1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Từ vụ 2 Gen Z xóa dữ liệu khi nghỉ việc: Thời gian thử việc tối đa bao lâu?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều chủ sử dụng lao động lấy lý do thử việc để trả thù lao thấp cho người lao động. Người lao động thắc mắc nhưng không hiểu quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình.

Vừa qua, mạng xã hội xôn xao vụ việc công ty H. đăng bài "bốc phốt" 2 nhân viên "cấu kết, lợi dụng kẽ hở trong quản lý hệ thống thông tin và dữ liệu chưa chặt chẽ của công ty, để thực hiện hành vi phá hoại tài sản chung".

Sau đó, 1 trong 2 nhân viên đã lên tiếng để bảo vệ mình. 2 bên đều có lý lẽ của riêng mình và vụ việc chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, có thể xác định nguồn cơn sự việc là do 2 bên tranh chấp về quyền lợi lao động.

Nhân viên trên phản ánh đã làm việc tại công ty H. 5 tháng nhưng không được ký hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận miệng với mức thù lao theo giờ. Công ty cứ hứa hẹn mà không ký hợp đồng với 2 nhân viên này.

Một bạn đọc tên Hương, làm ở một quán trà sữa ở thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cũng cho biết là chủ quán chỉ trả lương cho em theo chế độ thử việc trong 1 tháng dù công việc của em chỉ là bưng bê, phục vụ khách, ai cũng làm được. Hương thắc mắc chủ quán làm như vậy có đúng không?

Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động, thời gian thử việc của người lao động được xác định cụ thể theo thỏa thuận của 2 bên liên quan: người lao động và chủ sử dụng lao động.

Pháp luật không quy định thời gian thử việc tối thiểu nhưng có quy định thời gian thử việc tối đa tùy vào mức độ phức tạp của công việc để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Từ vụ 2 Gen Z xóa dữ liệu khi nghỉ việc: Thời gian thử việc tối đa bao lâu? - 1

Tùy vào độ phức tạp của công việc, pháp luật quy định thời gian thử việc tối đa để bảo vệ quyền lợi của người lao động (Ảnh minh họa: TC Saigontourist).

Chủ sử dụng lao động không được cho nhân viên thử việc vượt quá thời gian tối đa trên và chỉ được thử việc một lần đối với một công việc.

Thứ nhất, với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp thì thời gian thử việc không quá 180 ngày.

Thứ 2, đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên thì thời gian thử việc không quá 60 ngày.

Thứ 3, với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ thì thời gian thử việc không quá 30 ngày.

Thứ 4, đối với các công việc khác ngoài các công việc cần trình độ, chuyên môn kỹ thuật trên thì thời gian thử việc tối đa không quá 6 ngày làm việc.

Như vậy, theo quy định pháp luật thì chỉ có vị trí quản lý doanh nghiệp mới có thời gian thử việc kéo dài đến 6 tháng. Còn tất cả các vị trí công việc còn lại, thời gian thử việc tối đa là 2 tháng.

Riêng đối với những công việc đơn giản, không cần trình độ, chuyên môn kỹ thuật như bưng bê, phục vụ quán thì thời gian thử việc tối đa chỉ là 6 ngày làm việc.

Các chủ sử dụng lao động vi phạm quy định về thử việc sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.

Theo đó, chủ sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền 2-5 triệu đồng nếu yêu cầu người lao động thử việc quá 1 lần đối với một công việc hoặc thử việc quá thời gian quy định.