(Dân trí) - Chiều cuối tháng 4, sau cuộc điện thoại của chủ sạp rau gọi phụ bán, anh Thạch Hiếu mừng rỡ phóng vội ra chợ sau 2 tuần thất nghiệp, ngồi bó gối trong căn trọ 15m2 cùng bốn đứa con.
Uống thuốc bỏ thai bất thành, vợ chồng miền Tây cắn răng để 4 con thất học
(Dân trí) - Chiều cuối tháng 4, sau cuộc điện thoại của chủ sạp rau gọi phụ bán, anh Thạch Hiếu mừng rỡ phóng vội ra chợ sau 2 tuần thất nghiệp ngồi bó gối trong căn trọ 15m2 cùng 4 đứa con.
Nay đây mai đó ở Sài Gòn
Anh Hiếu nổ máy, rú ga chiếc xe Wave vỏ bể nát, là tài sản quý giá nhất mà vợ chồng anh có được kể từ ngày lấy nhau 13 năm về trước. Ra đến chợ Cây Xoài trên đường Nguyễn Thị Định, TP Thủ Đức, dù chưa tới sạp rau nhưng anh đã phải nhấn phanh trước một đoạn cả chục mét, tiếng kêu "kít"… kéo một hồi dài giữa chợ.
Ông chủ sạp có việc phải đi, dặn vội anh Hiếu giá thành từng món. Vào giờ tan tầm, lắm lúc 3-4 khách ghé mua một lượt khiến anh lúng túng vì chưa nhớ hết lời chủ, phải cầu cứu bạn hàng xung quanh tính tiền giúp. Sau một buổi bán rau thuê đến hơn 10 giờ tối, anh Hiếu được chủ trả 120 nghìn đồng. Đó là số "tiền tươi" duy nhất vợ chồng anh kiếm được sau gần 3 tuần thất nghiệp.
"Còn tiền nhà trọ, tiền chuộc 2 cái điện thoại, tiền trả góp món nợ vay từ hồi dịch Covid-19 năm ngoái chưa trả xong và cả tiền mua rau, gạo nợ…", anh Hiếu liệt kê một tràng dài các khoản "đang thúc vào lưng".
Cũng chính vì cuộc sống khó khăn như thế, nên 4 đứa con của anh, lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi vẫn chưa được đến trường.
Anh Hiếu, 38 tuổi là người Khơ me, quê ở Kiên Giang. Trong một lần sang Hậu Giang cắt lúa thuê, anh quen chị Kim Anh, 31 tuổi rồi nên duyên vợ chồng. Cha Hiếu mất sớm, nhà anh em đông nên anh không đi học. Chị Kim Anh hồi nhỏ đi chăn trâu, lớn lên thì lấy chồng. Cưới nhau về, việc hiếm, tiền công cũng ít, hai người dắt nhau lên Sài Gòn.
Anh Hiếu không biết chữ, chị Kim Anh thì đánh vần rất chậm, họ khó xin một chân công nhân như nhiều người trẻ cùng quê lên Sài Gòn khác. Sau thời gian làm thuê đủ nghề, vợ chồng anh quyết định gắn bó với những công trường xây dựng, chồng làm thợ hồ, vợ theo phụ, ngày ngày đi về cùng nhau.
13 năm nay, anh chị di chuyển nhiều chỗ ở. 4 đứa con lần lượt ra đời ở 4 nơi: đứa Đồng Nai, đứa quận 7, Thủ Đức, rồi cậu út lại chào đời ở quận Bình Tân. Vì theo công trình, nên cứ vài tháng họ lại chuyển trọ một lần, đem theo các con.
Khi sinh đứa thứ 3, chị Kim Anh gửi hai con lớn về quê cho ông bà ngoại chăm rồi đi làm gửi tiền về nuôi con. Vì thế, đứa con lớn Thạch Hải, 13 tuổi được học đến lớn 2, còn đứa kế Thạch Nhớ học được lớp 1.
"Mấy nhỏ học năm nào cũng có giấy khen, nhưng về ở quê không được thương, xót con chồng tôi chạy xe máy từ Sài Gòn về dưới đón con lên trong đêm. Riêng tôi thì hơn chục năm nay đã không về quê", chị Kim Anh nghẹn giọng, kể về gia cảnh không may mắn của mình.
Vì phải ở nhà chăm con nhỏ nên gánh nặng kinh tế phụ thuộc mỗi vào đồng lương hơn 300 nghìn đồng/ngày của anh Hiếu. Tuy nhiên, không phải ngày nào anh cũng có việc.
Từng bỏ con vì quá nghèo
3 năm trước, khi đang theo công trình ở quận Bình Tân, chị Kim Anh phát hiện mình mang bầu đứa con thứ 4. Đi siêu âm, bác sĩ bảo con đã gần 2 tháng. Lo sợ đẻ thêm sẽ không đủ sức nuôi ăn, chưa kể 3 đứa lớn đều chưa được đến trường, vợ chồng anh quyết định phá thai.
"Nhưng đứa trẻ mạng lớn, vẫn ở lại với tôi nên bác sĩ dặn phải tịnh dưỡng để giữ. Con được 6 tháng tôi mới đi siêu âm, nghe nói con lành lặn mà tôi rớt nước mắt, cảm ơn trời!", chị Kim Anh xúc động kể.
Thế rồi cậu út Thạch Sang cũng chào đời vào một buổi trưa, lúc chị Kim Anh vừa đi phụ hồ về thì lên cơn đau đẻ. Vào bệnh viện, vợ chồng không có tiền đóng viện phí nên được một bác sĩ chạy hỏi xin đồng nghiệp và bệnh nhân để đóng giúp. Vị bác sĩ đó cũng là người đỡ đẻ cho chị Kim Anh.
"Sinh con xong, ông ấy xin nhận làm con nuôi nhưng tôi không chịu. Con mình, mình nuôi, nghèo khổ mấy cũng sẽ cố gắng nuôi con lớn chứ không bỏ nữa", anh Thạch Hiếu tay quệt nước mắt, hồi tưởng.
Không có tiền để xin cho cả 4 con cùng đi học, lúc làm ở Bình Tân, anh Hiếu cũng chịu khó cho hai đứa lớn theo một lớp tình thương ở quận 11. Ngày ngày, 3 cha con thức dậy từ 5 giờ sáng, đi quãng đường gần 45 phút để đến trường. Con vào lớp, anh tức tốc quay đầu chạy đến công trường.
Lớp học kết thúc vào buổi trưa, người cha thường phải xin nghỉ sớm để kịp đón con nên ảnh hưởng đến công việc. Có hôm ngại chủ, anh Hiếu ráng làm, để 2 con chờ trước cổng trường. Được hơn 2 tháng, nghe tin có nhiều vụ bắt cóc trẻ em, vợ chồng anh bàn nhau cho con nghỉ học, hứa với lòng khi nào có điều kiện sẽ quay lại.
Từ đó, anh hai Thạch Hải đảm nhiệm việc chăm 3 em nhỏ, nấu cơm cho em ăn và giặt đồ để cha mẹ đi làm. Hai vợ chồng cùng kiếm tiền, không dư giả nhưng cũng đủ cho gia đình 6 người thuê trọ sống ở Sài Gòn. Những tưởng cuộc sống sẽ khá hơn thì dịch Covid-19 ập đến khiến anh chị thất nghiệp suốt nhiều tháng liền.
Từ tháng 6 năm ngoái, anh Hiếu đã phải vay nợ chủ thầu để đóng trọ và tiêu xài. Chưa kể, những tháng giãn cách xã hội, vì quá đói và không đồng xu dính túi, vợ chồng anh chị phải lén đi ra ruộng để bắt cá, bắt ốc hái rau dại về ăn. Sau dịch, trong khi chưa thể đi làm lại ổn định như trước thì khoản tiền nợ suốt mấy tháng đã lên đến hơn 15 triệu. Mấy tháng nay, vợ chồng anh đi làm trả góp dần, đến giờ cũng còn nợ lại 5 triệu đồng.
"Vợ chồng tôi tuy từ trước đến giờ không khá, nhưng chưa từng thiếu nợ ai cho đến khi có dịch bệnh", anh Hiếu nói.
Chưa kể, những người chung dãy trọ phàn nàn các con của anh chị gây ồn ào trong xóm, nhắc chủ trọ đuổi khéo. Vậy là sau dịch, không tiền, không việc làm, gia đình 6 người đèo nhau trên chiếc xe wave cà tàng dạt về vòng xoay Mỹ Thủy, đoạn gần phà Cát Lái, TP Thủ Đức mướn trọ.
Thấy nhiều chỗ cho thuê nhưng không dám vào hỏi, vì chỗ nào cũng đòi cọc trước. May mắn, vợ chồng anh chị gặp bà chủ chấp nhận không đóng cọc, lại cho thuê giá rẻ nên quyết định dọn vào.
Bà Huỳnh Thị Tám, 60 tuổi, chủ dãy trọ nơi anh Hiếu thuê cho biết: Gia đình anh là đông con và khó khăn nhất dãy trọ. Dù không phải đóng cọc, nhưng mấy tháng nay cứ vài ngày họ lại góp vài trăm nghìn, không có đủ 2,5 triệu đồng trả tiền nhà một lần. Bà Tám kể, anh Hiếu rất siêng năng, thất nghiệp thì đi bắt cá hái rau về để dành ăn, bắt được nhiều thì cho hàng xóm chứ không bán, sống chan hòa nên ai cũng thương.
"Tôi thấy tụi nhỏ không được đi học rất xót nhưng không biết làm cách nào để giúp cả. Mấy bữa thất nghiệp cũng nóng ruột, nhưng mấy nay có người thuê bán rau vậy tôi cũng mừng", bà Tám cho biết.
Ước mơ các con biết đánh vần
Ở dãy trọ hầu hết là dân tứ xứ vào Sài Gòn làm mướn, cùng chung cảnh khổ, lần đầu tiên trong suốt 13 năm, chị Kim Anh chỉ muốn ở một chỗ để lập nghiệp, không muốn dạt theo công trình mang các con đi như trước nữa. Xa hơn, chị mong có chỗ ở cố định thế này, vợ chồng chị sẽ hỏi xin trường tình thương cho con học, thay vì nay đây mai đó cùng cha mẹ.
Bà Lý Thị Sò Lịnh, 62 tuổi hàng xóm mới của vợ chồng anh Hiếu bảo: "Mấy đứa trẻ con anh này rất ngoan, lễ phép, thằng anh lớn trông em còn phụ mẹ làm hết việc nhà. Hàng xóm ai có ở nhà cũng trông chừng giúp, nhắc nhở không được chạy ra đường, có gì ăn cũng mang qua".
3 tuần trước, chủ thầu thông báo có công trình ở Vũng Tàu, gọi anh chị đi làm. Nhưng vì không muốn mang con theo chịu cảnh ngủ lán không điện, không nước sạch, vợ chồng anh từ chối, bảo lúc nào có việc ở Sài Gòn sẽ đi làm lại. Hơn nữa, gia đình đi đâu cũng có nhau, anh Hiếu không nỡ rời vợ con, quyết định ở lại tìm việc khác. Trong khi chưa có việc, họ buộc phải cầm điện thoại để đóng tiền nhà trọ. Trước đó, họ cũng mua thiếu rau củ, gạo hơn triệu bạc đến nay chưa trả.
Cuộc sống vốn khó khăn, nay lại thêm chật vật vì không có tiền, vợ chồng anh cứ nghĩ đến giấc mơ cho con đi học rồi lại nhủ lòng "chờ lúc nào có điều kiện". Nhưng một mặt đông con, một mặt kinh tế eo hẹp nên ước mơ đó đến nay vẫn bỏ ngỏ.
Thạch Hải học hết lớp 2, cũng có thể đánh vần, viết chữ nhưng không biết cách dạy cho 3 đứa em. Cậu út Thạch Sang thì mê học, sang hàng xóm nghe lỏm đám trẻ con đánh vần. Về nhà, cậu bé 3 tuổi lấy chiếc nón bảo hiểm của cha xuống, trên nón có mấy dòng chữ và hình con cá, tự đánh vần: "Cờ a ca… cá! Con cá của cha bắt được nè…". Nhìn cậu em, các anh chị lớn cười rúc rích, còn vợ chồng anh Hiếu thì buồn xo.
"Tôi ước mình biết nhiều chữ hơn để có thể dạy con đánh vần. Tôi muốn con được đi học để ít nhất chúng không phải khổ như tôi, nhưng giờ nghèo quá, đành chịu…", người cha trẻ bặm môi, nén một hơi thở dài, tâm sự.
Diệp Phan