1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Ninh:

Trợ giúp pháp lý giúp đồng bào dân tộc "giảm nghèo về pháp luật"

An Nhiên

(Dân trí) - Thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn Quảng Ninh hướng mạnh về những cơ sở vùng khó, cùng với các kênh khác đã có tác động khá hiệu quả.

Trợ giúp pháp lý giúp đồng bào dân tộc giảm nghèo về pháp luật - 1

Trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật cho người dân ở hội nghị trợ giúp pháp lý tại xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu) (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh).

Nhờ đó, từng bước nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật cho người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Giúp người tiếp cận kịp thời các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý; đảm bảo quyền lợi chính đáng của người được trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật.

Mang kiến thức pháp luật đến từng thôn, bản

Huyện miền núi, biên giới Bình Liêu có 96% người dân là đồng bào DTTS. Nhiều thôn, bản của huyện còn khó khăn, trình độ nhận thức và tiếp cận pháp luật của đồng bào cũng còn nhiều hạn chế. Đa số bà con không nắm vững được hết quyền, lợi ích, trách nhiệm của mình trong các quan hệ pháp luật.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con nhân dân, hằng năm huyện Bình Liêu đã tích cực phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp), Đoàn Luật sư tỉnh, để thực hiện tuyên truyền, vận động và trợ giúp pháp lý cho người dân trên địa bàn. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến đất đai, hôn nhân gia đình, luật hình sự, luật dân sự.

Theo Phòng Tư pháp huyện, từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp tổ chức 5 cuộc trợ giúp pháp lý cho khoảng 500 lượt người. Việc tổ chức các buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật đã giúp đưa chính sách trợ giúp pháp lý đến gần với đồng bào hơn, giúp họ được tiếp cận với chính sách trợ giúp pháp lý; đồng thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu thông tin pháp luật để tăng khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong các quan hệ xã hội.

Trợ giúp pháp lý giúp đồng bào dân tộc giảm nghèo về pháp luật - 2

Tư vấn giải quyết cho người dân tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh).

Không chỉ ở huyện Bình Liêu, thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào DTTS ở nhiều địa phương. Chỉ tính riêng năm 2022, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã tổ chức thành công hội nghị trợ giúp pháp lý tại 12 xã thuộc các huyện: Bình Liêu, Hải Hà, Ba Chẽ. Đồng thời, phát miễn phí hơn 1.700 sổ tay trợ giúp pháp lý và hơn 6.000 tờ gấp pháp luật với nội dung một số quy định về kết hôn trong Luật Hôn nhân và gia đình; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; một số quy định về tội phạm trong Bộ luật Hình sự...

Bên cạnh đó, ngoài tập trung vào tuyên truyền, trợ giúp pháp lý miễn phí theo hình thức hội nghị lưu động, để bảo vệ người nghèo và đối tượng chính sách, người yếu thế trong các vụ án, cũng như nâng cao nhận thức về pháp luật cho các đối tượng này, thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cũng được đẩy mạnh.

HĐND ra nghị quyết trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Trợ giúp pháp lý giúp đồng bào dân tộc giảm nghèo về pháp luật - 3

Tài liệu tuyên truyền pháp luật các chính sách cho đồng bào DTTS và miền núi do Sở Tư pháp biên soạn.

Theo ngành Tư pháp tỉnh Quảng Ninh, sau khi thực hiện hiệu quả của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, hiện nay tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn; chỉ còn 12 thôn có điều kiện KT-XH khó khăn. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, người DTTS phải "cư trú tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn" mới được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí. Như vậy, nhiều người DTTS cư trú ngoài 12 thôn có điều kiện KT-XH khó khăn sẽ không được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý nữa.

Trong khi đó, thực tiễn cho thấy trình độ dân trí tại vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo còn thấp so với mặt bằng chung cả tỉnh. Đây là nơi tập trung nhiều hộ nghèo, thoát nghèo chưa bền vững, điều kiện giao thông đi lại hạn chế, dịch vụ pháp lý chưa phát triển, trong khi người DTTS cư trú tại những vùng này chưa có trình độ hiểu biết pháp luật để có thể tự bảo vệ mình trong các vụ việc tranh chấp pháp luật, chưa có thói quen sử dụng pháp luật trong cuộc sống hằng ngày.

Nhằm tiếp tục giúp đồng bào DTTS được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí; đồng thời nâng cao hơn nữa hiểu biết, nhận thức pháp luật cho người dân khu vực này, ngày 4/11 vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND về quy định chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025.

Trợ giúp pháp lý giúp đồng bào dân tộc giảm nghèo về pháp luật - 4

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết về quy định chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 (Ảnh: Đỗ Phương).

Theo đó, người DTTS tại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý từ ngân sách địa phương dưới hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng.

Tuy nhiên, để chính sách này đến được với đông đảo đồng bào DTTS, nhất là đối tượng cần được trợ giúp pháp lý, thời gian tới, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; triển khai các hoạt động hỗ trợ theo hướng mở, phong phú, đa dạng về hình thức, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh ở cơ sở, nhằm hướng tới hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, chú trọng vào các vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng.