần. Ngoài ra, thị trường lao động của nước ta đang nằm trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều lao động thiếu, không có việc làm.

Trong khi đó, hỗ trợ về an sinh của nhà nước và doanh nghiệp lại có chừng mực nên người lao động lựa chọn giải pháp rút BHXH một lần để trang trải cho cuộc sống.

Tôi cho rằng, còn một lý do nữa khiến người lao động ồ ạt đi rút BHXH một lần. Đó là trong thời gian qua là do họ chưa nắm rõ được chính sách về BHXH. Người lao động chưa thấy và hiểu được những ích của việc có lương hưu khi về già.

Về lâu dài, vấn đề rút BHXH một lần cần được thắt chặt lại... - 2

Việc điều chỉnh thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới 10 là giải pháp để khắc phục những vấn đề dẫn đến việc rút BHXH một lần.

Vậy hệ quả của việc ồ ạt rút BHXH một lần là gì và cách có thể khắc phục ra sao, thưa ông?

- Việc rút BHXH một lần là không đúng với tôn chỉ, mục đích của bảo hiểm hưu trí là người lao động phải được hưởng lương hưu hàng tháng để đảm bảo mức sống tối thiểu khi về già.

Thu nhập còn eo hẹp nên nhu cầu trước mắt khiến người lao động sử dụng hết   số tiền BHXH rút một lần, khi về già không còn khả năng lao động lại không có tích lũy sẽ trở thành gánh nặng của nền an sinh xã hội.

Trên thực tế có rất nhiều lao động tham gia đóng BHXH khi đã lớn tuổi. Đóng BHXH 10 năm, 15 năm, lao động đã phải về hưu mà chưa đạt mức quy định của Luật BHXH năm 2014 là đóng tối thiểu 20 năm.

Việc giảm số năm đóng BHXH là để giúp nhóm đối tượng này có lương hưu khi về già thay vì phải rút BHXH một lần, bảo đảm cho người lao động khi nghỉ hưu hàng tháng có một khoản tiền để trang trải cho cuộc sống. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông về nhận thức của người dân về quỹ BHXH.

Về lâu dài, vấn đề rút BHXH một lần cũng cần được thắt chặt lại. Trước đây, chúng tôi cũng đã đề xuất hạn chế rút BHXH một lần vào năm 2014 nhưng nhận được nhiều phản ứng của công nhân lao động một số nơi nên tạm thời dừng lại

Nhiều người lao động ủng hộ việc đóng bảo hiểm xã hội 10 năm hoặc 15 năm theo như dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH, vậy ý kiến của ông như thế nào?

- Việc điều chỉnh thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới 10 là giải pháp để khắc phục những vấn đề dẫn đến việc rút BHXH một lần. Thời gian đóng BHXH ngắn để có thể nhận lương hưu khiến người lao động hứng thú tham gia và không bị nản lòng và phù hợp với thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay.

Thực tế, việc điều chỉnh giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm, hướng tới 10 năm sẽ dẫn tới việc mức hưởng cũng sẽ phải giảm theo. Bản chất của BHXH là lấy số tiền tích lũy được để hưởng hàng tháng khi về già, không còn khả năng lao động. Bởi vậy, chúng ta cần phải khuyến khích người lao động tích lũy lâu dài thậm chí là 35-40 năm.

Tôi cho rằng, để đảm bảo cân bằng quỹ BHXH khi giảm thời gian đóng xuống 15 năm hướng tới 10 năm, dự thảo cần hạ mức sàn đóng BHXH xuống để người lao động dễ tiếp cận hơn với lương hưu, sau đó sẽ được cộng thêm mức tích lũy hoặc giữ mức sàn tối thiểu như hiện nay và xử lý linh hoạt hơn cho một số đối tượng ở mức thấp hơn.

 Xin cảm ơn ông