Công ty TPHCM tố nhân viên Gen Z xóa dữ liệu khi nghỉ việc: Nữ sinh nói gì?

Minh Nhân

(Dân trí) - Nữ sinh P.N. nói "bị tấn công, chửi bới thậm tệ trên mạng xã hội" sau khi cô bị công ty H. "bóc phốt" cấu kết với người khác xóa dữ liệu khi nghỉ việc.

Nữ sinh bị "tấn công" trên mạng xã hội nói gì?

Liên quan đến việc công ty phụ kiện thời trang H. ở TPHCM tố hai nhân viên Gen Z "cấu kết" xóa dữ liệu khi nghỉ việc, P.N. (20 tuổi) - một trong hai sinh viên, cho biết "đã bị tấn công" dữ dội trên mạng xã hội. Không chỉ mắng chửi, bôi nhọ danh dự, nhiều người còn đòi đến nhà… dạy dỗ N.

"Tôi đã có công việc mới nên rất lo lắng hình ảnh của mình trong mắt công ty. Liệu công ty nào sẵn sàng chấp nhận một nhân viên bị "bóc phốt" tồi tệ như vậy", N. nói. 

Về công ty H., cô cho hay khi vào làm chưa được ký bất kỳ một hợp đồng lao động nào. Theo thỏa thuận bằng miệng, mức lương là 21.000 đồng/giờ, tăng ca xuyên đêm, làm ở nhà kể cả lễ, Tết chỉ còn 17.000 - 18.000 đồng/giờ.

Theo N., đã nhiều lần cô đề cập đến việc ký hợp đồng, nhưng công ty chỉ hứa khi nào có thời gian mới làm. Đến lúc cô nghỉ việc sau 5 tháng làm việc, vẫn không có hợp đồng nào. 

Công ty TPHCM tố nhân viên Gen Z xóa dữ liệu khi nghỉ việc: Nữ sinh nói gì? - 1

Công ty H. đăng bài tố hai nhân viên cấu kết, xóa hết dữ liệu của công ty sau khi nghỉ việc (Ảnh chụp màn hình).

Hồi tháng 5, N. được trưởng bộ phận hẹn lên công ty 4 lần và một lần gặp online. Trong đó,, 2 lần cô bận việc cá nhân, 2 lần quản lý xin hoãn. Đến lần thứ 5, hai bên mới gặp mặt và trao đổi. 

Theo nữ sinh, đây đơn giản là một buổi trò chuyện, phía công ty không nói đến vấn đề đuổi việc cô hay bàn giao công việc. Sau hôm đó, cô bị xóa khỏi tất cả nhóm của công ty. 

"Công ty quy chụp, đăng bài tố tôi cấu kết với bạn P.U. phá hoại tài sản mà không có bằng chứng", N. nói, giải thích thêm không hề biết việc P.U. xóa các bài đăng trên Fanpage của công ty. 

Về việc quản lý H. cho rằng đội ngũ kỹ thuật có chứng cứ chứng minh việc hai nhân viên trao đổi với nhau trong việc xóa dữ liệu của công ty, N. cho biết sẵn sàng đối chất với công ty. 

Công ty TPHCM tố nhân viên Gen Z xóa dữ liệu khi nghỉ việc: Nữ sinh nói gì? - 2

N. cho biết Google Drive mà cô sử dụng để làm việc là tài khoản cá nhân, không phải của công ty (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau khi bị "bóc phốt" trên mạng xã hội ngày 16/7, N. phân trần Google Drive mà cô sử dụng để làm việc là tài khoản cá nhân, không phải của công ty. Sau 2 tháng nghỉ việc, do quá nhiều dung lượng, cô đã xóa các dữ liệu cũ trong tài khoản cá nhân này. 

"Tôi xóa dung lượng cá nhân của mình để phục vụ công việc mới. Công ty cũng không hề liên hệ đối chất trước mà "bóc phốt" tôi trên Fanpage và các hội nhóm công việc, dồn tôi đến đường cùng", nữ sinh cho hay. 

Hôm sau, N. đã đến gặp trực tiếp quản lý công ty. Tại đây, mọi việc được giải quyết, N. khôi phục và bàn giao lại toàn bộ dữ liệu trên Google Drive cá nhân. Cô yêu cầu công ty phải có bài đính chính, nhưng đến hết ngày 18/7, phía công ty H. vẫn chưa thực hiện. 

"Bên đó nói rằng tôi khôi phục và bàn giao xong sẽ đính chính, nhưng hiện vẫn không có động tĩnh gì", N. nói.

Công ty "bóc phốt" nhân viên có bị xử phạt?

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định một công ty đăng bài "bóc phốt" nhân sự lên mạng xã hội, đã thể hiện sự yếu kém trong khâu quản lý và ảnh hưởng tới hình ảnh công ty. 

Theo ông Tiền, đây là mâu thuẫn giữa người lao động - người sử dụng lao động, thuộc trường hợp tranh chấp dân sự liên quan đến việc giao kết, thực hiện hợp đồng lao động giữa hai bên.

Phương án hợp lý và hài hòa cho các bên là giải quyết nội bộ trong công ty trước khi sử dụng đến các phương án khác, nhất là việc đăng thông tin lên mạng xã hội để "bóc phốt" nhau. 

Nếu đủ chứng cứ pháp lý, theo luật sư Tiền, công ty H. có thể chọn cách khôn ngoan hơn là khởi kiện hai nhân viên, yêu cầu bồi thường thiệt hại, thậm chí có thể xem xét trách nhiệm cao hơn (nếu có). 

Công ty TPHCM tố nhân viên Gen Z xóa dữ liệu khi nghỉ việc: Nữ sinh nói gì? - 3

Công ty H. đăng hình ảnh được cho là hai nhân viên xóa dữ liệu (Ảnh chụp màn hình).

Ông Tiền cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 94 Bộ Luật lao động 2019, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. 

Trong vụ việc này, công ty H. đã yêu cầu giữ lại 25 giờ lương của nhân viên để bàn giao công việc là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Bởi việc giữ lại tiền lương để làm "khoản tiền bảo đảm" đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động sẽ trả lương không đầy đủ cho người lao động. 

Ngoài ra, khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định rõ việc yêu cầu đảm bảo bằng tiền hoặc tài sản cho việc thực hiện hợp đồng là một trong những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động. 

Việc công ty H. đăng hình ảnh, thông tin cá nhân của hai nhân viên lên mạng xã hội, đã vi phạm quy định của pháp luật. 

Quyền riêng tư bao gồm bí mật cá nhân, đời sống riêng tư, bí mật gia đình… là một trong những quyền cơ bản của người dân được quy định rõ ràng trong Hiến pháp 2013.

Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

"Do đó việc công ty H. tự ý đăng hình ảnh, thông tin cá nhân của 2 nhân viên lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội", luật sư Trần Xuân Tiền nói.

Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng căn cứ khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP). Công ty này còn phải buộc gỡ thông tin đã đăng tải.

Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt áp dụng với người này sẽ bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.

Công ty TPHCM tố nhân viên Gen Z xóa dữ liệu khi nghỉ việc: Nữ sinh nói gì? - 4

Luật sư nhận định công ty đăng bài "bóc phốt" nhân sự lên mạng xã hội đã phần nào ảnh hưởng tới hình ảnh công ty (Ảnh minh họa).

"Đây là một bài học lớn cho người làm công tác nhân sự, quản lý tại các công ty, doanh nghiệp. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân sự luôn đi kèm với những rủi ro nhất định, như trễ deadline, làm việc không nghiêm túc hay không đạt được hiệu suất công việc", ông Tiền cho hay. 

Theo luật sư, công ty nên trao đổi, góp ý thẳng thắn với nhân viên và tạo điều kiện để họ có thể hoàn thành công việc của mình. Những mâu thuẫn chưa thể hóa giải trong nội bộ mà vội vàng công khai trên mạng xã hội có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự cả hai bên.

Ngược lại, người lao động cũng cần trao đổi, thương lượng rõ ràng về chế độ làm việc, tiền lương và các nội dung trong hợp đồng lao động. Nếu cảm thấy không phù hợp, nhân sự có thể chủ động xin nghỉ hoặc từ chối ký kết hợp đồng. 

Đặc biệt trường hợp người lao động nghỉ việc nhưng còn nắm giữ tài khoản hay các thông tin quan trọng của công ty, việc bàn giao công việc là cần thiết. Nếu muốn xóa dữ liệu, nhân sự cần xin ý kiến của công ty.

"Đây không chỉ thể hiện sự cẩn trọng trong công việc mà cũng là một hành động, thái độ tôn trọng của người lao động đối với công ty mình đã làm việc", ông Tiền nói.

Ngày 16/7, công ty H. đăng bài lên mạng xã hội, tố hai sinh viên P.U. và P.N. "cấu kết, lợi dụng kẽ hở trong quản lý hệ thống thông tin và dữ liệu chưa chặt chẽ của công ty, để thực hiện hành vi phá hoại tài sản chung".

Cụ thể, từ 0h15 đến 4h ngày 12/7, một nhân viên đã vào Facebook của công ty xóa hết những bài đăng với lượng tương tác nhiều nhất (ước tính 300 bài) mà công ty "đã chi hàng chục tỷ đồng quảng cáo".

Sau khi xóa xong, P.U. còn thiết lập chế độ khóa trang không cho khách hàng tương tác và liên hệ với công ty, đồng thời tự thoát tài khoản nhằm mục đích xóa dấu vết và sẽ đổ lỗi cho nhân sự hiện tại.

Công ty cũng tố P.N. vào Google Drive của công ty "xóa toàn bộ thông tin, hình ảnh, dữ liệu liên quan đến các đại lý/cộng tác viên".

Phía công ty sau đó đã nhờ bộ phận kỹ thuật rà soát lịch sử thao tác, "xác định đúng hai nhân sự này đã thực hiện các hành vi trên".