1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng:

"Vào Lăng viếng Bác xong, tôi sẽ tiếp tục đi Quảng Ngãi tìm mộ đồng đội..."

(Dân trí) - Dưới tiết trời se lạnh, 400 cá nhân là tấm gương sáng thầm lặng cùng lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH biểu trong trang phục chỉnh tề, xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt vào viếng Bác với nhiều cung bậc cảm xúc.

Vào Lăng viếng Bác xong, tôi sẽ tiếp tục đi Quảng Ngãi tìm mộ đồng đội... - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng và Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà dẫn đầu đoàn đại biểu vào viếng Lăng Bác (Ảnh: Hữu Nghị).

Sáng 28/11, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cùng 400 cá nhân được tôn vinh là tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" tại Hà Nội từ ngày 27 và 28/11/2020, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Từ 7h30 sáng, tại khu vực quảng trường, đoàn đại biểu trong trang phục chỉnh tề, xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt vào viếng Bác.

Vào Lăng viếng Bác xong, tôi sẽ tiếp tục đi Quảng Ngãi tìm mộ đồng đội... - 2

Nhiều đại biểu dù là người khuyết tật nhưng có nhiều đóng góp tiêu biểu cho cộng đồng (Ảnh: Hữu Nghị).

Chia sẻ cảm xúc với PV Dân trí sau khi vừa bước ra khỏi Lăng, ông Cao Việt Đức (SN 1955, Phó Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Đặc công huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) không giấu nổi niềm xúc động vì từ khi rời chiến trường trở về quê hương, đây là lần đầu tiên tới thăm Lăng Bác.

"Từ khi đất nước được giải phóng và trở về, cho đến nay, đây là lần đầu tiên tôi mới có dịp đến Lăng Bác. Tôi vô cùng xúc động và tự hào" - người cựu chiến binh chia sẻ.

Vào Lăng viếng Bác xong, tôi sẽ tiếp tục đi Quảng Ngãi tìm mộ đồng đội... - 3

Ông Cao Việt Đức (SN 1955, Phó Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Đặc công huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) không giấu nổi niềm xúc động vì từ khi rời chiến trường trở về quê hương, đây là lần đầu tiên có cơ hội nhìn thấy Người khi Người đã ra đi (Ảnh: Nguyễn Bắc).

Trước sự ghi nhận của Nhà nước về sự đóng góp thầm lặng suốt 21 năm vừa qua trong hành trình tìm kiếm thông tin, phần mộ liệt sĩ toàn quân, ông Đức khẳng định sẽ tiếp tục hành trình này. Ngay trong sáng mai, ông sẽ vào Quảng Ngãi để tìm kiếm những người đồng đội còn nằm lại ở chiến trường.

Là quân nhân về hưu, ông Đức cho biết bất kể là ai, từ chiến trường trở về đều có tâm trạng ăn sâu trong cõi lòng vì còn nhiều đồng đội đã hi sinh nhưng hài cốt chưa được trở về với gia đình.

"Hôm nay, tôi vinh dự được là một trong 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng, đến thăm Bác chính là do sự tin tưởng, giúp đỡ từ các đơn vị trong quân đội. Họ đã tin tưởng, tạo điều kiện để tôi tìm kiếm đồng đội. Xin được gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan, đơn vị của quân đội" - ông Đức bày tỏ.

Vào Lăng viếng Bác xong, tôi sẽ tiếp tục đi Quảng Ngãi tìm mộ đồng đội... - 4

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Hoa (SN 1963, là Giám đốc Trung tâm, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), Thích nữ Huệ Tuyến - Trụ trì Chùa Lâm Quang (Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam) cùng các đại biểu đứng chụp ảnh lưu niệm trong Khu di tích Phủ Chủ tịch (Ảnh: Nguyễn Trường).

Cùng hòa vào dòng người tham quan nhà sàn, vườn cây, ao cá trong Khu di tích Phủ Chủ tịch, bà Nguyễn Thị Kim Hoa (SN 1963, là Giám đốc Trung tâm, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) chia sẻ đã nhiều lần đến thăm Bác, mỗi lần đến thăm đều có một ý nghĩa khác nhau.

"Sự kiện lần này rất là đặc thù. Cảm thấy xúc động, tự hào bản thân đã đóng góp một phần nhỏ vào sự nghiệp an sinh xã hội. Nay tôi vào Lăng để báo công với Bác nên đã đeo huy chương trên người" - bà Hoa chia sẻ.

Cùng chung cảm xúc, cô Lê Ngọc Lịch (SN 1964, Thích nữ Huệ Tuyến - Trụ trì Chùa Lâm Quang, đại biểu của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam) bày tỏ, các hoạt động thiện nguyện đã và tiếp tục làm đều xuất phát từ cái tâm của mình.

Vào Lăng viếng Bác xong, tôi sẽ tiếp tục đi Quảng Ngãi tìm mộ đồng đội... - 5

Sư cô Tuệ Tánh (40 tuổi, ở Kiên Giang), thuộc Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang. (Ảnh: Trần Thanh)

Cũng xuất hiện tại khuôn viên Lăng Bác, sư cô Tuệ Tánh (40 tuổi, tỉnh Kiên Giang), thuộc Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang cho biết, bản thân rất xúc động khi vinh dự nằm trong danh sách 400 cá nhân được tôn vinh tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng.

"Trung tâm của chúng tôi đang nuôi dạy 90 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều trường hợp bị khuyết tật bẩm sinh, bại não đang được các sư cô chăm sóc. Trung tâm chỉ có 14 người tham gia làm việc, chăm sóc các em nhỏ này, tuy nhiên mọi người đều cố gắng hết sức, để các em nhỏ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn" - sư cô Tuệ Tánh chia sẻ.

Lần đầu tiên được đến viếng Bác và tham quan Khu di tích, bà Nguyễn Thị Hồng (52 tuổi, tỉnh Đồng Nai; Chủ cơ sở trợ giúp xã hội Hòa Hảo) không giấu nổi sự xúc động, niềm vui và tự hào vì bản thân đã đóng góp một phần nhỏ bé cho công tác xã hội.

Vào Lăng viếng Bác xong, tôi sẽ tiếp tục đi Quảng Ngãi tìm mộ đồng đội... - 6

Các đại biểu tham quan Khu di tích Phủ Chủ tịch (Ảnh: Hữu Nghị).

"Cơ sở trợ giúp xã hội Hòa Hảo hiện đang giúp đỡ và là nơi cưu mang 76 người già leo đơn, từ khắp các địa phương trong tỉnh. Có những cụ tuổi đã trên 90, hiện đang được chăm sóc tận tình tại đây. Ngoài ra cơ sở của chúng tôi còn nhận giúp đỡ cả các em nhỏ bị khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, để giúp các em trưởng thành và có một cuộc sống tốt hơn" - bà Hồng nói.

Cũng trong sáng nay, ngoài hoạt động tham quan nhà sàn, vườn cây, ao cá trong Khu di tích Phủ, các cá nhân đã ghé thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch, 15h chiều nay (28/11), 400 đại biểu sẽ dự Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng", do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).