1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bình Định:

Truy cứu trách nhiệm hình sự tổ chức, cá nhân nếu trục lợi chính sách

Doãn Công

(Dân trí) - Lãnh đạo tỉnh Bình Định khẳng định: "Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có biểu hiện "tiêu cực" khi thực hiện chính sách thì tùy mức độ mà xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự...".

Ngày 15/7, UBND tỉnh Bình Định vừa ký công văn về việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 23) về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Công văn do ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký, yêu cầu Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cùng các sở ngành, đơn vị liên quan quán triệt và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền được xác định tại QĐ 23. Đồng thời, định kỳ vào ngày 20 hàng tháng, báo cáo kết quả thực hiện về Sở LĐ-TB&XH để tổng hợp.

Truy cứu trách nhiệm hình sự tổ chức, cá nhân nếu trục lợi chính sách - 1

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu các sở ngành, đơn vị địa phương tập trung triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

"Việc triển khai thực hiện chính sách phải đảm bảo công khai, minh bạch, không trùng đối tượng hoặc bỏ sót đối tượng, tạo điều kiện để người lao động, người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách", ông Lâm Hải Giang lưu ý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cũng giao Sở LĐ-TB&XH theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương, của tỉnh.

Truy cứu trách nhiệm hình sự tổ chức, cá nhân nếu trục lợi chính sách - 2

Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) và các đối tượng đặc thù khác theo quy định của UBND tỉnh. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện...

Ngoài ra, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tham mưu, trình UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định. Tổng hợp, đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định giao UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về nhóm đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ và hồ sơ, thủ tục đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ theo QĐ 23, quy định của UBND tỉnh và hướng dẫn của các cơ quan liên quan (nếu có).

Các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung rà soát, thẩm định, tổng hợp, lập danh sách các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác theo đúng trình tự, thủ tục quy định, không để sai sót hoặc trùng đối tượng.

"Sau khi có quyết định của các cấp có thẩm quyền, các địa phương thực hiện ngay việc chi trả ngay đối với những người được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định", ông Lâm Hải Giang cho hay.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong công tác triển khai và giám sát việc thực hiện chính sách, đảm bảo đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách.

"Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc có biểu hiện tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện chính sách thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật", ông Lâm Hải Giang nhấn mạnh.