Bị từ chối tuyển dụng vì lỗi nhiều người mắc phải trong thời gian thử việc

Nguyễn Hồng Ngọc

(Dân trí) - Thông thường, người mới đi làm sẽ phải trải qua 1-2 tháng thử việc. Để vượt qua giai đoạn thử thách này và được nhận vào làm chính thức là điều không hề dễ dàng.

Thời gian thử việc là để người sử dụng lao động đánh giá năng lực của người lao động, đồng thời để người lao động xem xét công ty, doanh nghiệp có phù hợp với mục tiêu, định hướng của bản thân hay không.

Khi quyết định làm việc cho một công ty, hầu hết mọi người luôn mong muốn có thể làm ổn định và lâu dài. Nhưng đôi khi, vì nhiều lý do khác nhau mà nhân sự có thể bị sa thải sau quá trình thử việc, điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển sự nghiệp của bản thân.

Bị từ chối tuyển dụng vì lỗi nhiều người mắc phải trong thời gian thử việc - 1

Làm thế nào những người mới bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp có thể vượt qua giai đoạn này và thích nghi với môi trường làm việc mới? (Ảnh minh họa: Nguyễn Hồng Ngọc).

Những câu chuyện khắc cốt ghi tâm dành cho nhân viên thử việc

Chị Kiều Loan 28 tuổi, hiện đang là giám đốc marketing tại một công ty chia sẻ: "Thời gian thử việc thực sự quan trọng, đó là cơ hội để nhân sự thể hiện tài năng và ghi điểm trong mắt lãnh đạo. Khi làm việc, cần phải thực hiện một cách tận tâm, không nhất thiết phải đi sớm về khuya nhưng ít nhất cũng cố gắng đừng để vắng mặt buổi nào.

Mình từng có một đồng nghiệp, công việc vốn có thể hoàn thành trong hai ngày, anh ấy lại thường xin nghỉ vì lý do cá nhân hoặc vì chuyện gia đình mà kéo dài đến cả tuần trời. Cuối cùng, anh ấy không những không hoàn thành yêu cầu đề ra mà còn khiến cấp trên cảm thấy anh ấy làm việc không hết mình và có tính hay trì hoãn.

Thực ra, do lúc đầu anh ấy được phổ biến rằng, sẽ có những lúc cấp trên cho phép nhân viên làm online (trực tuyến) tại nhà nên anh ấy muốn tận dụng để vừa giải quyết việc riêng, vừa hoàn thành công việc được giao. Nhưng việc thường xuyên vắng mặt tại văn phòng và kết quả công việc không được như mong đợi nên anh ấy đã bị cho nghỉ ngay cả khi thời gian thử việc chưa kết thúc".

"Trong thời gian thử việc, nếu không phải vì một số việc rất quan trọng thì không nên xin nghỉ và càng không nên xin nghỉ thường xuyên. Cấp trên có thể đánh giá nhân viên qua điều này là chưa thực sự yêu thích với công việc và thậm chí là làm việc qua loa, thiếu trách nhiệm", chị cho biết.

Chị Kiều Loan cũng chia sẻ, bản thân chị lặn lội trong nghề rất nhiều năm, từng chứng kiến nhiều nhân viên thử việc mặc dù rất có năng lực nhưng cũng không được vào làm chính thức vì đã quá vội vàng trong việc kết thân với đồng nghiệp.

"Một số bạn nhân viên trong thời gian thử việc rất muốn hòa nhập vào nhóm nên vội vàng làm quen, kết thân bằng việc thể hiện sự thân thiện, dễ gần. Mình nhớ có bạn này lúc đầu khá xông xáo, luôn vui vẻ, niềm nở mỗi khi được nhờ, thậm chí là chủ động giúp đỡ mọi người, từ mua cà phê đến xếp hàng gọi món... Nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn, bạn ấy dần bộc lộ thái độ khó chịu, hằn học vì bị nhờ vả quá nhiều như một người chỉ để sai vặt.

Theo mình, cách tiếp cận này không mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt khi bạn cố phải làm những điều mình không thực sự muốn, hoặc sẽ bị người khác lợi dụng, hoặc sẽ bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn. Hãy luôn tận dụng khả năng của mình để giành được sự tôn trọng ở nơi làm việc", chị tâm sự.

Bị từ chối tuyển dụng vì lỗi nhiều người mắc phải trong thời gian thử việc - 2

Một trong những điều quan trọng mà chị Loan đúc rút ra từ khi đi làm đó là: tỷ lệ có mặt của bạn phản ánh một phần thái độ làm việc và thiện chí của bạn (Ảnh: NVCC).

Nên thể hiện bản thân như thế nào trong thời gian thử việc?

"Mình đã nói rất nhiều về thời gian thử việc và những "cạm bẫy" nơi công sở để nhắc nhở các bạn mới vào làm, thời gian này giống như bước vào một chiến trường, là cơ hội tốt nhất để người mới phô diễn năng lực và cũng là giai đoạn mà lời nói và hành động phải hết sức cẩn thận", chị Loan bộc bạch.

Theo chị, chăm chỉ đi làm, có mặt đầy đủ và hết mình với công việc vẫn cần đi cùng sự khéo ăn khéo nói. Bởi lẽ, nói là một nghệ thuật, nhưng biết cách nói là một kỹ năng mà những "cao thủ" chốn công sở cần phải có. Không ai dạy chúng ta kỹ năng này, nhưng chúng ta có thể tự học nó, tức là học cách đoán ý người khác qua lời nói và sắc mặt để cẩn trọng trong lời nói và hành động.

"Ở một số công ty, có những phòng ban với nhiều phe cánh khác nhau luôn có các cuộc đấu tranh nội bộ và một số quy tắc ngầm trong nội bộ. Nếu ai đó khăng khăng muốn biết lập trường của bạn, an toàn nhất là giữ thái độ trung lập. Bạn có thể viện lý do chưa hiểu rõ công ty nên xin từ chối bày tỏ ý kiến của mình", chị chia sẻ.

Song song với đó, nhân sự cũng nên học cách nói lời từ chối. Sôi nổi, hoạt bát, giúp đỡ mọi người không có nghĩa là ôm đồm tất cả mọi thứ. Với những lời nhờ vả mang tính lợi dụng, có thể từ chối vì bản thân còn phải dành thời gian làm việc và phát triển bản thân.

Chị Kiều Loan đã đưa ra lời khuyên rằng, điều quan trọng trước hết cần làm để hoàn thành tốt thời gian thử việc là tập trung vào những điều thực sự quan trọng: kỹ năng chuyên môn, năng lực giải quyết vấn đề và sự chủ động trong các nhiệm vụ được giao.

Mọi người không nên quá lo lắng về vấn đề hòa nhập. Với sự linh hoạt và nắm vững tình hình của công ty, cộng với thái độ ham học hỏi, năng lực làm việc tốt và tính cách thật thà thì việc hòa nhập chỉ là vấn đề thời gian.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm