TPHCM:
Ứng dụng giám sát chi tiền hỗ trợ sẽ phát hiện người không đủ điều kiện
(Dân trí) - Danh sách người dân thuộc diện hỗ trợ đợt 3, tiến độ chi trả sẽ được TPHCM cập nhật lên app SafeID Delivery. Dự kiến đến giữa tháng 10, hơn 7 triệu dân sẽ được nhận hỗ trợ mức một triệu đồng/người.
Chi trả tiền hỗ trợ 7,3 triệu người bằng "app"
Chiều 28/9, trao đổi với PV Dân trí, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, từ ngày 29/9, thành phố bắt đầu chi hỗ trợ đợt 3 bằng hình thức chi trả tiền mặt hoặc chuyển khoản cho người dân. Dự kiến đến ngày 15/10, việc chi trả sẽ hoàn tất với 7,3 triệu người hưởng thụ, kinh phí 7.347 tỷ đồng.
Trong đợt chi hỗ trợ đợt 3, TPHCM sẽ sử dụng phần mềm (App) có thể cài trên điện thoại di động. Ứng dụng có tên "SafeID Delivery" do Công ty TNHH MTV phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (Công ty QTSC) phát triển, để hỗ trợ chi trả. Việc sử dụng App SafeID Delivery sẽ đảm bảo việc hỗ trợ công khai, minh bạch, chống thất thoát.
"Tất cả danh sách sau khi hội đồng phường, xã xét duyệt xong sẽ đưa thông tin lên App. Cán bộ khi theo dõi App có thể thấy thông tin chi hỗ trợ từng người. Trong quá trình chi, nếu phát hiện sai sót có thể bổ sung. Việc này sẽ hạn chế thấp nhất việc trùng lặp đối tượng nhận hỗ trợ, tránh tình trạng trục lợi chính sách", ông Tấn chia sẻ.
Mỗi phường, xã sẽ được cấp một tài khoản để quản trị. Mỗi quận, huyện sẽ được cấp 2 tài khoản để theo dõi tiến độ chi trả và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện hỗ trợ đến từng người dân. Lãnh đạo xã, huyện cũng có thể kiểm tra tỉ lệ chi trả theo từng ngày tại từng địa phương.
App loại trừ người không đủ điều kiện như thế nào?
Theo ông Tấn, việc sử dụng app sẽ hỗ trợ việc chi trả nhanh, chính xác hơn việc rà soát hồ sơ truyền thống. Dữ liệu trên App cũng sẽ được đưa lên hệ thống "Di biến động dân cư" để sử dụng lâu dài. Người dân có thắc mắc về việc chi trả có thể phản hồi trực tiếp trên App hoặc phán ánh trực tiếp với UBND các phường, xã, thị trấn.
"Sau khi đối chiếu với danh sách từ BHXH thành phố chuyển qua, app sẽ giúp loại trừ ra những người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp, như: người đang hưởng lương hưu, đang tham gia bảo hiểm xã hội, người hưởng trợ cấp mất sức. Người dân có thể phản ánh về việc hỗ trợ trên App để cán bộ kiểm tra, nếu đúng sẽ chi ngay, nếu không đúng sẽ phản hồi", ông Tấn nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, mỗi phường xã sẽ có khoảng 40 cán bộ phụ trách việc chi trả. Mỗi nhóm có 2 cán bộ đến tận nhà người dân để chi trả. Khi người dân có nhu cầu chuyển khoản bằng hình thức không dùng tiền mặt, cán bộ sẽ ghi lại thông tin và tiến hành hỗ trợ.
Ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, cơ quan này đã cung cấp dữ liệu về 4 nhóm không thuộc diện hỗ trợ đợt 3, cho công ty QTSC để cập nhật lên app SafeID Delivery. Trong đó có khoảng 2 triệu lao động đang tham gia Bảo hiểm xã hội và trên 200.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động.
Từ dữ liệu này, các địa phương có thể đối chiếu để rà soát danh sách hỗ trợ chính xác hơn - ông Mến chia sẻ.
5 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ
- Thành viên hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn.
- Người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội tại xã, phường, thị trấn (bao gồm cả trường hợp đang cách ly tập trung, điều trị bệnh...).
- Những người phụ thuộc của người lao động hai nhóm nói trên. Cụ thể: Cha, mẹ, vợ, chồng, con cái ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt tại phường, xã, thị trấn tại thời điểm khảo sát, lập danh sách (bao gồm cả các trường hợp đang cách ly tập trung hoặc điều trị bệnh...).
- Cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ của người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia BHXH; người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8, nhưng có hoàn cảnh thật sự khó khăn.
- Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách và đang có mặt tại các phường, xã, thị trấn.