Trục lợi hình ảnh trẻ em để kiếm tiền trên mạng: Nên dừng ngay lập tức!

(Dân trí) - "Trong bối cảnh hiện nay, nhiều vấn đề về tâm linh còn đang tranh cãi. Vì vậy, YouTuber không nên nhồi nhét vào đầu trẻ em những hình ảnh, tư tưởng như vậy…" - Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu cho biết.

Cần dừng ngay việc trục lợi từ khai thác hình ảnh trẻ em trên mạng

Sự việc cơ quan chức năng xử lý YouTuber Thơ Nguyễn đăng tải clip "xin vía" búp bê cho học sinh đang là hồi chuông cảnh báo cho người sáng tạo nội dung, kiếm tiền trên mạng liên quan đến hình ảnh trẻ em.

Liên quan tới vấn đề này, PV Dân Trí đã có cuộc trao đổi với TS.Nguyễn Hải Hữu - Nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), chuyên gia tư vấn về lĩnh vực trẻ em.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, bên cạnh những yếu tố tích cực, việc trẻ em được tiếp xúc với mạng xã hội cũng khiến tăng nguy cơ tiếp cận những"độc tố" từ thế giới ảo?

- Theo tôi được biết, tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia vào mạng xã hội chiếm khoảng 70% dân số, trong đó nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên chiếm gần một nửa. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của công nghệ thông tin, truyền thông đối với trẻ em như: Cung cấp tri thức giúp trẻ em trưởng thành, nhanh nhạy hơn thế hệ trước.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng tiềm ẩn những vấn đề tiêu cực nếu như chúng ta không quản lý tốt. Những "độc tố" trong thế giới ảo tiềm ẩn dưới dạng các hình thức xâm hại trẻ em trong môi trường mạng xuất hiện như: Bắt nạt trực tuyến, xâm hại tình dục không tiếp xúc, văn hóa phẩm khiêu dâm, thông tin sai lệch…

Trục lợi hình ảnh trẻ em để kiếm tiền trên mạng: Nên dừng ngay lập tức! - 1

Ông Nguyễn Hải Hữu - Nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em. (Ảnh: NVCC)

Sự việc vừa qua về một YouTuber đăng 2 clip trên TikTok về búp bê Kumanthong để "xin vía học giỏi" có được coi là một loại xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, thưa ông?

- Câu chuyện YouTuber sử dụng búp bê Kumanthong dạy trẻ con "xin vía học giỏi" đem lại không phải là những hình ảnh lành mạnh, ngược lại phải xếp vào loại văn hóa phẩm độc hại.

Nhiều vấn đề về tâm linh còn đang tranh cãi. Vì vậy, YouTuber không nên nhồi nhét vào đầu trẻ em những hình ảnh, tư tưởng như vậy.

Khi trẻ tiếp xúc sớm với các thông tin mang tính mê tín dị đoan thì nguy cơ khiến trẻ em sống "ảo" và không thực tế. Nếu trẻ em quá tin vào chuyện xin vía học giỏi thì sẽ mai một đi ý chí phấn đấu, học hỏi. Đồng thời ảnh hưởng đến tâm lý và nhận thức. Điều này không có lợi ích gì cho xã hội và chính bản thân đứa trẻ.

Dù chúng ta đang ở sống trong thế giới hiện thực ảo nhưng phải kiểm soát và đảm bảo vận hành đúng mức. Nếu vượt quá giới hạn, con người ta hoàn toàn sống trong thế giới ảo.

Trong thời đại công nghệ, việc kiếm tiền trên mạng được dư luận ủng hộ. Vậy cần nhìn nhận ra sao với việc kiếm tiền trên mạng liên quan đến hình ảnh trẻ em, thưa ông?

- Hình thức trục lợi trên mạng liên quan đến hình ảnh trẻ em là hành động đáng lên án, cần phải ngăn chặn ở Việt Nam. Hiện nay, có nhiều hình thức kiếm tiền bằng hình ảnh trẻ em trên môi trường mạng như: Kiếm tiền từ lượng like, page view; mua bán hình ảnh, clip trẻ em; thu thập, bán thông tin trẻ em với mục đích xấu.v.v…

Ở Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật luật liên quan đến trẻ em đã được hình thành, gồm: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin, Bộ luật Hình sự… Việc trục lợi kiếm tiền trên mạng liên quan đến hình ảnh trẻ em có thể gắn liền với tội xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Những người sáng tạo nội dung hiểu biết luật, đa phần họ biết nhưng vì mục tiêu kiếm tiền nên họ bất chấp.

Xin được thêm, nhiều trường hợp, việc sử dụng hình ảnh trẻ em trên mạng xã hội chưa phù hợp ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, nhận thức của trẻ. Đơn cử như trong các cuộc thi âm nhạc của trẻ em, nhiều hình ảnh trẻ khóc, buồn khi không đạt giải lan truyền trên mạng xã hội vô tình tạo nên cảm xúc không tốt, những hồi ức không đáng nhớ đối với trẻ.

Môi trường mạng gần như đang thiếu "bộ lọc" về các nội dung cho trẻ em. Vậy, gia đình, nhà trường, xã hội sẽ cần phải làm gì giúp trẻ em tiếp cận môi trường mạng một cách an toàn, trong sáng?

- Việt Nam hiện chưa có một "phím nóng" nào để người dân khi phát hiện các thông tin, clip, website không lành mạnh có thể gọi đến báo cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ. Thực tiễn cũng cho thấy, các hành vi xâm hại trẻ em qua môi trường mạng cũng để lại những hệ lụy không hề nhỏ so với việc xâm hại trực tiếp.

Do đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Luật pháp phải sửa đổi hành vi xâm hại trẻ em gắn với tội danh trong đời thực và môi trường mạng sao cho tương đồng. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin giúp quản lý không gian mạng mới đi vào quỹ đạo, giúp môi trường mạng lành mạnh hơn. Đây là giải pháp mang tính đột phá và lâu dài.

Cuối cùng, quan trọng nhất là gia đình, nhà trường, cộng đồng cần quan tâm, đồng hành và kiểm soát thời gian và nội dung trẻ tiếp xúc trên mạng, giúp trẻ hiểu được các nguy cơ xâm hại tiềm ẩn trên mạng xã hội để tự bảo vệ bản thân.

Xin cảm ơn ông