Từ ngày 1/4: Mẫu thẻ BHYT cũ còn được sử dụng?

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Theo BHXH Việt Nam, từ 1/4/2021, mẫu thẻ BHYT mới sẽ được sử dụng trên toàn quốc, với thiết kế nhỏ gọn như căn cước công dân, thẻ ATM của các ngân hàng, giúp chủ thẻ dễ dàng bỏ túi sử dụng...

Từ ngày 1/4: Mẫu thẻ BHYT cũ còn được sử dụng? - 1
Mẫu thẻ BHYT mới được áp dụng từ ngày 1/4/2021

Trước đó, cơ quan BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định 1666/QĐ-BHXH về việc ban hành mẫu thẻ BHYT để sử dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.

So với mẫu thẻ BHYT hiện hành, mẫu thẻ BHYT mới có nhiều điểm khác biệt mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia và các cơ sở khám chữa bệnh như: Nhỏ gọn về kích thước; được ép plastic ngay sau khi in; thay đổi kiểu chữ in rõ nét, dễ đọc.

Đặc biệt mặt sau của thẻ BHYT đã thay đổi phần lớn nội dung so với mẫu thẻ BHYT hiện hành để người tham gia tiện tra cứu thông tin sử dụng thẻ…

Cũng theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, tới thời điểm 1/4, thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia BHYT nếu còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để khám chữa bệnh theo thẻ BHYT.

Chủ thẻ BHYT chỉ được cấp thẻ BHYT theo mẫu mới trong 3 trường hợp sau: Cấp mới thẻ BHYT cho người tham gia, cấp lại thẻ BHYT cho người bị mất thẻ BHYT, cấp lại thẻ BHYT do bị rách, hỏng, thay đổi thông tin trên thẻ.

Theo BHXH Việt Nam, mẫu thẻ BHYT mới có các thông tin về quyền lợi BHYT của người tham gia, như: Mã mức hưởng và mã nơi đối tượng sinh sống) vẫn được in trên thẻ BHYT mẫu mới (tại vị trí nối tiếp với thông tin về "Giới tính" trên thẻ).

Kích thước thẻ BHYT nhỏ gọn hơn, hình thức đẹp hơn (bằng với kích thước thẻ căn cước công dân và một số loại thẻ ATM của các ngân hàng thương mại hiện nay) thuận tiện khi cất giữ, bảo quản trong ví, hạn chế các trường hợp bị mất, hỏng thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, định lượng giấy của thẻ dày hơn và được ép plastic sẽ giúp tăng độ bền, độ cứng của thẻ, đáp ứng được yêu cầu bảo quản lâu dài, tránh thấm nước, ẩm mốc, nhàu nát, rách hỏng, bay mờ mực in trong quá trình sử dụng.

Qua đó giúp người tham gia giảm được thời gian làm thủ tục đổi thẻ hỏng, tiết kiệm chi phí liên hệ và đi lại làm thủ tục tại cơ quan BHXH.

Từ ngày 1/4, nếu cần biết rõ hơn về các thông tin quản lý khác như: Mã đối tượng đóng BHYT, địa chỉ cư trú của người tham gia, sẽ cần thực hiện tra cứu trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống Thông tin giám định BHYT và Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Ngoài ra, việc tra cứu còn giúp người tham gia biết thêm về thời gian được miễn cùng chi trả trong phạm vi quyền lợi BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến (khi người tham gia đã được cơ quan BHXH xác định đã có đủ 5 năm tham gia BHYT liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở).