Quảng Bình:
Trung tâm bảo trợ xã hội - mái ấm của những hoàn cảnh khó khăn
(Dân trí) - Mỗi người một số phận, thiệt thòi khác nhau, thế nhưng khi về với ngôi nhà chung là Trung tâm bảo trợ xã hội, họ đã được sống trong tình thương, đùm bọc và được sẻ chia niềm vui, nỗi buồn…
Mái nhà của người yếu thế
Ngôi nhà chung của những người yếu thế mà chúng tôi nhắc đến chính là Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình, trung tâm này được thành lập vào năm 1995.
Theo ông Nguyễn Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm, đơn vị đang chăm sóc, nuôi dưỡng phục hồi chức năng cho 64 trường hợp là trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người già neo đơn và cả người có công với cách mạng không có ai phụng dưỡng.
Ở trung tâm đặc biệt này, mỗi người có một số phận, hoàn cảnh khác nhau, thế nhưng họ đều được sống trong tình thương, đùm bọc của cán bộ, nhân viên trung tâm và được sẻ chia những vui buồn với những người có cùng cảnh ngộ.
"Mỗi trường hợp khi đến với trung tâm đều có hoàn cảnh hết sức thiệt thòi rồi. Do đó chúng tôi luôn muốn dành những gì tốt đẹp nhất để họ không bị mặc cảm, luôn có nghị lực và cảm nhận được niềm tin vào cuộc sống này", anh Chương chia sẻ.
Cháu Phạm Thanh Minh (3 tuổi) là một trong những trường hợp đặc biệt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình. Cháu bé đáng thương này bị bỏ rơi khi mới được 4-5 ngày tuổi. Minh sau đó được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình, được đặt tên và sống trong sự yêu thương của mọi người tại đây.
"Ngay từ nhỏ, cháu đã bị bỏ rơi, thiếu tình thương của bố mẹ nên chúng tôi rất muốn bù đắp những thiệt thòi đó cho cháu. Ở đây chúng tôi đóng vai trò là người bố, người mẹ, người thân của cháu. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc cháu, giúp cháu phát triển bình thường để có tương lai tốt đẹp hơn", anh Chương chia sẻ thêm .
Cũng như trường hợp cháu Minh, những đứa trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình, khi đến độ tuổi đều được trung tâm tổ chức cho đi học ở các trường công lập, riêng trẻ khuyết tật về trí tuệ hoặc vận động thì trung tâm sẽ tổ chức các buổi dạy riêng với chương trình đặc biệt để các em phát triển tốt về trí tuệ cũng như thể chất.
Nơi trao yêu thương
Được chứng kiến cuộc sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình, được trò chuyện với những số phận thiệt thòi đang được chăm sóc tại đây, chúng tôi mới thấy rõ được ý nghĩa thiết thực mà trung tâm này đang mang lại cho công tác bảo trợ xã hội; giúp đỡ những người yếu thế vượt qua những rào cản của cuộc sống, để họ phát triển, hòa nhập với cộng đồng.
Chị Phan Thị Phềnh (SN 1971), là một trong những hoàn cảnh đáng thương nhất tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình. Chị bị liệt tử nhỏ. Cuộc sống nghèo khó cứ đeo bám người phụ nữ này suốt nhiều năm liền.
Và rồi, cuộc sống của chị Phềnh đã thay đổi kể từ ngày chị được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội.
"Ở đây, tôi được chăm sóc, yêu thương và cảm nhận được tình cảm gia đình thân thiết. Tôi biết ơn các cán bộ, nhân viên chăm sóc và tất cả mọi người trong trung tâm. May có sự giúp đỡ, sẻ chia nên tôi không còn buồn tủi như trước nữa. Tôi muốn sống để cùng vui vẻ với mọi người nơi đây", chị Phềnh vui vẻ nói.
Không chỉ trẻ mồ côi, người tàn tật, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình cũng là nơi trú thân của những mảnh đời neo đơn, người có công nhưng không có ai phụng dưỡng… Thay vì sống ở nhà và đau ốm chẳng biết nhờ cậy ai, tại đây, họ được lo từ cái ăn, giấc ngủ, được chăm sóc sức khỏe và trên hết là tinh thần luôn thoải mái, vui tươi.
Thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song bằng tình thương, trách nhiệm của những người làm công tác xã hội, cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình đã mang yêu thương, thắp lửa "sưởi ấm" cho rất nhiều phận đời kém may mắn.
Với thâm niên 21 năm làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình, chị Nguyễn Thị Huyền Nga tâm sự rằng, để làm công việc chăm sóc các đối tượng bảo trợ này, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng phải là những người có tấm lòng nhân ái, nhân hậu, trách nhiệm cao và đam mê với nghề.
Vất vả nhiều khi không đong đếm được nhưng chị Nga và đồng nghiệp luôn tự hào về nghề của mình; cống hiến hết mình bằng cái tâm, nhằm giúp đỡ những người yếu thế vượt qua những rào cản của cuộc sống, giúp họ phát triển, hòa nhập với cộng đồng.
"Tôi thấy yêu công việc của mình lắm, vì từng ngày tôi đang giúp những con người yếu thế trong xã hội vui sống. Họ đã không may mắn nên chúng ta cần dành nhiều tình yêu và sự quan tâm hơn cho họ. Dù gặp nhiều khó khăn, đôi lúc muốn từ bỏ nhưng rồi nghĩ đến mọi người tôi lại cố gắng hơn", chị Huyền Nga cho biết.