Từ vụ 3 con gái đốt nhà mẹ đẻ: "Tôi gửi link, nói mẹ hãy đọc đi!"

Hoài Nam

(Dân trí) - Trong vụ việc ba cô con gái ở Hưng Yên đốt nhà mẹ đẻ gây sửng sốt, lần lượt hai người con đã tử vong, người mẹ cũng không qua khỏi. Một gia đình tan nát với 3 đại tang, vì đâu nên nỗi?

Ngày 14/12, sau 1,5 tháng nằm viện điều trị bỏng, bà V.T.Đ., người mẹ trong vụ việc 3 cô con gái đổ xăng đốt mẹ đã tử vong. Trước đó, hai người con gái của bà Đ. đã "đi trước" trong thảm kịch gia đình.

Từ vụ 3 con gái đốt nhà mẹ đẻ: Tôi gửi link, nói mẹ hãy đọc đi! - 1

Ngôi nhà nơi xảy ra sự việc 3 cô con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên.

Không ai có thể hình dung nổi sự việc 3 cô con gái cùng mang can xăng đến tưới, phóng hỏa nhà mẹ đẻ và đốt luôn mẹ, vì mâu thuẫn trong việc chia thừa kế đất. Phía sau hành vi mất tính người của 3 cô con gái, nguyên nhân bắt đầu từ việc phân đất, chia thừa kế giữa con trai và con gái cũng là vấn đề cần được mổ xẻ.

Tổn thương dồn nén

Chị Lê Thúy Anh, 43 tuổi, đang sống ở Hà Nội chia sẻ, chị run rẩy trước thông tin vụ việc 3 cô con gái ở Hưng Yên đốt mẹ vì chuyện chia đất khi thấy hình ảnh gia đình mình trong đó. Đọc thông tin vụ việc, chị gửi link (đường dẫn truy cập vào bài viết) nhắn mẹ đọc, mong mẹ suy nghĩ thêm về những biểu hiện trọng nam khinh nữ trong hành xử hàng ngày.

Chị Anh cho biết, nhà chị có 4 chị em gái và một cậu em trai là út. Chị em trong nhà rất yêu thương nhau nhưng chính sự phân biệt nam nữ của mẹ đã đẩy các cô con gái rơi vào tận cùng tủi thân, ức chế.

Từ trước đến giờ, tất cả mọi việc trong gia đình như sửa nhà, sắm đồ dùng, xây mồ mả... mẹ đều lấy từ tiền con gái, không đụng một đồng của con trai, dù rằng cậu út vàng bạc được chăm lo ăn học, đầu tư công việc... giờ có thu nhập cao nhất trong mấy chị em. 

Từ vụ 3 con gái đốt nhà mẹ đẻ: Tôi gửi link, nói mẹ hãy đọc đi! - 2

Những người mẹ đậm tư tưởng trọng nam kinh nữ vô tình đối xử rất tệ hại với con gái (Ảnh minh họa).

Các chị em đều phải bươn chải, khi mua nhà trả góp thường dồn tiền cho nhau vay để hạn chế việc vay ngân hàng nhưng lần nào mẹ cũng đều can thiệp, cấm các con gái không được vay tiền của em trai. Đến khi mua nhà, bà không chỉ bán một mảnh đất để dồn tiền cho con trai mà còn "ép buộc" các con gái phải cho em trai vay.

Chị Anh nhớ về giai đoạn đó với những buồn tủi, ám ảnh. Khi đó bản thân chị đang khó khăn nên chỉ cho em mượn 100 triệu đồng, chỉ bằng phân nửa "chỉ tiêu" 200 triệu đồng mà mẹ giao. Đáp lại, bà mắng rủa con gái với đủ lời cay nghiệt: "Biết thế tao không đẻ ra loại con này". 

Chưa hết, chị Anh cho biết, nhiều năm sau, em trai chị liên tục trốn tránh việc trả nợ cho các chị. Và rất logic, mẹ khó chịu vô cùng khi con gái muốn lấy lại tiền đã cho vay. Bà nói: "Mấy chị cho em từng đó là đúng rồi!" và còn dọa "đứa nào muốn lấy tiền từ em thì cứ đến đòi... mẹ". 

Tư trưởng trọng nam kinh nữ của mẹ tạo ra bầu không khí độc hại trong gia đình chị Anh. Từ lời nói đến ứng xử, bà dường như chỉ có con trai, cháu trai. Con gái mừng Tết mẹ 10 triệu, bà bĩu môi chê ít. Nhưng con trai đưa 5 triệu thì kiểu gì bà cũng chỉ nhận 2, nhất định dúi lại 3 triệu đồng. 

Em gái chị Anh, sinh hai con gái mà suốt ngày bị chính mẹ đẻ chì chiết "đồ không biết đẻ" cùng lời thúc giục phải đẻ bằng được thằng cu. 

Đất đai ông bà ở quê rộng mênh mông chưa chia nhưng chị em gái đều biết rõ, với tư tưởng của mẹ, con gái đừng nghĩ có phần. Bà luôn nói, tất cả là của thằng út.

Chị Anh quả quyết bản thân và các chị em gái không ham muốn đất đai, nhà cửa bố mẹ để lại vì cuộc sống đều đã yên ổn cả nhưng cảm giác uất ức, bất bình với mẹ vì những đối xử thiên lệch, bất công giữa các con thì chuyện đất đai cũng thêm dồn nén. Theo đó, khoảng cách giữa mẹ với các con gái mỗi lúc một đẩy xa dần. 

"Không ai có thể chấp nhận hay tha thứ cho hành vi con gái đốt mẹ. Nhưng qua sự việc này, bố mẹ cũng cần nhìn vào và xem lại cách ứng xử của mình với con cái để tránh những bi kịch gia đình", người phụ nữ với những tổn thương từ ấu thơ không khỏi nghẹn ngào.

Đừng quay lưng, tặc lưỡi với chuyện trọng nam khinh nữ 

Bà Trần Thu Hà, tác giả của hàng loạt cuốn sách về giáo dục con nổi tiếng bày tỏ, bản thân bà thấy sợ hãi và ám ảnh câu chuyện ba người con gái cùng nhau đổ xăng đốt nhà, đốt mẹ và đốt chính mình. Đó không chỉ là hành vi vi phạm luật pháp mà còn chà đạp đạo lý làm người.

Theo thông tin, sự việc bắt nguồn từ chuyện ba cô con gái tranh chấp đất bố mẹ để lại cùng người con trai. Ba cô con gái đòi thêm một suất đất ở ngoài mặt đường, người mẹ không đồng ý. Hai bên đã nhiều lần xảy ra cãi vã cho đến khi dẫn đến thảm kịch.  

Từ vụ 3 con gái đốt nhà mẹ đẻ: Tôi gửi link, nói mẹ hãy đọc đi! - 3

Việc đối xử thiên vị với con cái để lại nhiều tổn thương trên đứa trẻ (Ảnh minh họa).

Sự việc này có nhiều góc nhìn và nhiều vấn đề nhưng tác giả Trần Thu Hà bày tỏ, bà nhìn thấy trong đó câu chuyện về tư tưởng trọng nam khinh nữ, ba mẹ thiên vị, không dành tình yêu thương công bằng cho các con... 

Điều đau lòng nhất trong câu chuyện này, theo bà Hà là nhiều bà mẹ, mặc dù cũng là phụ nữ nhưng lại coi thường phụ nữ. Trong rất nhiều gia đình, con gái thường là người chăm lo, hiếu đễ với ba mẹ. Khi ba mẹ đau ốm, nhiều nhà thực sự chỉ trông chờ vào các con gái chăm sóc. Nhưng nhiều cô con gái từ nhỏ đến lớn lại chỉ nhận sự quan tâm, yêu thương thiên lệch so với anh em trai trong gia đình.

Bà Hà cho biết từng chứng kiến gia đình, các chị em gái phải ăn độn, ăn thiếu, còn cậu con trai thì được ăn riêng một nồi cơm trắng với thịt. Có nhà cậu con trai như vua trong nhà, các chị em gái phải chăm sóc hầu hạ, lấy nước cho cậu rửa chân, đi làm kiếm tiền từ rất sớm để lo cho "đích tử" ăn học, vui chơi và vô tư xài tiền.

"Tại phòng tuyển sinh một trường quốc tế hiện nay, tôi thấy nhiều nhà tới nghe tư vấn, tính toán học phí và rồi quyết định chỉ cho con trai học trường quốc tế, còn con gái thì "đầu tư ít thôi", "học trường làng cũng chẳng sao", bà Hà nói.

Tác giả cuốn sách "Con nghĩ đi, mẹ không biết" nhấn mạnh, sự thiên vị của phụ huynh gây tác hại tới sức khỏe tâm lý và sự lớn lên của trẻ. Nhiều người sau khi trưởng thành đã chọn cách đi thật xa, trốn chạy nhưng nỗi đau bị chối bỏ vẫn ám ảnh. 

Có người con gái từng viết gửi bà: "Cô ơi, những câu hỏi ám ảnh em nhất là "vì sao ba/mẹ thương em nhiều hơn mình, vì sao chuyện như thế này mình bị đòn còn em thì không, vì sao em được giải thích nhẹ nhàng còn mình lại bị la mắng?". Khoảng cách vô hình giữa hai chị em đã được tạo nên, nằm sâu trong ký ức, đi vào vô thức. Bây giờ có những lúc em cũng vô tình hành xử không hay với em trai rồi lại dằn vặt...".

Hơn nữa, việc đối xử bất công bằng cũng không tốt cho cả các bé trai được thiên vị. Được quá ưu ái khi bé, các "đích tử" lớn lên dễ ích kỷ, ỉ lại, không có ý chí, khó trở thành người dễ thương, khó tốt bụng, khó tử tế. Và họ thường là bị chính chị em trong nhà ghen ghét, xa lánh.

"Chắc chắn không ai muốn sau này con cái mình dắt nhau ra tòa kiện nhau. Dân mình hầu hết là hạn chế hiểu biết pháp luật và tâm lý ngại thuê luật sư, ngại kiện anh em ra tòa. Nhưng nói thật việc đó còn tử tế, văn minh hơn chuyện đốt nhà, đốt mẹ", bà Hà chua xót.

Qua vụ án quá ác nghiệt, bà Hà bày tỏ, người mẹ trong câu chuyện lớn lên ở môi trường làng quê, đã lỡ vậy rồi, còn với hầu hết người dân hiện nay, internet vào tận túi quần, thông tin tràn ngập khắp nơi, gần như đều miễn phí, từ việc nuôi con, đối xử với con cái lúc nhỏ sao cho công bằng, tới kiến thức luật pháp về thừa kế, những bài nói chuyện về sống buông bỏ… Vậy nên mỗi người không thể từ chối, nói không hiểu.

"Đừng quay lưng, chặc lưỡi bỏ qua với vấn đề trọng nam khinh nữ nữa!", bà Hà kêu gọi.